Năm 2011, TTCK Việt Nam liên tục chứng kiến các đợt sụt giảm, đặc biệt chỉ số HNX - Index liên tục tạo đáy mới, nhiều cổ phiếu có mức giá rẻ kỷ lục.
Thống kê sơ bộ, đến thời điểm này, 150 mã cổ phiếu trên sàn HOSE và 256 mã cổ phiếu trên sàn HNX đang được giao dịch dưới mệnh giá. Sàng lọc hẹp hơn, cả hai sàn có khoảng 150 mã cổ phiếu giao dịch dưới 5.000 đồng/CP, xấp xỉ 30 mã cổ phiếu có giá thấp hơn 3.000 đồng/CP.
Giá cổ phiếu của Việt Nam đang rẻ đến mức mà nhiều người phải than lên rằng, một cổ phiếu không đủ mua mớ rau, cọng hành. Buồn một nỗi là dù rất rẻ nhưng NĐT vẫn thờ ơ với những cổ phiếu này.
Có cổ phiếu đang được giao dịch với mức giá 4.200 đồng/CP, dù DN tuyên bố trả cổ tức 18%, nghĩa là nếu NĐT bỏ ra 4.200 đồng để sở hữu một cổ phiếu sẽ được nhận cổ tức ngay 1.800 đồng, mà NĐT cũng chả mặn mà.
Cổ phiếu VKP của CTCP Nhựa Tân Hóa là trường hợp bi hài trên TTCK Việt Nam. Do ba năm liền công ty này kinh doanh thua lỗ nên vào thời điểm 24/11, giá CP VKP giảm xuống mức thấp nhất là 600 đồng/CP.
Với quy định bước giá trần - tham chiếu - sàn là 100 đồng, tỷ lệ dao động giá của VKP lên tới 16,66%, vượt xa khung cho phép của sàn HOSE là + (-) 5%, không hiểu điều gì sẽ xảy ra nếu giá VKP xuống 500 đồng/CP, khi đó biên độ giá sẽ lên tới 20%?
Xét về mặt lý thuyết, một cổ phiếu nếu có giá 10 đồng mà cứ giảm 5%/phiên thì không bao giờ về số 0, còn với VKP hiện nay, nếu lực cầu yếu, xu hướng thị trường không thuận lợi, biên độ giá mỗi ngày giảm 100 đồng thì chẳng mấy chốc, giá VKP sẽ về 0.
Trong thời gian tới, có lẽ sẽ xuất hiện nhiều hơn những CP như VKP. Nếu không có giải pháp về biên độ giá đối với những cổ phiếu thuộc loại này, thì không biết hậu quả với DN sẽ ra sao, bởi không thể loại trừ khả năng một nhóm NĐT nào đó muốn tìm cách đè giá các cổ phiếu này xuống để thâu tóm DN với giá rẻ.
NĐT đang dần cạn kiệt niềm tin vào thị trường. Nhiều cuộc mổ xẻ nguyên nhân của tình trạng giảm giá quá đà của cổ phiếu (về kinh tế vĩ mô, tình hình nội tại của DN…), trong đó, có nhiều nguyên nhân thật nghịch lý, bi hài, mà có lẽ chỉ tồn tại ở Việt Nam.
Trong bối cảnh NHNN thắt chặt tiền tệ, dòng tiền vào TTCK đã yếu lại càng yếu hơn thì thành viên HĐQT tại nhiều DN, những người thông tỏ tình hình tài chính của DN nhất lại liên tục bán ra với lý do đơn giản thu xếp tài chính cá nhân, khiến NĐT hoang mang, khiến giá CP càng sụt giảm mạnh. Hoặc tâm lý mua bán bầy đàn, sẵn sàng mua cao khi giá lên và cắt lỗ khi giá xuống, khiến cho vòng xoáy giảm giá cứ lớn dần.
Với những CP có thanh khoản kém, lượng cầu có khi chỉ vài trăm hay vài ngàn cổ phiếu/phiên, nếu CTCK tiến hành giải chấp hay một NĐT nào đó đột nhiên bán ra, giá CP có thể giảm liên tục, mặc dù tình hình kinh doanh của DN đó không có gì bất thường…
TTCK là kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế, tăng sức cạnh tranh cho DN, đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa thị trường tài chính và sòng bạc. Để lấy lại niềm tin nơi NĐT, đưa TTCK Việt Nam trở lại đúng nghĩa của nó, hơn lúc nào hết, cần một vị Tổng tư lệnh điều hành, minh bạch thông tin, xử lý quyết liệt các vi phạm, kiên quyết với các DN yếu kém thua lỗ triền miên, nói không với những kế hoạch tăng vốn tràn lan của DN.