Bến Tre đột phá phát triển kinh tế về hướng Đông

Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh giải pháp xoay trục phát triển hướng biển, với mục tiêu đưa Bến Tre trở thành tỉnh khá vào năm 2030 và là nơi đáng sống vào năm 2050
Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre (thứ 3 từ phải sang) cùng các nhà đầu tư tham quan, khảo sát và định hướng đầu tư vào các huyện ven biển Bến Tre

Nhiệm vụ then chốt, đột phá

Điểm khác biệt và đáng chú ý nhất trong Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là định hướng phát triển về hướng Đông. Trong các khu chức năng, Bến Tre định hướng phát triển 50.000 ha về hướng biển, bao gồm cả lấn biển (diện tích phát triển thêm gần bằng 1/4 diện tích của tỉnh hiện nay). Khu vực này sẽ tập trung phát triển mạnh kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường, phòng chống sạt lở bờ biển và thích ứng với biến đổi khí hậu.

​Mới đây, ngày 10/4/2024, Ban Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển tỉnh Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021-2030 (Ban Chỉ đạo 805) đã tổ chức cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện quý I và định hướng hoạt động quý II/2024, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 805, nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ 2020-2025 đặt trọng tâm phát triển tỉnh về hướng Đông là nhiệm vụ then chốt, đột phá. Tỉnh cũng đã khai thác và phát huy những thế mạnh kinh tế biển của 3 huyện ven biển Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú... Trong đó, hướng đến nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, cảng cá, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ven biển, phát triển du lịch biển...

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển Bến Tre về hướng Đông đạt nhiều kết quả tích cực. Giá trị sản xuất các ngành công nghiệp 3 huyện ven biển tăng trưởng so với cùng kỳ; một số ngành kinh tế thủy sản và chế biến thủy sản tăng đáng kể. Lũy kế đến quý I/2024, đã phát triển 3.253/4.000 ha nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao; giá trị sản xuất ngành tôm đến quý I/2024 đạt 1,21 tỷ USD; tổng sản lượng khai thác thủy sản trong quý đạt 55.520 tấn.

Hệ thống hạ tầng xã hội tại 3 huyện ven biển từng bước được đầu tư xây dựng, nâng cấp, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho văn hóa, lễ hội, du lịch phát triển. Hạ tầng giao thông - logistics được đầu tư và đẩy nhanh tiến độ. Các công trình, dự án giao thông trọng điểm kết nối phát triển tỉnh Bến Tre về hướng Đông được khẩn trương triển khai. Các dự án xây dựng, mở rộng các cảng cá, cầu tàu đang tiếp tục được thực hiện, hoàn thiện đưa vào sử dụng…

Triển khai đồng bộ

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam nhấn mạnh, các cấp, các ngành rà soát lại, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các đầu việc theo Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh (dự kiến trong tháng 7/2024); khởi công cầu Ba Lai 8, khởi động tuyến đường ven biển và nhà máy hydro xanh... Đẩy mạnh tiến độ thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư xây dựng cầu Cửa Đại kết nối Bến Tre và Tiền Giang, cầu Cổ Chiên 2 kết nối Bến Tre và Trà Vinh; các công trình, dự án liên quan đến phát triển về hướng Đông, đặc biệt là cầu Rạch Miễu 2 và đường gom vào cầu Rạch Miễu 2; hạ tầng Khu công nghiệp Phú Thuận…

Bên cạnh đó, cơ cấu lại ngành thủy sản theo hướng tăng nuôi trồng, giảm đánh bắt; đánh bắt theo kế hoạch, theo chủ trương chung và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tập trung giải quyết vướng mắc của các dự án điện gió; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đường dây và trạm biến áp 110 kV trên địa bàn. Tiếp tục phát triển các cụm công nghiệp, thu hút đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp, các cảng, bến thủy nội địa, bến bãi, cảng biển; đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...

Trước mắt, Bến Tre tập trung triển khai tuyến đường bộ ven biển đi qua địa bàn tỉnh. Đây là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng đối với việc kết nối giao thông liên hoàn TP.HCM - Long An - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng - Bạc Liêu. Tuyến đường này khi hoàn thành sẽ giúp giao thương thuận tiện, thúc đẩy phát triển du lịch, nông nghiệp, công nghiệp, tạo đòn bẩy tăng trưởng cho Bến Tre và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Huy Tự
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục