Bệ đỡ thúc tăng trưởng tín dụng cuối năm

(ĐTCK) Dù lãi suất huy động có xu hướng tăng, nhưng lãi suất cho vay kỳ vọng vẫn duy trì ở mức thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/10/2024, tín dụng toàn hệ thống tăng 10,08% so với cuối năm 2023

Tín dụng tăng đột phá trong quý III

Báo cáo tài chính của BIDV ghi nhận tăng trưởng tín dụng đến hết quý III/2024 ở mức 9,8% so với đầu năm, tăng gần 4 điểm phần trăm so với quý trước, mức cải thiện đáng kể nhất trong nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối trong quý vừa qua. Được biết, tỷ trọng cho vay bán lẻ trong danh mục của BIDV hiện vào khoảng 44% và Ngân hàng đặt mục tiêu đưa tỷ lệ này lên 50% trong các năm tới.

Thông tin từ VietinBank cho biết, dư nợ tín dụng tính hết cuối quý III/2024 tăng trưởng 9% so với đầu năm; trong đó, phân khúc bán lẻ và khách hàng FDI tiếp tục tăng tốc (lần lượt tăng 11,8% và 17,8%) so với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và doanh nghiệp lớn (lần lượt tăng 5,5% và 6,8%).

Tính đến hết quý III/2024, Vietcombank tăng trưởng tín dụng đạt 10,2% so với đầu năm, dẫn dắt chính bởi cho vay khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là ở nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn và khách hàng FDI, trong khi nhóm bán lẻ ghi nhận nhu cầu cải thiện chậm.

Với khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm của Techcombank đạt mức 17,6%, trong bối cảnh ngân hàng này là một trong các ngân hàng được chủ động gia tăng hạn mức vừa qua. Trong đó, cho vay cá nhân có dấu hiệu khả quan hơn, với mức tăng trong quý III đạt 6,3% so với quý trước, cao hơn so với mức tăng chung của toàn danh mục. Dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tăng ở mức 4,2% so với quý trước, thấp hơn mức tăng bình quân chung… Đáng chú ý, động lực chính cho tăng trưởng tín dụng trong quý III/2024 của nhà băng này đến từ lĩnh vực công nghiệp (tăng 26,1% so với quý trước) và lĩnh vực tài chính (tăng 41,3% so với quý trước).

Tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm VIB đạt 11,7%; trong đó, riêng quý III đạt gần 7%. Mức tăng trưởng này chủ yếu tới từ nhóm khách hàng doanh nghiệp (tăng 42% so với đầu năm), trong khi cho vay khách hàng cá nhân chỉ tăng 6% so với đầu năm. Mặc dù vậy, tỷ trọng cho vay khách hàng cá nhân vẫn chiếm tới 81% tổng dư nợ cho vay. Trong đó, tỷ trọng lớn nhất vẫn là vay thế chấp, chiếm 50% tổng dư nợ, tiếp đến là cho vay kinh doanh (21%) và cho vay mua xe (12%).

Còn tại TPBank, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng tính đến hết quý III đạt 13,5%; trong đó, riêng quý III ghi nhận mức tăng 9,7%. Mức tăng trưởng này chủ yếu đến từ phân khúc khách hàng doanh nghiệp (tăng 24% so với đầu năm), trong khi cho vay khách hàng cá nhân chỉ tăng 7%.

Tăng trưởng tín dụng của Nam A Bank trong quý III/2024 đạt 5% và tính từ đầu năm đạt 15,8%, thuộc nhóm cao nhất toàn hệ thống. Tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt gần 164.000 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm ngoái, với động lực chính đến từ nhóm khách hàng doanh nghiệp.

Dẫu vậy, không phải ngân hàng nào cũng tăng trưởng đột phá về hoạt động cho vay. Ví dụ, tăng trưởng tín dụng của ACB đạt 13,8% so với đầu năm, mặc dù vẫn thuộc nhóm có mức tăng trưởng tốt nhất ngành, nhưng đã cho thấy sự giảm tốc so với quý II (khi trong 2 quý đầu năm đã tăng trưởng 12,8%). Hay MSB đạt mức tăng trưởng tín dụng 14,2% tính đến cuối tháng 9/2024, cao hơn mức trung bình toàn ngành, song so với quý trước đó, tăng trưởng tín dụng đã chững lại, chỉ đạt 2,8% trong quý III. Tăng trưởng tín dụng hợp nhất VPBank đến hết quý III/2024 đạt 8,7% so với đầu năm, chỉ cải thiện 1 điểm phần trăm so với quý trước đó. Trong đó, tín dụng ngân hàng mẹ tăng trưởng 10,4% so với đầu năm còn FECredit và VPBankS đều giảm dư nợ so với quý liền trước. Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục giảm đáng kể (giảm 20,6% so với quý trước) cũng khiến cho tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại.

Ông Lê Hoài Ân, CFA, Founder IFSS, chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng, Công ty cổ phần Giải pháp tài chính tích hợp nhận định, động lực tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng chủ yếu đến từ các ngân hàng niêm yết. Cụ thể, 27 ngân hàng niêm yết đạt mức tăng trưởng tín dụng bình quân 11,53% trong 9 tháng đầu năm, tăng 3,5% so với cuối quý II/2024 và cải thiện hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2023 (chỉ đạt 9,22%). Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng có sự phân hóa rõ rệt, dựa trên quy mô tài sản và cơ cấu khách hàng.

“Mỗi nhóm ngân hàng sẽ có chiến lược và động lực tăng trưởng khác nhau nên mức tăng trưởng tín dụng sẽ khác nhau”, ông Ân nói.

Lãi suất cho vay trong biên độ kỳ vọng

Hoạt động cho vay vẫn là động lực chính mang lại tăng trưởng lợi nhuận cho các ngân hàng. Trong bối cảnh lợi nhuận sau thuế của ngành ngân hàng trong quý III tăng trưởng xấp xỉ 18% so với cùng kỳ, chậm hơn so với mức tăng trưởng 22% trong quý II, tâm điểm của ngành ngân hàng chủ yếu sẽ xoay quanh câu chuyện tăng trưởng tín dụng.

Diễn biến chính sách tiền tệ đáng chú ý gần đây, Ngân hàng Nhà nước hút ròng khoảng 124.000 tỷ đồng trong tháng 10 vừa qua, mức cao nhất kể từ tháng 3/2024. Đồng thời, việc bán ngoại tệ cũng ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng, quy mô hút tiền đồng qua kênh bán ngoại tệ là không đáng kể (khoảng 16.000 tỷ đồng). Mặc dù vậy, diễn biến thanh khoản của hệ thống trở nên căng thẳng vào những ngày đầu tháng 11 khiến lãi suất liên ngân hàng tăng vọt lên mức 6%/năm, cao nhất kể từ tháng 3/2023.

Cụ thể hơn, một lãnh đạo cao cấp BIDV cho biết, trong hơn nửa đầu tháng 10, thanh khoản VND có xu hướng cải thiện mạnh, chủ yếu nhờ dòng tiền hỗ trợ từ kênh tiền gửi Kho bạc Nhà nước cho các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, trong nửa cuối tháng 10, thanh khoản VND lại có xu hướng sụt giảm, do áp lực tỷ giá gia tăng khiến Ngân hàng Nhà nước phải điều tiết cung tiền thận trọng hơn và quay trở lại hút tín phiếu với khối lượng khoảng 90.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, nền thanh khoản VND của hệ thống ngân hàng vẫn đang rất mỏng, thể hiện qua chênh lệch giữa huy động vốn và tín dụng tiếp tục có xu hướng thu hẹp khi tăng trưởng huy động vốn kém tích cực hơn so với tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tín dụng tính đến cuối tháng 10/2024 đã tăng trưởng khoảng 10% so với cuối năm 2023, cao hơn khoảng 3,5 - 4% so với tăng trưởng huy động vốn.

Cũng theo lãnh đạo BIDV, sau khi tăng mạnh 150 - 200 điểm trong một vài phiên đầu tháng 11, lãi suất VND liên ngân hàng dự kiến giảm trở lại nhưng vẫn neo cao, quanh vùng lãi suất OMO định hướng do chịu áp lực từ các yếu tố sau: Thứ nhất, liên quan đến chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, mặc dù vẫn duy trì định hướng nới lỏng chung để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng trước áp lực lớn trên thị trường ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tiếp tục điều tiết cung tiền thận trọng để hạn chế thanh khoản dư thừa quá mức, qua đó, góp phần hỗ trợ ổn định tỷ giá. Thứ hai, trạng thái thanh khoản VND dự kiến vẫn kém dồi dào do mức nền thanh khoản thấp từ cuối tháng trước và dòng tiền hỗ trợ qua kênh OMO của Ngân hàng Nhà nước cũng như tiền gửi Kho bạc Nhà nước sẽ hạn chế hơn như phân tích ở trên. Ngoài ra, cân đối huy động vốn - tín dụng dự kiến cũng chưa có nhiều cải thiện trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng có xu hướng được đẩy mạnh theo chu kỳ cuối năm và khả năng huy động vốn của nhiều ngân hàng vẫn gặp khó khăn.

Theo các chuyên gia phân tích, căng thẳng trên thị trường liên ngân hàng cũng dần bộc lộ trên thị trường huy động khi một số ngân hàng đã nâng lãi suất huy động vào đầu tháng 11. Xu hướng tăng lãi suất huy động có thể tiếp tục trong hai tháng cuối năm nhưng lãi suất cho vay vẫn trong biên độ kỳ vọng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Ông Ân nhận định, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm 2024 là 15%, tuy nhiên do nhóm các ngân hàng thương mại chưa niêm yết thường có mức tăng trưởng thấp nên gánh nặng tăng trưởng sẽ gần như dồn vào các ngân hàng niêm yết. Do đó, mức tăng trưởng tín dụng các ngân hàng niêm yết cần phải đạt được từ mức 17 - 18%, tức từ giờ đến cuối năm, nhóm này cần tăng trưởng tín dụng thêm từ 5,5 - 6,5%. Mỗi nhóm ngân hàng đều có những thuận lợi và khó khăn riêng cuộc đua tăng trưởng cho quý còn lại của năm.

“Tình hình tín dụng năm nay vẫn sáng hơn nhiều so với năm ngoái. Mục tiêu tăng trưởng 15% có thể là khó khăn, tuy nhiên mức 13,5 - 14% vẫn có thể đạt được. Quan trọng nhất dòng vốn tín dụng vẫn cần được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo tính an toàn và dòng vốn cần đi vào các hoạt động kinh tế thực”, ông Ân nói.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục