Bê bết thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp tại Lâm Đồng

0:00 / 0:00
0:00
Việc thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp ở Lâm Đồng năm 2023 khá bết bát, với hầu hết cụm công nghiệp không thu hút được nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Kết thúc năm 2023, tỉnh Lâm Đồng chỉ thu hút được một nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm) là Công ty TNHH Đại Đức. Còn lại 9/10 cụm công nghiệp chưa thu hút được nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Lý do, theo Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, là UBND các huyện, thành phố quản lý, giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và công trình công cộng cấp huyện, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất TP. Đà Lạt đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Đáng chú ý, năm 2023, tỉnh này không thu hút được doanh nghiệp, hợp tác xã nào đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Tỉnh Lâm Đồng cũng chưa có cụm công nghiệp nào do chính quyền địa phương quản lý được đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải chung. Riêng Cụm công nghiệp Lộc Thắng do Công ty TNHH Đại Đức đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải chung của cụm công nghiệp.

Về dự án thứ cấp hoạt động trong các cụm công nghiệp, theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, cuối năm 2023, tại 7 cụm công nghiệp có 37 doanh nghiệp, đơn vị đăng ký hoạt động, song chỉ có 31 dự án còn hoạt động, được chấp thuận chủ trương đầu tư (trong đó, có 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI). Các cụm công nghiệp đang hoạt động có tổng diện tích cho thuê đăng ký là 95,06 ha, tỷ lệ lấp đầy 55,98%, tổng vốn đăng ký đầu tư của các dự án là 2.305,6 tỷ đồng và 20,3 triệu USD; doanh thu năm 2023 đạt 2.206,1 tỷ đồng; tổng số lao động trong các cụm công nghiệp là 2.133 người.

Cùng với đó, tỉnh Lâm Đồng chỉ mới thu hút được 2 dự án thứ cấp hoạt động trong Cụm công nghiệp Lộc Thắng.

Nguyên nhân của thực trạng bê bết trong thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp tại Lâm Đồng, theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Khánh, Phó giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng tại Văn bản số 3258/BC-SCT ngày 26/12/2023, là do công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp còn nhiều hạn chế, chủ yếu từ ngân sách tỉnh, trong khi ngân sách huyện, thành phố chỉ đáp ứng 21,68%; hạ tầng được đầu tư từng phần, không đồng bộ, không hoàn thiện, khó khăn trong kêu gọi, thu hút đầu tư.

Mặt khác, việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung tại cụm công nghiệp do chính quyền địa phương quản lý chưa được thực hiện.

Trong khi đó, báo cáo tình hình hoạt động, phát triển cụm công nghiệp 6 tháng đầu năm và cả năm 2023 của một số địa phương chưa đầy đủ nội dung, chưa đánh giá rõ kết quả đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Đồng thời, Ban Quản lý dự án đầu tư và khai thác công trình công cộng cấp huyện chủ yếu thực hiện công tác đầu tư hạ tầng theo nguồn vốn ngân sách hỗ trợ, chưa thực hiện chức năng quản lý và thu hút đầu tư tại các cụm công nghiệp.

Vì thế, Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng vừa đề nghị Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương) quan tâm bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng, khu vực Tây Nguyên đầu hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp trọng điểm, các cụm công nghiệp đã thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp, với tỷ lệ lấp đầy tương đối cao, nhằm bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Ngoài ra, Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng đề nghị Cục Công thương địa phương tham mưu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 68/2017/NĐ-CP cho phù hợp với Luật Đầu tư hoặc có quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể đối với việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; kiến nghị Chính phủ ban hành văn bản thống nhất về phương thức lựa chọn nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

Linh Đan
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục