BCTC theo Thông tư 200, lợi nhuận sẽ thực chất hơn

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh của nhiều DN sẽ có biến động lớn khi áp dụng quy định mới về hạch toán kế toán theo Thông tư 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính (Thông tư 200). Tuy nhiên, con số lợi nhuận của DN sẽ thực chất hơn. Đó là quan điểm của ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó tổng giám đốc Công ty PwC Việt Nam khi trao đổi với ĐTCK.
Ông Nguyễn Hoàng Nam

Xin ông cho biết những điểm cần chú ý trên báo cáo tài chính của DN khi áp dụng quy định mới tại Thông tư 200?

Nếu như trước kia, khoản đầu tư trái phiếu của các DN chưa có quy định rõ về việc trích lập dự phòng thì theo Thông tư 200, DN phải đánh giá khả năng thu hồi và trích lập dự phòng tổn thất. Chẳng hạn, nếu DN đầu tư vào trái phiếu DN mà DN phát hành lâm vào trình trạng phá sản, khó có khả năng trả nợ thì DN đầu tư trái phiếu cần đánh giá khả năng thu hồi của khoản đầu tư trên để trích lập dự phòng.

Quy định về ghi nhận chiết khấu thương mại theo Thông tư 200 sẽ làm giảm trực tiếp doanh thu của DN hàng trăm tỷ đồng, vì không được tính vào chi phí như trước đây, nhất là với các công ty sản xuất hàng tiêu dùng…

Một loại chi phí mới là chi phí dự phòng hoàn nguyên môi trường áp dụng đối với những DN thuê đất, mặt bằng có cam kết nghĩa vụ khôi phục và hoàn trả nguyên trạng khi kết thúc thời hạn thuê. Chẳng hạn, những DN ngành dược, khai thác khoáng sản… thuê đất Nhà nước từ 30 - 50 năm để hoạt động sản xuất - kinh doanh sẽ phải trích lập dự phòng hoàn nguyên môi trường lên đến vài trăm tỷ đồng. Thông lệ quốc tế cho phép DN được trích lập dự phòng đầy đủ một lần và ghi nhận vào tài sản cố định và phân bổ vào chi phí theo thời gian thuê. Tuy nhiên, Thông tư 200 chưa nêu rõ, liệu DN phải trích lập khoản dự phòng này một lần, hay có thể trích lập đều dần qua các năm thuê đất.

Một điểm đáng lưu là cách tính EPS của DN. Theo đó, cách tính lợi nhuận sau thuế trừ quỹ khen thưởng phúc lợi theo thông lệ quốc tế sẽ làm EPS của các DN giảm so với cách tính hiện nay. 

Có ý kiến cho rằng, với quy định mới về hạch toán doanh thu, con số doanh thu và lợi nhuận trên báo cáo tài chính của các DN bất động sản trong năm nay sẽ có biến động lớn. Ông có thể phân tích rõ hơn?

Trước đây, DN bất động sản có thể ghi nhận doanh thu theo tiến độ dự án, nhưng theo quy định tại Thông tư 200, DN bất động sản chỉ được ghi nhận doanh thu khi chìa khóa trao tay hay khi hoàn thành phần thô nếu khách hàng có thỏa thuận về việc tự chọn nhà thầu hoàn thiện. Do vậy, với những DN áp dụng cách ghi nhận doanh thu theo tiến độ thu tiền, chắc chắn, sẽ có sự biến động về kết quả doanh thu, lợi nhuận.

Ngoài ra, theo Thông tư 200, nếu DN có bất động sản đầu tư được phân loại là bất động sản đầu tư chờ tăng giá, các bất động sản này không được tiếp tục khấu hao, DN phải xác định tổn thất do suy giảm giá trị và trích lập dự phòng khoản giảm giá trị đó. Theo tôi đánh giá, khoản dự phòng này sẽ có tác động rất lớn, ở một vài DN có thể xác định DN có tồn tại hay không.

Với việc áp dụng Thông tư 200, một số DN bất động sản có thể phải điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh năm 2015 giảm so với các năm trước. Có thể có những DN điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh giảm đến 20%. Và cũng có DN lợi nhuận giảm vì phải trích lập dự phòng nhiều hơn.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những thay đổi trong cách hạch toán kế toán, mà không làm thay đổi bản chất thị trường, sức cung cầu của thị trường. Với việc ghi nhận doanh thu, lợi nhuận thận trọng hơn, tôn trọng bản chất hơn hình thức, số liệu trên báo cáo tài chính, nhờ vậy sẽ thực chất hơn, đáng tin cậy hơn. 

Bộ Tài chính vừa lùi thời hạn áp dụng Thông tư 200. Theo ông, DN cần chủ động áp dụng Thông tư 200 sớm để tránh biến động quá lớn về các chỉ số có thể gây sốc cho nhà đầu tư vào thời điểm cuối năm?

Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định 75/2015 về việc lùi thời hạn áp dụng Thông tư 200. Theo đó, thay vì áp dụng từ kỳ lập BCTC quý I thì DN được phép lựa chọn áp dụng theo quy định cũ hoặc Thông tư 200 từ kỳ BCTC bán niên 2015, để giảm áp lực tuân thủ cho các DN.

Theo tôi, Bộ Tài chính sẽ không lùi thời hạn áp dụng Thông tư 200 thêm nữa. Các DN vẫn đủ thời gian để chuẩn bị thực hiện Thông tư này từ việc tìm hiểu, đánh giá tác động của Thông tư 200 đến chiến lược, kết quả kinh doanh, các chỉ số tài chính cũng như chỉnh sửa hệ thống phần mềm kế toán của từng DN.

Các DN niêm yết cũng nên áp dụng ngay quy định Thông tư 200 khi lập BCTC bán niên 2015, như vậy sẽ tránh được hiện tượng chênh lệch số liệu quá lớn giữa hai kỳ báo cáo, khi áp dụng quy định khác nhau.

Linh Lan thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục