Bên bán quay lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán chốt lời xuất hiện trên diện rộng, nhưng chưa khiến đà tăng bị ảnh hưởng nhiều, do thị trường chung đã có thời gian dài tích lũy trước đó.
Bên bán quay lại

Chứng khoán Mỹ: Hứng khởi

Sau chuỗi tăng lãi suất nhanh, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tạm ngừng động thái này trong tháng 6/2023, giúp giá cổ phiếu có diễn biến tăng mạnh. Hầu hết các kỳ vọng đều tích cực hơn, với tâm lý đầu tư được cải thiện. Nhiều vị thế giao dịch chứng khoán ngắn hạn chuyển hướng sang dài hạn và gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục khi đạt được mức lãi mục tiêu trong thời gian ngắn. Nhưng trên hết, chính nhờ kỳ vọng Fed dần chạm được mục tiêu điều tiết lãi suất và số liệu CPI hạ nhiệt là động lực chính cho dòng tiền quay trở lại thị trường.

Chỉ số dẫn dắt S&P 500 liên tiếp tạo đỉnh mới trong năm 2023, dù đặt trong tình huống chu kỳ kinh tế vẫn chưa thật sự cải thiện thì việc có lãi lớn từ thị trường chứng khoán lúc này là điều ít nhà đầu tư nghĩ đến.

Nhóm thị trường cận biên và các tài sản đầu tư rủi ro cao cũng có diễn biến khả quan. Với chỉ số VN-Index, tín hiệu giá tăng đã xuất hiện từ trước đó. Chính sách hạ lãi suất và thanh khoản liên tiếp được cải thiện trở thành động lực chính cho chỉ số hồi phục.

Tuy nhiên, khi một nhóm tài sản tăng tương đối “cực đoan”, thì tính phân hóa từ thị trường cũng thể hiện rõ nét. Rủi ro địa chính trị đi cùng với kỳ vọng điều tiết sản lượng dầu từ OPEC+ khiến cho sản phẩm dầu chưa thu hút được dòng tiền, tài sản tích trữ là vàng bắt đầu bước vào giai đoạn điều chỉnh sâu, trong khi dòng tiền dần chuyển trở lại kênh chứng khoán.

VN30: Điều chỉnh để có thể đi xa hơn

Thị trường vừa có nhịp phục hồi nhanh. Việc giá điều chỉnh khi chạm vào vùng đỉnh cũ trong năm 2023, xét về mặt tâm lý và kỹ thuật, là điều khá phổ biến khi rất nhiều vị thế tìm cách chốt lời. Nhưng dựa vào tính thanh khoản kết hợp động lực tăng từ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, có thể kỳ vọng nhịp tăng sẽ tiếp diễn.

Đồ thị nến từ VN30 chốt phiên cuối tuần qua không thật sự tích cực khi chạm cản kháng cự từ Fibonacci và đưa ra hiệu ứng rút nến. Với thanh khoản cao, có thể áp lực bán chốt lời xuất hiện trên diện rộng. Nhưng một lần nữa, một phiên bán chưa khiến cho đà tăng bị ảnh hưởng nhiều, do chỉ số đã có thời gian dài tích lũy.

Việc áp lực bán xuất hiện đang được xem là yếu tố cần thiết để hạ nhiệt thị trường. Đây cũng là điểm khác biệt so với nhịp tăng mang tính FOMO (tâm lý mua lên vì sợ bỏ lỡ cơ hội) trong giai đoạn thay đổi chính sách nửa cuối năm 2020. Chỉ báo RSI cho tín hiệu phân kỳ âm cũng là thời điểm dòng tiền điều chỉnh kỳ vọng và thận trọng, thay vì bỏ qua các cảnh báo như trước. Nhìn chung, xu hướng thị trường trong ngắn hạn vẫn là trạng thái tăng, với chỉ báo MACD và Histogram duy trì tín hiệu tích cực.

Phái sinh: Bên bán quay lại

Thị trường phái sinh có nhịp đảo chiều ngoạn mục với hợp đồng tháng 7/2023 phiên cuối tuần qua (16/6/2023). Nhìn về góc độ kỹ thuật, cú chỉnh bất ngờ khiến một loạt chỉ báo trên đồ thị ngắn hạn chuyển đổi trạng thái từ tích cực sang ủng hộ bên bán (Short). Nhưng đây cũng là điều cần diễn ra khi trước đó bên bán đã gặp một cú “đánh úp” vào ngày 12/6/2023.

Xét về hiệu ứng tâm lý, có thể thấy giá tạo đỉnh 2 ngay vùng kháng cự Fibonacci mở rộng, thể hiện rõ việc dòng tiền tuân thủ chỉ báo kỹ thuật. Giá “thủng” ngưỡng hỗ trợ xu hướng cho thấy bên bán đã quay trở lại. Có thể động thái này đến từ dòng tiền cơ sở chốt lời với VN30, nhưng một phần đến từ bên mua (Long) hạ tỷ trọng đang nắm giữ.

Chỉ báo vênh Basis thể hiện rõ cho quan sát này khi giảm mạnh từ mức vênh dương. Nói cách khác, bên mua hiện thực hóa lợi nhuận khi phát hiện mức độ hưng phấn có phần quá đà trong phiên. Mặc dù vậy, bên bán cũng có lý do để tham gia khi RSI cho tín hiệu phân kỳ âm rõ nét và điều chỉnh từ vùng quá mua. Bên cạnh đó, tín hiệu từ MACD góp phần khẳng định việc thị trường hạ nhiệt là cần thiết, khi dòng tiền mới tham gia vào thị trường phái sinh không còn sôi động như trước.

Do vậy, chiến lược giao dịch cho tuần mới là ưu tiên lệnh mua giá thấp và chốt vị thế với giá mục tiêu vừa phải. Cụ thể hơn, trường hợp ngưỡng hỗ trợ 1.100 được kiểm chứng sẽ là cơ sở để mua lên với mục tiêu tại 1.120 điểm. Nhìn về góc độ rộng, xu hướng tăng từ chỉ số cơ sở vẫn rõ nét, nhưng nhà đầu tư có thể cân nhắc lệnh bán khi giá thủng nền hỗ trợ quan trọng này.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục