Bị dân phản ánh nhiều sai phạm, chủ đầu tư chung cư Sinh Lợi nói gì?

(ĐTCK) Chậm ra sổ, phá bỏ sân thượng, chiếm đoạt tầng hầm nơi để xe, chặn lối đi chính của cư dân… là những vấn đề mà cư dân tại Chung cư Sinh Lợi (huyện Bình Chánh, TP.HCM) bức xúc về chủ đầu tư.
Tầng trệt và tầng lửng được chủ đầu tư bán cho tư nhân để kinh doanh thương mại, dịch vụ Tầng trệt và tầng lửng được chủ đầu tư bán cho tư nhân để kinh doanh thương mại, dịch vụ

Cư dân phản ánh nhiều sai phạm

Theo phản ánh của cư dân Chung cư Sinh Lợi (tên thương mại là SilLand Tower) - lô số 5 thuộc cụm 1, Khu dân cư Trung sơn 6,57 ha, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM, do Công ty cổ phần Địa ốc Sinh Lợi làm chủ đầu tư, sau gần 10 năm cư dân vào ở, đến nay vẫn chưa có sổ hồng và nguyên nhân là do chủ đầu tư đã xây lấn tầng hầm.

Cụ thể, sổ đỏ được cấp để xây dựng khu chung cư là 728 m2, nhưng chủ đầu tư đã xây lấn ra là 1.024 m2 dưới tầng hầm. Các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều văn bản yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính với phần xây lấn ra này.

“Trong buổi làm việc mới đây với thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM, đại diện chủ đầu tư nói là đang đẩy nhanh tiến độ việc lập thủ tục cấp giấy chứng nhận cho cư dân. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã sử dụng câu này nhiều năm rồi, mà đến nay vẫn chưa được thực hiện”, ông Dũng, thành viên Ban quản trị Chung cư Sinh Lợi nói và cho biết, ngoài việc chậm trễ làm sổ đỏ cho cư dân, chủ đầu tư Chung cư Sinh Lợi còn xây dựng sai so với bản thiết kế ban đầu.

Đơn cử, theo thiết kế ban đầu được phê duyệt, tầng sân thượng là khoảng không gian riêng biệt, có lối đi riêng để cư dân thoát hiểm nếu xảy ra hỏa hoạn. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã chia ra làm 4 khu vực rồi xây dựng hồ bơi và sân cafe cho 4 căn penthouse ở tầng 14.

Tầng thượng của công trình được cải tạo thành bể bơi và sân chơi cho các căn hộ penthouse

Cũng theo thiết kế ban đầu, tầng trệt và tầng lửng là cửa chính để cư dân ra vào nhưng hiện tại đã được chủ đầu tư bịt lại, quây thành một khu thương mại biệt lập và cho một cá nhân khác thuê. Do vậy, hiện tại cư dân phải đi lên căn hộ của mình bằng cửa sau.

“Điều này khiến cư dân hết sức lo lắng, vì nếu xảy ra hỏa hoạn thì việc thoát hiểm sẽ gặp nhiều khó khăn”, đại diện Ban quản trị nói.

Theo bà Ái, thành viên Ban quản trị, chủ đầu tư luôn khẳng định tầng thương mại và tầng lửng là thuộc sở hữu của mình nên cương quyết không chịu đóng tiền quản lý vận hành và phí bảo trì.

Ngoài ra, chủ đầu tư Chung tư Sinh Lợi còn bị phản ánh chiếm đoạt tầng hầm để xe, diện tích xung quanh khối đế, máy phát điện của tòa nhà…, thậm chí không làm phòng quản lý chung cư theo như bản thiết kế ban đầu.

Chủ đầu tư nói gì?

Trước những phản ánh của cư dân, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Đình Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Sinh Lợi cho biết, chủ đầu tư của dự án này là 2 công ty, gồm Công ty cổ phần Đầu tư Hoàng Tháp và Công ty cổ phần Địa ốc Sinh Lợi.

Có giai đoạn công ty khó khăn trong vấn đề tài chính, nên các cổ đông trong 2 công ty đều đồng ý bán tầng thương mại cho tư nhân. Cụ thể là cá nhân ông Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Hoàng Tháp. Do đó, tầng thương mại bây giờ là thuộc sở hữu riêng của ông Tùng.

“Nếu như công ty giữ lại thì cũng không vấn đề gì, vì vẫn thuộc chủ quyền của chủ đầu tư”, ông Tiến nhấn mạnh.

Bị dân phản ánh nhiều sai phạm, chủ đầu tư chung cư Sinh Lợi nói gì? ảnh 2

Khu vực thoát hiểm trên cao bị cản trở bởi nhiều vật dụng và không có lan can che chắn

Lý giải về việc vì sao không đóng phí quản lý vận hành và bảo trì đối với phần thương mại, ông Tiến cho biết, bản thân chung cư Sinh Lợi từ khi được cấp phép đầu tư đã là chung cư hỗn hợp, gồm khu thương mại dịch vụ và khu dân cư, hoàn toàn tách rời nhau.

