Sáng 5/11, tiếp phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc được yêu cầu trả lời thêm về vấn đề tự chủ tài chính tại đơn vị sự nghiệp công lập.
Ông Phớc cho biết, thời gian qua một số đơn vị thực hiện thí điểm tự chủ tài chính toàn phần như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Việt Đức... gặp khó khăn trong huy động nguồn lực xã hội để thực hiện công tác tài chính của đơn vị.
"Nguồn thu khó khăn, liên doanh, liên kết cũng khó khăn… cho nên các đơn vị xin thôi không thực hiện tự chủ toàn phần mà xin thực hiện tự chủ một phần. Cụ thể là sẽ tự chủ phần chi thường xuyên; còn chi đầu tư như mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng cơ sở mới thì ngân sách Nhà nước phải đảm bảo", ông Phớc nêu vấn đề.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng điều này là hợp lý, miễn sao phục vụ cho người dân tốt nhất và làm thế nào để cho đơn vị ngày càng phát triển. Từ tự chủ chi thường xuyên sẽ tiến tới khi có nguồn thu ổn định và phát triển thì sẽ tự chủ toàn bộ.
Bộ trưởng Tài chính giải trình, làm rõ thêm vấn đề tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập. |
Theo ông Phớc, giáo dục và y tế là hai trụ cột an sinh xã hội quan trọng nhất hiện nay, nếu hai lĩnh vực này vận hành không tốt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập của người dân.
Vì vậy, khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực này cần rất thận trọng, chắc chắn hiệu quả, tránh việc làm một cách theo phong trào.
Ông Phớc giải thích, khi đặt vấn đề tự chủ là để tăng tính chủ động, tính sáng tạo và tính tự quyết của đơn vị sự nghiệp công lập. Tự chủ tài chính 100% có nghĩa đơn vị sự nghiệp công lập sẽ thực hiện trả lương theo kết quả lao động; còn tự chủ về chi thường xuyên thì trả theo quy định, số tiền còn lại đưa vào quỹ thu nhập dùng để khen thưởng cuối năm, và đó là quyền tự quyết của đơn vị; những đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước đảm bảo 100% thì chúng ta cũng đang khuyến khích khoán chi tài chính...
Từ đó, Bộ trưởng nêu quan điểm, điều quan trọng là cuối cùng làm thế nào để đảm bảo chất lượng phù hợp với dịch vụ tốt nhất để phục vụ người dân.
Ví dụ khi người dân vào chụp X-quang ở Bệnh viện Bạch Mai chỉ 45.000 đồng nhưng ra bệnh viện ngoài thì phải trả 500.000. Như vậy, rõ ràng người dân nghèo sẽ bị thiệt thòi.
Cho nên, theo Bộ trưởng Phớc, nếu đơn vị nào chưa đảm bảo được tự chủ, chưa thu hút được nguồn lực từ bên ngoài vào thì ngân sách Nhà nước phải đảm bảo để luôn luôn đổi mới trang thiết bị, công nghệ và luôn đảm bảo giữ được người giỏi trong hệ thống, làm thế nào phục vụ người dân tốt nhất.
Ông Phớc nói rằng, cũng có quan điểm cho rằng phục vụ công cũng giống như phục vụ tư, miễn là có đóng góp cho xã hội là được. "Nhưng, như tôi tìm hiểu ở Singapore thì việc trả lương của các công chức cao hơn nhiều so với khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước."
"Cơ chế đãi ngộ trong đơn vị sự nghiệp công lập tốt sẽ giữ được người giỏi để kiến tạo đất nước, xây dựng, hoạch định ra những chiến lược, quản lý Nhà nước một cách tốt nhất, thúc đẩy và làm nền tảng cho sự phát triển. Vì thế, cần phải giữ được lực lượng tinh hoa nhất ở trong bộ máy Nhà nước, để phục vụ nhân dân tốt hơn”, Bộ trưởng Phớc bày tỏ quan điểm.
Sau 2 năm thí điểm tự chủ bệnh viện, thời gian gần đây cả 2 bệnh viện là Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai đều xin dừng tự chủ toàn diện bệnh viện.
Tại buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan với Bệnh viện Bạch Mai ngày 18/8, TS. Dương Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ năm 2020, Bệnh viện Bạch Mai được giao làm thí điểm tự chủ, nhưng bệnh viện chưa bao giờ được giao đủ điều kiện tự chủ là tự chủ về tổ chức bộ máy, tự chủ về giá và giao vốn để làm tự chủ. "Điều đó có nghĩa bệnh viện đang tự chủ trên danh nghĩa", TS. Dương Đức Hùng nói.
Bệnh viện Bạch Mai xin đề xuất chuyển đổi mô hình theo Nghị định 60 của Chính phủ tự chủ theo nhóm 2, tức là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên.
Tương tự, GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho hay một số quyền tự chủ chưa rõ ràng, gọi là tự chủ nhưng chưa thấy có thay đổi nhiều. Thông tin với báo chí, ông Quảng nói: “Sau hai năm thực hiện thí điểm, bệnh viện đã tổng kết, phân tích ưu, nhược điểm và thấy còn có nhiều khó khăn. Vì vậy, chúng tôi mong muốn được chuyển sang thực hiện tự chủ theo nhóm 2 ở Nghị định 60, như Bệnh viện Bạch Mai đề xuất”.