Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, liên kết hạ tầng mạnh sẽ khiến nhu cầu mua BĐS tại khu vực này tăng lên trong vài năm tới. Đó là nhận định của Công ty Tư vấn bất động sản VietRees khi nghiên cứu về thị trường BĐS Đồng Nai.
Một góc công viên trung tâm Dự án Gold Hill đang được thi công
Điểm sáng thị trường phía Nam
Từ đầu năm đến nay, trong khi thị trường BĐS TP. HCM vẫn đang lặn ngụp với tình trạng đóng băng thanh khoản, thì giao dịch trên thị trường BĐS Đồng Nai lại khá sôi động và trở thành điểm sáng của thị trường BĐS phía Nam . Theo ghi nhận của ĐTCK, thời gian qua, nhiều dự án ở Đồng Nai được mở bán đều nhận được sự quan tâm từ phía khách hàng như Dự án Bien Hoa Dragon City (TP. Biên Hòa) do Công ty Kim Oanh và Tín Nghĩa hợp tác đầu tư; dự án Đông Sài Gòn do Tín Nghĩa làm chủ đầu tư. Đáng chú ý nhất là Dự án Gold Hill do Tập đoàn Đất Xanh làm chủ đầu tư. Theo thông tin của Đất Xanh, sau 2 đợt mở bán, Dự án Gold Hill đã có hơn 300 sản phẩm được khách hàng đặt mua.
Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch Đất Xanh cho biết, sở dĩ Gold Hill nhận được sự quan tâm của khách hàng bởi dự án này nằm trong cụm dự án mở rộng khu đô thị hiện hữu Trảng Bom, hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi. Trảng Bom được biết đến là địa bàn có nhiều lợi thế về hạ tầng giao thông với 5 tuyến quốc lộ và cao tốc đi qua như Quốc lộ 1A, tuyến tránh Biên Hòa, đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, đường cao tốc Biên Hòa - Long Thành và đường vành đai 4. Với sự hiện hữu của các tuyến đường này, khoảng cách đi lại từ Trảng Bom về TP. HCM và các địa phương khác rất gần. Đặc biệt, Trảng Bom hiện đã có 3 khu công nghiệp đi vào hoạt động như Bàu Xéo, Sông mây, Hố Nai. Sắp tới, sẽ có thêm Khu công nghiệp Giang Điền và Khu công nghiệp Thanh Bình, thu hút hàng ngàn người về làm ăn sinh sống.
Lợi thế hạ tầng và giá thấp
“Theo quy luật phát triển, trong 5 - 10 năm tới, khi hạ tầng hoàn thiện, nhu cầu nhà ở của người Việt sẽ giống như ở các nước phát triển, thay vì ở những ngôi nhà chật chội trong nội đô, nhiều người sẽ chấp nhận đi xa hơn một chút để ở một ngôi nhà vườn, một căn biệt thự với không khí trong lành và giá cả không quá cao”, ông Thìn nhận định và cho biết, ngoài lợi thế về hạ tầng, giá BĐS ở các dự án Đồng Nai còn rất thấp nên sẽ là “điểm ngắm” cho nhu cầu thiết thực này trong tương lai.
Dự kiến, năm 2013, đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ chính thức được đưa vào sử dụng. Đây là căn cứ để giới kinh doanh địa ốc kỳ vọng thị trường BĐS Đồng Nai sẽ trở thành tâm điểm của thị trường BĐS phía Nam trong thời gian tới. “Không phải ngẫu nhiên khi đồng loạt nhiều DN về Đồng Nai bỏ ra tiền tỷ để đầu tư dự án. Điều này xuất phát từ những cơ sở tính toán dựa trên các yếu tố tiềm năng phát triển của khu vực”, VietRees nhận định và phân tích thêm, Đồng Nai có lợi thế là nằm ở đầu mối giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có hệ thống hạ tầng thuận lợi cả về đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không.
Theo quy hoạch, đến năm 2020, hàng loạt hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh được nâng cấp, mở rộng và đầu tư mới như đường cao tốc nối TP. HCM với Bà Rịa - Vũng Tàu, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, kế hoạch nối mạng đường sắt Singapore - Côn Minh (Trung Quốc) có 50 km chạy qua địa phận tỉnh để hòa vào mạng lưới đường sắt Bắc - Nam, đường cao tốc Long Thành - Biên Hòa - Dầu Giây, Dầu Giây - Đà Lạt... Về giao thông hàng không, Dự án Sân bay quốc tế Long Thành có thể tiếp nhận từ 80 đến 100 triệu hành khách mỗi năm, với tổng vốn đầu tư khoảng 6,6 tỷ USD cũng đang được triển khai.
Theo giới kinh doanh địa ốc, có nhiều lý do để nhà đầu tư quan tâm đến thị trường BĐS Đồng Nai, trong đó 2 yếu tố quan trọng chính là BĐS Đồng Nai có giá khá “mềm” và hạ tầng phát triển mạnh. Theo ông Thìn, lợi thế trước hết của Đồng Nai là địa phương này là “sân sau” của TP. HCM và Thành phố đang trong xu thế giãn dân mạnh mẽ.