Điều này trong luật đã quy định rõ, trường hợp nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh mà phân chia được riêng biệt các khu chức năng khác nhau trong cùng một tòa nhà, được tách biệt với phần sở hữu chung, được quản lý, vận hành độc lập, thì chủ sở hữu khu kinh doanh, dịch vụ được tự quản lý, sử dụng để bảo trì phần sở hữu chung của khu chức năng này.

Hơn nữa, phần sở hữu chung riêng đã được ghi rõ trong hợp đồng mua bán. Tầng hầm, tầng kỹ thuật, phòng sinh hoạt cộng đồng, máy phát điện, sân thượng, diện tích đất xung quanh khối đế chung cư, bãi đỗ xe bên ngoài tầng hầm và các căn hộ chưa bán là thuộc quyền sở hữu, quản lý của chủ đầu tư.

“Tầng trệt và tầng lửng sử dụng làm khu thương mại, dịch vụ, hoàn toàn biệt lập, không đi vào chung với khu dân cư. Thậm chí, sử dụng đồng hồ điện riêng, hệ thống bơm nước riêng và tự quản lý, không dính gì đến quản lý của khu dân cư... Vậy tại sao phải đóng phí quản lý?”, ông Tiến nói và cho biết thêm, khu vực thương mại này chỉ chung hệ thống phòng cháy chữa cháy và hệ thống thoát nước thải, nên sẽ chỉ đóng phí bảo trì đối với phần đó theo tỷ lệ nhất định.

Về việc không xây dựng phòng quản lý chung cư theo như bản thiết kế ban đầu, đại diện Công ty Sinh Lợi cho biết, bản thiết kế được phê duyệt lúc đầu chỉ là một phần. Chủ đầu tư không có nghĩa vụ phải làm phòng quản lý chung cư cho cư dân, mà chỉ có trách nhiệm làm phòng sinh hoạt cộng đồng. Việc thay đổi này không vi phạm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng khi được cấp phép.

“Trong lúc xây dựng sẽ có nhiều thay đổi so với bản vẽ ban đầu, tuy nhiên những thay đổi này trong khuôn khổ cho phép và luật không cấm. Chủ đầu tư được quyền làm như vậy, vì đây là làm kinh doanh, nên không làm những hạng mục không bán được tiền”, ông Tiến nói.

Vị lãnh đạo này cũng thừa nhận rằng, những thay đổi tại tầng hầm để xe chính là nguyên nhân dẫn đến việc chậm ra sổ cho cư dân. Tuy nhiên, ở đây có sự hiểu lầm và chưa thống nhất giữa các cơ quan chức năng.

Cụ thể, khu đất được cấp sổ đỏ để xây dựng chung cư là 728 m2, nhưng phần đất xung quanh cũng đã được công ty nộp tiền sử dụng đất rồi, thậm chí nộp với mục đích sử dụng là đất ở, nên chủ đầu tư có quyền xây rộng tầng hầm ra để cư dân có nhiều chỗ để xe.

“Nếu công ty không xây sớm trong khi làm móng thì bây giờ không thể phát triển, mở rộng được. Đây chính là nguyên nhân khiến việc chậm trễ ra sổ cho cư dân”, ông Tiến nói và cho biết thêm, các cơ quan liên quan cũng đã công nhận điều này và đang giải quyết những vấn đề liên quan.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, nội dung Văn bản số 700/BQLKN-QHXD của Ban quản lý khu Nam, về hoàn thành công trình chung cư Sinh Lợi được ký ngày 29/7/2011 có ghi, công trình xây dựng đã có một số thay đổi so với thiết kế được duyệt như: diện tích xây dựng tầng hầm tăng so với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Không bố trí lối tiếp cận dành cho người tàn tật tại vị trí sản chính công trình; Không bố trí ô thông tầng tại tầng lửng; Mở rộng diện tích sân phơi trong các căn hộ; Thay đổi thiết kế tầng sân thượng và tầng kỹ thuật… Tuy nhiên, các nội dung thay đổi không ảnh hưởng đến chỉ tiêu quy hoạch về mật độ xây dựng, tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.

Do đó, Ban quản lý khu Nam cơ bản chấp thuận các nội dung thay đổi trên với các điều kiện và lưu ý như: Chủ đầu tư phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về điều kiện an toàn khi đưa công trình vào sử dụng; Lập thủ tục giao thuê đất phần tầng hầm phát sinh; Chỉ được khai thác sử dụng trong phạm vi quyền sử dụng đất được công nhận; Bố trí thêm lối tiếp cận dành cho người tàn tật tại sảnh chính công trình.

Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Công an TP.HCM cũng đã có văn bản yêu chủ đầu tư phải lắp đặt bổ sung đầu báo cháy tự động, đầu phun chữa cháy tự động… cho tầng hầm vì đã thay đổi diện tích. Tuy nhiên, đại diện Ban quản trị chung cư cho rằng, chủ đầu tư chưa hoàn thành việc bổ sung các thiết bị này.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Việt Dũng
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục