Bị cáo Đinh Ngọc Hệ: “Không biết việc làm hợp đồng gửi giữ xăng tránh nộp phạt”

(ĐTCK) Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Đinh Ngọc Hệ, cựu Phó tổng giám đốc  Tổng công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng) khai rằng, việc làm hợp đồng gửi giữ xăng tránh nộp phạt do cấp dưới, bị cáo không biết.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ: “Không biết việc làm hợp đồng gửi giữ xăng tránh nộp phạt”

Trong phần tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm xét xử Đinh Ngọc Hệ và các đồng phạm, Chủ tọa phiên tòa yêu cầu các bị cáo trình bày đơn kháng cáo và các căn cứ kháng cáo.

Bị cáo Trần Văn Lâm, cựu Tổng giám đốc CTCP Phát triển Đầu tư Thái Sơn (Bộ Quốc phòng) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bản án sơ thẩm tuyên bị cáo Lâm mức án 5 năm tù giam.

Bị cáo Lâm trình bày, bị cáo được bị cáo Đinh Ngọc Hệ bổ nhiệm làm Giám đốc công ty, quyền hạn có ủy quyền, nhưng thực chất mọi điều hành đều do bị cáo Hệ thực hiện.

Việc ký hợp đồng gửi giữ số xăng vi phạm để tránh bị cơ quan chức năng xử phạt là do bị cáo Hệ chỉ đạo, bị cáo Lâm chỉ đi cùng. Bị cáo chưa bao giờ được tuyển dụng nhân sự, mọi hoạt động điều hành, kể cả giấy giới thiệu nhỏ nhất cũng phải thông qua bị cáo Hệ. Bị cáo có thẩm quyền ký duyệt chi chỉ 5 triệu đồng trở xuống...

Ngoài ra, bị cáo Trần Văn Lâm mong HĐXX xem xét hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn, có 2 con nhỏ đang đi học, vợ không có việc làm, bị cáo là lao động chính. Bị cáo xin được hưởng án treo.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với 7 lý do cho rằng, việc sử dụng xe là hoàn toàn không sai. Theo bị cáo khai, khi xin chủ trương sử dụng xe, đã được các cấp thủ trưởng đồng ý rồi trình các các cục, cơ quan chức năng chấp thuận chủ trương.

Tờ trình xin đăng ký xe có nội dung mục đích sử dụng xe phục vụ sản xuất - kinh doanh, trong đó có cả việc sử dụng để đối ngoại, cho mượn, cho đi nhờ là đối ngoại. Tài sản xe ô tô được mua từ tiền mặt của công ty cổ phần, thế chấp đã được các tổ chức tín dụng đồng ý, không cấm việc thế chấp.

Về số xăng dầu vi phạm ở chi nhánh Bình Dương, bị cáo Hệ khẳng định, thời điểm xảy ra sự việc, bị cáo không biết việc làm giả hợp đồng, không chỉ đạo bất cứ việc gì. Còn việc sử dụng bằng giả, giấy tờ giả của cơ quan tổ chức là do lỗi vô ý không phải cố ý.

“Bị cáo không có chức vụ, không có quyền hạn, không biết việc ký hợp đồng gửi giữ, các bị cáo khác vu khống cho bị cáo” – bị cáo Đinh Ngọc Hệ khai.

Bị cáo cũng xin HĐXX xem xét các giấy khen, bằng khen của gia đình và bản thân bị cáo. Đây là công lao đóng góp đã được ghi nhận, đề nghị HĐXX xem xét áp dụng.

Bị cáo Hệ nhiều lần khai rằng việc sử dụng xe biển xanh cho thuê là đúng, đã xin chủ trương và được đồng ý, hợp đồng cho thuê 2 năm nhưng sau 1 năm khi có chủ trương thu hồi biển xanh, thì Công ty đã làm thủ tục đổi sang biển trắng hết.

Việc cho mượn xe biển đỏ cũng là việc đối ngoại của doanh nghiệp, đã xin chủ trương và được đồng ý, luật không cấm. Khi cho các cá nhân, tổ chức mượn xe đều là các công ty làm ăn chân chính, có mối quan hệ hợp tác với Tổng công ty Thái Sơn, các cá nhân có nhân thân tốt. Quá trình sử dụng xe không để xảy ra vi phạm.

Tại tòa, bị cáo Phùng Danh Thắm đã thay đổi nội dung kháng cáo, từ kháng cáo kêu oan thành xin giảm nhẹ hình phạt. Trình bày trước Tòa, bị cáo Thắm nhìn nhận đã thấy được trách nhiệm của người đứng đầu nhưng mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Phiên tòa đang diễn ra, Báo Đầu tư sẽ cập nhật những diễn biến mới nhất, mời các bạn đón đọc

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục