Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã tập trung tối đa nguồn lực, quyết liệt triển khai cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) một cách đồng bộ từ việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách cho đến việc tổ chức thực hiện, đặc biệt trong lĩnh vực kê khai, thu, nộp BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tự nguyện.
Theo BHXH Việt Nam, hạ tầng công nghệ thông tin bao gồm mạng máy tính, máy chủ, máy trạm, an ninh mạng, trung tâm dữ liệu ngành và hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu, dịch vụ công trực tuyến trên mạng Internet... giúp BHXH quản lý tập trung cơ sở dữ liệu hộ gia đình; từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm...
Đồng thời, đẩy mạnh triển khai thực hiện giao dịch điện tử trên tất cả các lĩnh vực: thu, cấp sổ BHXH; thẻ BHYT; giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, trong năm 2017, BHXH đã tiến hành rà soát, đơn giản biểu mẫu, hoàn thiện quy trình trong tất cả các lĩnh vực thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, giải quyết chi trả chế độ theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia và hưởng thụ.
Trên cơ sở đó, BHXH đã cắt giảm số thủ tục hành chính của ngành từ 32 thủ tục xuống còn 28 thủ tục. Thời hạn cấp sổ BHXH từ 20 ngày, thẻ BHYT từ 7 ngày rút ngắn xuống còn 5 ngày. Riêng với người hưởng trợ cấp thất nghiệp thời hạn này là không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Việc cấp lại thẻ BHYT không thay đổi thông tin được thực hiện ngay trong ngày.
Hiện tại, BHXH Việt Nam cung cấp 19 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Tổng số hồ sơ điện tử giao dịch phát sinh trên hệ thống trong 9 tháng đầu năm 2018 là hơn 34,78 triệu hồ sơ. Tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng hạn là 98,9%.
Trong thời gian qua, BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa, điện tử hóa thủ tục, phấn đấu giảm thời gian nộp BHXH xuống còn 49 giờ; đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả quản lý các quỹ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; phấn đấu đến hết năm 2018, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến người dân, doanh nghiệp sẽ được cung cấp ở mức độ 3.
Đặc biệt, cho phép triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 bằng phương thức sử dụng thanh toán lệ phí trực tuyến, nhận hồ sơ và trả kết quả trực tuyến hoặc gửi qua mạng.
Đáng chú ý, sau gần 2 năm đưa vào vận hành, Hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nối tới gần 100% số cơ sở khám chữa bệnh BHYT từ tuyến xã đến trung ương. Đến cuối năm 2017 đã tiếp nhận hơn 166 triệu hồ sơ khám chữa bệnh điện tử đề nghị thanh toán; tỷ lệ kết nối liên thông và thực hiện giám định điện tử trên toàn quốc đạt 98%.
Nhờ hệ thống thông tin giám định BHYT, cơ quan BHXH phát hiện nhiều bất thường trong việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Đơn cử, trong 6 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ phẫu thuật viêm phúc mạc ruột thừa tăng cao bất thường tại một số cơ sở khám chữa bệnh.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc có 371/375 trường hợp phẫu thuật viêm phúc mạc ruột thừa (chiếm tỷ lệ 98,93%) trên tổng số các trường hợp viêm ruột thừa.
Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Pắc, tỉnh Đắc Lắc có 86/86 trường hợp (chiếm tỷ lệ 100%). Tại Trung tâm Y tế thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương có 62/62 trường hợp (chiếm tỷ lệ 100%). Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang có 147/147 trường hợp (chiếm tỷ lệ 100%).
Khi kiểm tra thực tế các hồ sơ này thì phát hiện có sai sót. Rất nhiều trường hợp bệnh nhân không phải viêm phúc mạc ruột thừa. Đối với các trường hợp có sai sót, cơ quan BHXH kiên quyết từ chối thanh toán.
Được biết, tính đến hết tháng 9/2018, Hệ thống tiếp nhận hồ sơ khám chữa bệnh điện tử đề nghị thanh toán của gần 129,35 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT với tổng cộng chi phí đề nghị là 80.970 tỷ đồng; gia tăng lần lượt 4,5% số hồ sơ và 10,3% tổng chi phí đề nghị giám định so với cùng kỳ năm 2017. Tỷ lệ liên thông dữ liệu bình quân đạt 98%, dữ liệu ra viện đúng ngày bình quân đạt 60,71%.