Từ việc chuyển nhượng vốn góp
Bệnh viện Đa khoa Anh Minh (số 15-16, Phan Văn Trị, phường 7, quận Gò Vấp, TP.HCM), tên cũ là Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vũ Anh, nổi tiếng bởi tiên phong mô hình bệnh viện - khách sạn đạt chuẩn quốc tế. Đây cũng là bệnh viện đầu tiên được Tổng cục Du lịch công nhận đạt tiêu chuẩn dịch vụ khách sạn 5 sao, quy mô 10.000 m2, cung cấp hơn 200 giường bệnh cho bệnh nhân điều trị nội, ngoại trú.
Bệnh viện này có chủ sở hữu là Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa quốc tế Vũ Anh (nay đổi tên là Công ty Anh Minh). Thành viên góp vốn vào Công ty Anh Minh hiện là 2 con trai cựu Hoa hậu quý bà Trương Thị Tuyết Nga, gồm: ông Vũ Hải Anh (59 tỷ đồng, 10% vốn điều lệ) và ông Vũ Hải Minh Anh (531 tỷ đồng, 90% vốn điều lệ).
Ngày 25/4/2012, ông Hải Anh và em trai lập hợp đồng chuyển nhượng vốn. Theo đó, ông Minh Anh chuyển nhượng cho ông Hải Anh 80% vốn điều lệ trong Công ty Anh Minh, tương đương giá trị vốn góp là 472 tỷ đồng.
Hơn một tháng sau, ông Hải Anh ký hợp đồng tín dụng vay Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) 230 tỷ đồng, thời hạn vay 12 tháng, lãi suất 18%/năm; lãi quá hạn, phạt lãi chậm trả là 150% lãi suất cho vay. Mục đích khoản vay để bổ sung vốn mua lại một phần vốn góp của ông Minh Anh. Tài sản thế chấp là hơn 2.800 m2 và tài sản gắn liền trên đất của Công ty Anh Minh - tức Bệnh viện Anh Minh, cùng toàn bộ vốn góp 590 tỷ đồng của hai anh em.
OceanBank đã giải ngân cho ông Hải Anh số tiền 83,8 tỷ đồng. Quá trình vay, ông Hải Anh đã trả cho OceanBank 14,9 triệu đồng, nợ vốn còn lại 83,7 tỷ đồng. Ngày 9/12/2013, OceanBank đã bán toàn bộ khoản nợ trên cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Do ông Hải Anh không trả được nợ vốn và lãi theo thỏa thuận, ngày 17/10/2016, VAMC khởi kiện ra tòa, buộc ông phải trả nợ vốn và lãi là 169,1 tỷ đồng (trong đó có 83,7 tỷ đồng là vốn gốc). Trường hợp ông Hải Anh và Công ty Anh Minh không thanh toán, thì phải phát mãi tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất đã thế chấp, cũng như toàn bộ phần vốn góp của ông và ông Minh Anh trong Công ty Anh Minh để thu hồi nợ.
Trong quá trình giải quyết vụ án, VAMC đã bán lại số nợ trên cho OceanBank. Sau đó, OceanBank tiếp tục bán khoản nợ cho Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam Thịnh Phát.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị hủy 2 bản án
Theo luật sư Đào Quang Huy (Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai), trong vụ việc có tình tiết quan trọng là Quyết định giám đốc thẩm số 07/2022/ KDTM - GĐT ngày 29/4/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự thì không yêu cầu bản án bị hủy vì lý do gì, chỉ cần hủy toàn bộ hay hủy một phần là phải đình chỉ thi hành án. Bởi thế, việc Cục Thi hành án dân sự TP.HCM vẫn thi hành bản án là chưa hợp lý.
Vụ việc được đưa ra xét xử sơ thẩm ngày 24/12/2019 và phúc thẩm ngày 15/7/2020. Ở cả 2 phiên tòa này, Hội đồng Xét xử đã tuyên buộc ông Hải Anh phải thanh toán cho Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam Thịnh Phát tổng số tiền 238,2 tỷ đồng (gồm nợ gốc 83,7 tỷ đồng, nợ lãi trong hạn 3,7 tỷ đồng, nợ lãi quá hạn 150,6 tỷ đồng).
Sau đó, ngày 14/6/2021, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã ra quyết định số 260/QĐ-CTHADS, cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản của Công ty Anh Minh.
Tuy nhiên, sau phiên phúc thẩm, ngày 27/12/2021, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ra Quyết định số 19/QĐ-VKS-KDTM kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm.
Theo đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy cả 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ về Tòa án Nhân dân TP.HCM xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, Viện cũng yêu cầu Cục Thi hành án dân sự TP.HCM tạm đình chỉ thi hành bản án phúc thẩm.
Lý do bởi Hợp đồng tín dụng và Hợp đồng góp vốn đều thực hiện trong năm 2012, nên phải áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng để giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng. Tuy nhiên, việc 2 cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm lại áp dụng Luật Dân sự 2015 để giải quyết là trái với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Điều 688, Bộ luật Dân sự 2015.
Đó là chưa nói, bản án phúc thẩm còn mâu thuẫn và sai lầm trong việc áp dụng lại Điều 424, Bộ luật Dân sự năm 2005 để tuyên hủy Hợp đồng dân sự.
Tuy nhiên, tại phiên xét xử giám đốc thẩm ngày 29/4/2022, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao chỉ chấp nhận một phần kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, tuyên hủy một phần bản án phúc thẩm và sơ thẩm “về phần giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp”, giao hồ sơ cho Tòa án Nhân dân TP.HCM xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định pháp luật.
Khổ chủ bất phục
Cho rằng, quyết định giám đốc thẩm chỉ tuyên hủy một phần bản án “về phần giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp”, nên phần còn lại, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM vẫn quyết định thi hành án, ban hành nhiều thông báo, quyết định cưỡng chế, kê biên, thông báo về kết quả thẩm định giá, thông báo chọn tổ chức bán đấu giá tài sản của Công ty Anh Minh.
Tới ngày 3/3/2023, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã tổ chức bán đấu giá tài sản của Công ty Anh Minh. Kết quả, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam Thịnh Phát đã trúng đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản trên đất là Bệnh viện Anh Minh, với giá hơn 440 tỷ đồng.
Trước sự việc này, ông Hải Anh đã bức xúc gửi đơn kêu cứu khắp nơi khi cho rằng, có nhiều bất hợp lý ở cả tòa sơ thẩm, phúc thẩm và đặc biệt ở việc thi hành án.
Theo ông Hải Anh, kết quả bán đấu giá quá thấp (hơn 440 tỷ đồng), trong khi vốn và tất cả tài sản của Công ty Anh Minh trên thực tế có giá trị thấp nhất đã là 590 tỷ đồng, tức đã gây thiệt hại cho ông và các đồng sở hữu trong Công ty đến 149,3 tỷ đồng.
Mặt khác, tài sản thế chấp của Công ty Anh Minh là toàn bộ khu đất bệnh viện (diện tích 2.810,1 m2); và công trình trên đất (nhà cấp 2, gồm 6 tầng và 1 hầm dùng làm bệnh viện).
Trong bệnh viện có nhiều trang thiết bị y tế với tổng trị giá cả trăm tỷ đồng như máy chụp X-quang, máy chụp CT, trang thiết bị phòng mổ, thiết bị vật tư y tế và nhiều trang thiết bị, vật tư khác, bao gồm hóa chất độc hại và chất phóng xạ…
Các trang thiết bị này hoàn toàn không phải là tài sản thế chấp để bảo đảm khoản vay nêu trên và đương nhiên không phải là tài sản thuộc diện phải thi hành án. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 thì muốn di dời toàn bộ trang thiết bị này, đòi hỏi các thành viên công ty là ông Hải Anh và ông Minh Anh phải họp Hội đồng thành viên và có biên bản họp thống nhất việc di dời trang thiết bị. Tuy nhiên, hiện hai thành viên đang tranh chấp trong vụ án này nên không thể tiến hành họp Hội đồng thành viên để di dời trang thiết bị được.
“Vậy mà ngày 17/4/2023, Chấp hành viên Trần Văn Thọ ban hành quyết định cưỡng chế chúng tôi phải bàn giao quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho người mua trúng đấu giá là Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam Thịnh Phát. Việc làm này trái với Điều 113, Luật Thi hành án dân sự, vì theo quy định, bên trúng đấu giá phải thương lượng với chủ trang thiết bị, nhưng chưa bao giờ Cục Thi hành án dân sự TP.HCM yêu cầu việc thương lượng này”, ông Hải Anh nói và cho rằng, lẽ ra Tòa án cấp sơ thẩm phải tiến hành công tác thẩm định tại chỗ theo quy định tại Điều 101, Luật Tố tụng dân sự, nhằm làm rõ tài sản thế chấp đang tranh chấp có đính kèm vật dụng gì không.
Cũng theo ông Hải Anh, Quyết định giám đốc thẩm số 07/2022/ KDTM - GĐT ngày 29/4/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao chưa rõ ràng, khi không nêu phần nào có hiệu lực thi hành. Bởi thế, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM chưa được tổ chức hành án, mà phải có văn bản yêu cầu Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao giải thích bản án theo đúng quy định tại Điều 48 và Điều 179, Luật Thi hành án dân sự.
Mặt khác, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã thụ lý lại vụ án theo Quyết định giám đốc thẩm số 07/2022/ KDTM - GĐT. Thế nên, khổ chủ cho rằng, đáng lẽ phải chờ xét xử lại, chờ ý kiến giải thích bản án, nhưng việc Cục Thi hành án dân sự TP.HCM vẫn thi hành án, cưỡng chế, khiến ông không thể chấp nhận.