Sau khi chào bán thành công 20 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, Becamex ACC đã thu về 200 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng.
Với 200 tỷ đồng thu được từ đợt chào bán, Đầu tư và Xây dựng Bình Dương ACC cho biết sẽ sử dụng 180 tỷ đồng thanh toán nợ vay ngân hàng và 20 tỷ đồng thanh toán tiền nợ phải trả ngắn hạn như mua nguyên vật liệu, hàng hóa.
Về kết quả từ đợt chào bán cổ phiếu trên, ACC thông tin đã bán hơn 18,7 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu, số còn lại bán cho nhà đầu tư ngoài doanh nghiệp.
Cơ cấu vốn sau đợt chào bán thành công thay đổi như sau: trong tổng số 300 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, cổ đông trong nước nắm 258,6 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 86,22%, còn lại là cổ đông nước ngoài.
CTCP Kinh doanh và Đầu tư Bình Dương (ITC) hiện là cổ đông tổ chức lớn nhất, sở hữu 7,47 triệu cổ phiếu ACC (tỷ lệ 24,9%), tiếp đến là quỹ ngoại Pyn Elite Fund (Non-Ucits) sở hữu gần 3 triệu cổ phiếu (xấp xỉ 10%).
Ngoài ra, còn có hai cổ đông cá nhân không nằm trong cơ cấu ban lãnh đạo công ty giữ lượng lớn cổ phiếu là ông Hoàng Xuân Quang sở hữu 7,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 24,8%) và bà Nguyễn Thị Kim Thanh sở hữu 7,1 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 23,7%).
Về hoạt động kinh doanh, lũy kế 9 tháng năm 2020, Becamex ACC ghi nhận doanh thu đạt 315 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,2% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 38,6 tỷ đồng, tăng 36%.
Tuy nhiên, báo cáo lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh cho thấy giai đoạn này tiếp tục âm 185 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước âm 63 tỷ đồng), cho thấy bức tranh tài chính của doanh nghiệp khá ảm đạm, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Do vậy, việc huy động được nguồn vốn 200 tỷ đồng trong thời gian này được xem là rất có ý nghĩa đối với Becamex ACC.
Trên thị trường, từ đầu năm 2021 cổ phiếu ACC tiếp đà tăng, từ 14.150 đồng/cổ phiếu (04/01) lên 16.400 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch 12/01.