Petrolimex: Triển khai đồng bộ các giải pháp
Ông Phạm Văn Thanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). |
Toàn cầu đón năm 2021 với dấu hiệu lạc quan trong phòng chống Covid-19 khi vắc-xin bắt đầu được triển khai tiêm tại nhiều nước. Tuy nhiên, nguy cơ về làn sóng lây nhiễm thứ ba với biến chủng virus mới đã xuất hiện, khiến nỗ lực sớm đẩy lùi dịch bệnh trở thành thách thức. Tình hình quốc tế, trong nước dự báo có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.
Năm 2021 là năm bản lề, năm đầu tiên thực hiện kế hoạch sản xuất - kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025 của Petrolimex.
Trên cơ sở đánh giá, dự báo tình hình năm nay, chúng tôi đặt ra 5 nhiệm vụ trọng tâm và phấn đấu hoàn thành, bao gồm: đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình ản xuất - kinh doanh, tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19; triển khai đồng bộ các giải pháp để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch ản xuất - kinh doanh năm 2021; đẩy mạnh hoạt động ản xuất - kinh doanh xăng dầu cốt lõi, trong đó tập trung phát triển hệ thống bán lẻ xăng dầu, đầu tư mới, hiện đại hóa hệ thống cửa hàng hiện hữu, quyết tâm hoàn thành việc áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt và triển khai có lộ trình nhận diện thương hiệu mới trên toàn hệ thống; nâng cao hiệu quả ản xuất - kinh doanh thông qua nền tảng công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Petrolimex cũng chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công nhân viên, có các giải pháp khuyến khích động viên toàn thể đội ngũ sáng tạo, phát huy năng lực để hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra.
SCIC: Mục tiêu trở thành “quỹ đầu tư của Chính phủ”
Ông Nguyễn Chí Thành - Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). |
Theo Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV vừa được thông qua, Quốc hội đã cho phép Ngân hàng Nhà nước cấp vốn, gia hạn để các ngân hàng cho Vietnam Airlines vay, đồng thời SCIC được chỉ định tham gia đợt tăng vốn của hãng hàng không này. SCIC sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công tác đầu tư vào Vietnam Airlines theo thẩm quyền.
SCIC đã triển khai xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển của SCIC giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2035 và Kế hoạch sản xuất - kinh doanh, đầu tư phát triển giai đoạn 2020 - 2025.
Dự thảo đã được triển khai lấy kiến thẩm định của các bộ, ngành có liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... Hiện dự thảo đã được Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành.
Dự thảo Chiến lược phát triển của SCIC giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2035 xác định định hướng tập trung đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, thực hiện tốt vai trò là “nhà đầu tư của Chính phủ”, hướng tới mục tiêu trở thành “quỹ đầu tư của Chính phủ”.
Năm 2021, SCIC sẽ chủ động triển khai xây dựng báo cáo Đề án chuyển đổi mô hình hoạt động SCIC thành quỹ đầu tư Chính phủ; tăng cường công tác quản trị đối với các doanh nghiệp quy mô lớn, có vốn nhà nước chi phối và có vai trò quan trọng trong danh mục của SCIC; tiếp tục tái cơ cấu, xử lý dứt điểm các tồn tại ở một số doanh nghiệp, bao gồm các tập đoàn, tổng công ty mới tiếp nhận, các doanh nghiệp thuộc diện giám sát đặc biệt.
Bên cạnh đó, SCIC ưu tiên xem xét các cơ hội đầu tư trong một số ngành, lĩnh vực và dự án trọng điểm mà Nhà nước cần tập trung đầu tư và nắm giữ chi phối; đồng thời, đảm bảo năng lực tài chính của SCIC và hiệu quả đầu tư theo nguyên tắc thị trường.
Đối với dự án đầu tư vào Vietnam Airlines theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, SCIC sẽ tiếp tục làm việc với Vietnam Airlines và báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cùng các cấp có thẩm quyền (Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính....) để thúc đẩy việc triển khai giải ngân đầu tư đảm bảo thận trọng, hiệu quả.
Vietnam Airlines: Tập trung khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh
Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines. |
Các chỉ số tài chính và khai thác năm 2020 của Vietnam Airlines đều khả quan so với dự báo trước đó.
Số lỗ hợp nhất dự kiến ở mức 14.445 tỷ đồng; trong đó, số lỗ của công ty mẹ dự kiến hơn 12.000 tỷ đồng, giảm lỗ 2.420 tỷ đồng so với kế hoạch.
Mức lỗ sẽ giảm thêm khoảng 2.858 tỷ đồng khi doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục điều chỉnh khấu hao, phân bổ chi phí sửa chữa, bảo dưỡng theo chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của Chính phủ.
Hoạt động khai thác được Vietnam Airlines duy trì và đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Số chuyến bay năm 2020 ước đạt 96.500 chuyến, sản lượng hành khách ước đạt 14,23 triệu khách. Sản lượng hàng hóa ước đạt 194.457 tấn. Chỉ số đúng giờ (OTP) đạt xấp xỉ 90%...
Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 đã giúp thị trường hàng không và du lịch nội địa hồi phục nhanh, các cân đối lớn của kinh tế vĩ mô được đảm bảo, tỷ giá ổn định, lãi suất ở mức thấp làm giảm áp lực chi phí tài chính.
Đồng thời, các chính sách giảm thuế môi trường, giá, phí điều hành bay, hạ cất cánh tại các sân bay góp phần tiếp sức cho các hãng hàng không vượt qua khó khăn.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Vietnam Airlines sẽ tập trung khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Đồng thời, doanh nghiệp triển khai phương án tái cơ cấu tổng thể, bao gồm tái cơ cấu sở hữu vốn và tài chính; tái cơ cấu tài sản và các danh mục đầu tư; tái cơ cấu các hoạt động sản xuất - kinh doanh, bảo đảm tinh gọn, nâng cao hiệu quả với nghiệp vụ bán/bán và thuê lại (SLB) các tàu bay sở hữu; thoái một phần vốn hoặc toàn bộ vốn tại một số doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động cao nằm trong chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải hàng không… nhằm đạt mục tiêu gia tăng thu nhập, cải thiện dòng tiền, xóa lỗ lũy kế, tạo nguồn tiền đầu tư phát triển.
Với sự đồng hành của Chính phủ, ngành hàng không được dự báo sẽ phục hồi nhanh hơn các thị trường khác và có nhiều cơ hội phát triển dựa trên nhu cầu du lịch, giao thương kinh tế ở thị trường nội địa và quốc tế. Theo đó, Vietnam Airlines dự kiến sẽ phục hồi doanh thu và có lãi từ năm 2023, hết lỗ lũy kế vào năm 2025.
VNPT: Chuyển đổi số sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Ông Phạm Đức Long, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). |
Chuyển đổi số là con đường để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo ra giá trị mới cho nền kinh tế.
Định hướng của Đảng và Chính phủ là thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng chính phủ số; đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và đứng thứ ba trong khu vực ASEAN về chính phủ số, kinh tế số.
VNPT có sứ mệnh dẫn dắt triển khai chương trình Chuyển đổi số quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị và Quyết định 749 của Thủ tướng Chính phủ.
Để hiện thực hoá chiến lược này, trong năm 2021, Tập đoàn tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp sau.
Thứ nhất, phát triển hạ tầng và dịch vụ số bao gồm hạ tầng mạng cáp quang tới từng hộ gia đình; thử nghiệm và sẵn sàng triển khai hạ tầng di động 5G, hạ tầng điện toán đám mây.
Thứ hai, tập trung xây dựng tài nguyên số bao gồm hệ sinh thái dữ liệu và nền tảng số cung cấp ở quy mô quốc gia giúp hình thành Chính phủ số và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
Thứ ba, phối hợp chặt chẽ cùng UBND các tỉnh, thành phố trong việc xây dựng đô thị thông minh. Trong đó, VNPT tập trung xây dựng các giải pháp thông minh trong lĩnh vực giao thông, quản lý đô thị, môi trường, y tế, giáo dục nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và giúp chính quyền tương tác với người dân, doanh nghiệp một cách hiệu quả.
Thứ tư, đầu tư nguồn lực hoàn thiện các giải pháp và triển khai các hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Thứ năm, triển khai công dân số thông qua việc cung cấp những ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân để tiến đến xây dựng xã hội số; thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và phục vụ điều hành của Chính phủ; thúc đẩy tiến trình thanh toán không dùng tiền mặt hướng tới xã hội số thông qua các sản phẩm dịch vụ của VNPT.