Có thực doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí?
Nghị định số 143/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về Bảo hiểm xã hội bắt buộc dành cho người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã có hiệu lực kể từ ngày 1/12/2018.
Theo đó, BHXH bắt buộc được áp dụng cho người lao động là công dân nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ một năm hoặc lao động đã được cấp giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề.
Người lao động nước ngoài sẽ tham gia tất cả 5 chế độ BHXH bắt buộc gồm chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chế độ hưu trí và chế độ tử tuất. Tuy nhiên, việc thực hiện có lộ trình.
Các chế độ ngắn hạn bao gồm ốm đau, thai sản và tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ được áp dụng kể từ ngày 1/12/2018. Các chế độ dài hạn như hưu trí và tử tuất sẽ được áp dụng kể từ ngày 1/1/2022.
Mức đóng cũng sẽ giống như mức đóng áp dụng với người lao động Việt Nam, cụ thể: người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 17,5%, dựa trên tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động với mức cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam VBF, Nhóm công tác Đầu tư và thương mại đã bày tỏ lo ngại doanh nghiệp sẽ gia tăng chi phí khi phải thực hiện quy định này.
Theo tính toán của Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại, khi áp dụng đầy đủ cả năm chế độ, tức đến đầu năm 2020, doanh nghiệp phải đóng hàng tháng tổng cộng là 362,6 USD đối với một người lao động có mức lương 4.000 USD, tăng gần 10% so với khi chưa có nghị định.
Theo Nhóm công tác Đầu tư vào Thương mại, chi phí này trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp. Khi đó, tổng chi phí phải đóng đối với người lao động nước ngoài ở Việt Nam sẽ thuộc nhóm cao nhất trong khu vực khi tính đến số lượng các khoản phải đóng, mức đóng cao và phạm vi áp dụng rộng khi không chỉ tính đối với tiền lương mà còn các loại phúc lợi khác.
Trước đây, với người lao động không bắt buộc đóng BHXH, doanh nghiệp chi trả vào tiền lương để người lao động tự lo liệu bảo hiểm; còn khi triển khai chính sách này, thay vì chuyển trả vào lương cho người lao động thì doanh nghiệp sẽ chuyển trả vào Quỹ BHXH.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Luật và Nghị định, vấn đề tác động và đánh giá đã được cân nhắc kỹ lưỡng. Trong cuộc họp thông tin về tình hình BHXH hồi giữa năm 2018, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phân tích vấn đề này.
Theo quy định hiện hành của Bộ luật Lao động, đối với các đối tượng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, trách nhiệm của doanh nghiệp là phải chi trả trong cùng kỳ lương mức chi phí tương tự như khoản có trách nhiệm đóng BHXH cho người lao động. Như vậy, trước đây, với người lao động không bắt buộc đóng BHXH, doanh nghiệp chi trả vào tiền lương để người lao động tự lo liệu bảo hiểm đối với cả lao động Việt Nam và lao động nước ngoài.
Còn khi triển khai chính sách này, thay vì chuyển trả vào lương cho người lao động thì doanh nghiệp sẽ chuyển trả vào Quỹ BHXH và quỹ sẽ đứng ra đảm bảo các quyền lợi cho người lao động trong các quan hệ lao động khi người lao động gặp các rủi ro do ốm đau, tai nạn...
"Do đó, hoàn toàn không phải là trước đây không phải đóng, bây giờ phải đóng thì sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp", ông Nam nhấn mạnh.
Như vậy, nếu trước đây, doanh nghiệp đã thực hiện nghiêm túc quy định chi trả cho người lao động chi phí BHXH thì hoàn toàn không phát sinh chi phí.
Cần có hướng dẫn về thủ tục
Bên cạnh đó, cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài còn lo lắng về trình tự thủ tục. Theo quy định, trình tự, thủ tục tham gia BHXH bắt buộc và giải quyết hưởng BHXH cho người lao động nước ngoài tương tự như đối với người lao động Việt Nam. Cách tính trợ cấp một lần áp dụng với lao động nước ngoài cũng giống như cách tính đang áp dụng cho người lao động Việt Nam do Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định.
Tuy nhiên, theo Nhóm công tác, bất kỳ người lao động nước ngoài nào đã từng yêu cầu hưởng quyền lợi theo chế độ bảo hiểm y tế sẽ thấy rằng họ phải hoàn thành nhiều thủ tục hành chính mà họ không lường trước được.
Nhóm công tác cho rằng Nghị định 143 vẫn chưa quy định hồ sơ giải quyết chế độ trong các trường hợp trên. Đối với lao động nước ngoài đủ điều kiện yêu cầu hưởng trợ cấp một lần nhưng không cư trú tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu, vấn đề liệu họ có thể ủy quyền cho một cá nhân khác thực hiện nộp hồ sơ hoặc nhận những khoản trợ cấp này hay không thì vẫn chưa được quy định?
Điều này có thể không phải là một vấn đề ở thời điểm hiện tại, do sẽ cần có một khoảng thời gian kể từ ngày bắt đầu đóng bảo hiểm cho tới ngày phát sinh những vấn đề này, đặc biệt trong trường hợp yêu cầu hưởng lương hưu.
“Tuy nhiên, việc thiếu hướng dẫn chi tiết vẫn còn đó và chúng tôi kiến nghị vấn đề này cần được làm rõ hơn trong các văn bản hướng dẫn của Nghị định 143 trong thời gian sắp tới” – Nhóm công tác nhấn mạnh.