Bê trễ tiến độ 6 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
Cả 6 dự án đường sắt đô thị do Bộ GTVT; UBND TP. Hà Nội và UBND TP.HCM làm chủ đầu tư đều đang bị chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư so với kế hoạch ban đầu.
Một đoàn tàu vừa được nhập khẩu tại Dự án đường sắt đô thị thí điểm Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Một đoàn tàu vừa được nhập khẩu tại Dự án đường sắt đô thị thí điểm Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội.

Theo thông tin của Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký Báo cáo số 431/BC – CP về tình hình triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội và TP.HCM.

Trong số 6 dự án đường sắt đô thị đang triển khai, có 2 dự án do Bộ GTVT làm chủ quản đầu tư (tuyến Cát Linh – Hà Đông, tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi); 2 dự án do Tp Hà Nội làm chủ quản đầu tư (tuyến đường sắt đô thị thí điểm, đoạn Nhổn – ga Hà Nội; tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo); 2 dự án do UBND TP.HCM làm chủ quản đầu tư (tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, đoạn Bến Thành - Suối Tiên; tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Bến Thành - Tham Lương).

Điều đáng nói là chậm tiến độ, nhiều vướng mắc kéo dài là tình trạng chung của 6 dự án đường sắt đô thị từng nhận được rất nhiều kỳ vọng này.

Cụ thể, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên bắt đầu thực hiện từ tháng 3/2007. Theo kế hoạch ban đầu, Dự án này sẽ phải hoàn thành công trình đưa vào khai thác năm 2018.

Do chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và phải lập lại thiết kế kỹ thuật cho nhà ga ngầm Bến Thành nhằm tích hợp giữa các tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2, số 3a và số 4 nên thời gian thực hiện Dự án đã được phê duyệt điều chỉnh, trong đó thời điểm hoàn thành công trình đưa vào khai thác là quý IV/2021; thời điểm kết thúc công tác hỗ trợ vận hành bảo dưỡng là năm 2026.

Tính đến cuối tháng 9/2021, đã có 4/6 gói thầu chính thuộc Dự án đang triển khai thi công, lũy kế khối lượng tổng thể của toàn dự án đạt khoảng 87,5%, dự kiến đến cuối năm 2021 đạt khoảng 91%.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, những diễn biến khó lường của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công Dự án, trong đó có việc nhân sự tham gia thi công tại công trường giảm mạnh, đặc biệt trong quý II và quý III năm 2021 do việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Sơ bộ đánh giá ban đầu cho thấy việc hoàn thành công tác thi công Dự án vào cuối năm 2021, đưa vào vận hành trong năm 2022 không khả thi.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị Tp Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản, có thời gian thực hiện ban đầu là từ năm 2009 đến năm 2015. Tuy nhiên, do việc điều chỉnh dự án nên dự kiến thời gian hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành toàn tuyến là năm 2027; thời điểm kết thúc công tác đào tạo vận hành bảo dưỡng là 5 năm (từ năm 2027 đến năm 2032).

Tổng mức đầu tư ban đầu của Dự án là 19.555 tỷ đồng hiện có thể tăng lên tới 35.679 tỷ đồng. Lũy kế giải ngân từ khi bắt đầu thực hiện Dự án đến tháng 8/2021 đạt 974 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn đối ứng đạt 355 tỷ đồng; nguồn vốn ODA đạt 619 tỷ đồng.

Chính phủ cho biết, Dự án chậm triển khai do việc điều chỉnh Dự án kéo dài từ tháng 10/2012 đến nay chưa được phê duyệt, vướng mắc chủ yếu liên quan đến trình tự, thủ tục điều chỉnh dự án theo quy định của Luật xây dựng, Luật đầu tư công và Nghị định 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn ODA; quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9.

Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi), giai đoạn 1 được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 3304/QĐ-BGTVT ngày 31/10/2008 với thời gian hực hiện từ năm 2007 đến năm 2017; đến năm 2017 được phê duyệt điều chỉnh với dự kiến thực hiện từ năm 2017 đến năm 2024.

Dự án mới giải ngân 842,4 tỷ đồng vốn vay ODA Nhật Bản để thực hiện công tác thiết kế kỹ thuật của dự án (từ năm 2009 đến năm 2014); giải ngân 1.412 tỷ đồng vốn đối ứng để thực hiện các công tác như: giải phóng mặt bằng, quản lý dự án, chi phí tư vấn trong nước, chi phí khác.

Hiện Bộ GTVT đang xem xét bàn giao Dự án cho UBND Tp Hà Nội để tiếp tục triển khai đảm bảo tính đồng bộ với các tuyến đường sắt đô thị khác, tạo thuận lợi trong việc điều hành, kết nối với hệ thống giao thông trên địa bàn thành phố và phù hợp với quy định của Luật Đường sắt, Luật Ngân sách, Luật Quản lý nợ công.

Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương có thời gian hoàn thành ban đầu được duyệt là năm 2018 và được điều chỉnh thời gian thực hiện là tổ chức thi công từ 2022 - 2026; kiểm tra, vận hành chạy thử và bàn giao khai thác: cuối năm 2026.

Công tác giải ngân Dự án này rất chậm khi lũy kế giải ngân vốn ODA đến nay là 931,6/37.468 tỷ đồng, đạt 2,5%; lũy kế giải ngân vốn đối ứng đến nay là 217,8/10.403 tỷ đồng, đạt 2,09%.

Chính phủ cho biết là Vvệc đàm phán phát sinh hợp đồng với tư vấn IC tại Dự án đã kéo dài từ tháng 11/2020 đến tháng 2/2021 và không thể đạt được kết quả do tư vấn IC vẫn giữ quan điểm yêu cầu thanh toán không đúng điều kiện hợp đồng và quy định của pháp luật Việt Nam.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát tại Tp HCM dẫn đến việc trao đổi với các đối tác nước ngoài gặp khó khăn và phần nào ảnh hưởng đến tiến độ các nhóm công việc liên quan của dự án.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông có thời gian bắt đầu thực hiện từ tháng 11/2008, dự kiến hoàn thành tháng 11 năm 2013. Hiện nay, dự án được điều chỉnh thời gian thực hiện đầu tư đến tháng 3/2021.

Dự án đã hoàn thành toàn bộ phần xây dựng, lắp đặt thiết bị và vận hành thử toàn hệ thống theo tiêu chuẩn Dự án vào tháng 12/2020. Bộ GTVT đã hoàn thành công tác nghiệm thu tổng thể công trình. Trên cơ sở kết quả nghiệm thu các công trình thành phần, nghiệm thu tổng thể công trình, Bộ GTVT đã có báo cáo hoàn thành gửi Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đề nghị tiến hành kiểm tra và có ý kiến chấp thuận về công tác nghiệm thu Dự án.

Dự kiến Hội đồng sẽ tổ chức họp kiểm tra công tác nghiệm thu của Chủ đầu tư trong tháng 10/2021. Sau khi có ý kiến chấp thuận của Hội đồng kiểm tra nhà nước, Bộ GTVT sẽ tiến hành bàn giao dự án cho UBND Tp Hà Nội tiếp nhận, vận hành khai thác theo quy định.

Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội có thời gian bắt đầu là năm 2009; thời gian kết thúc là năm 2022.

Dự án có 10 gói thầu chính, gồm 9 gói thầu về xây lắp, thiết bị (5 gói thầu xây lắp, 4 gói thầu thiết bị) và 1 gói Tư vấn chung.

Đến nay, UBND Tp Hà Nội đã hoàn thành công tác ký hợp đồng và triển khai thi công 9/9 gói thầu chính về xây lắp và thiết bị (trong đó gói thầu CP01 và CP04 đã thi công xong, hiện đang hoàn thiện hồ sơ hoàn công).

Tiến độ chung dự án đạt khoảng 74%, tiến độ tổng thể đoạn trên cao đạt 89,41%, do nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện nên chưa đưa vào khai thác đoạn trên cao theo kế hoạch và dự kiến sẽ phải điều chỉnh tiến độ hoàn thành đoạn ngầm và toàn tuyến.

Do việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng đến nay và hiện vẫn tồn tại chậm trễ xử lý đối với nhà 23 Quốc Tử Giám và phê duyệt chính sách đền bù, hỗ trợ tạm cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi tuyến hầm nên Nhà thầu HGU đã gửi 3 khiếu nại yêu cầu bồi thường với tổng chi phí là 114,7 triệu USD và đề nghị chấp thuận thanh toán nếu không sẽ không thể tiếp tục thực hiện công việc và sẽ tiến hành các thủ tục khiếu nại lên Trọng tài quốc tế.

Nhà thầu đã giảm khối lượng công việc trên công trường kể từ tháng 6/2021 và đã có văn bản số HGU-MLT-00459-21-E/V ngày 26/6/2021 thông báo tạm dừng công việc. Nhà thầu đã yêu cầu thành lập Ban giải quyết tranh chấp (DB), Ban Quản lý dự án cũng đã cử thành viên đại diện cho Chủ đầu tư để tiến hành hòa giải theo quy định của Hợp đồng.

Hiện nay, UBND Tp Hà Nội đang xem xét thành lập Ban xử lý tranh chấp để xử lý các khiếu nại và tháo gỡ các vướng mắc về khiếu nại của nhà thầu CP03.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục