PSI: Khuyến nghị theo dõi cổ phiếu DCM

Nguồn : PSI - CTCK Dầu khí

Ngành : Phân bón - hóa chất

Theo đó, ước tính doanh thu 2020 đạt 7.291 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 721,8 tỷ đồng, tương đương tăng 1.76% và 155% so với cùng kỳ 2019 trên cơ sở như sau:

(1) Doanh thu thuần tăng không nhiều. Nguyên nhân đến từ tình trạng dư cung phân bón Ure vẫn tiếp diễn, tác động từ biến đổi khí hậu và xâm ngập mặn có thể khiến diện tích trồng lúa có thể bị thu hẹp lại làm giảm nhu cầu sử dụng phân bón. Nhà máy dừng bảo dưỡng theo kế hoạch dừng cấp khí của hệ thống PM3 – Cà Mau trong quý III làm giảm sản lượng, tăng giá thành sản phẩm.

(2) Lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Nguyên nhân đến từ giá khí đầu vào tiếp tục được hưởng lợi từ sự sụt giảm giá dầu thô thế giới. Dự báo trong năm 2020 giá dầu duy trì ở mức trung bình 35-45 USD/thùng, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ việc giảm chi phí giá khí.

Hiện nay chi phí nguyên liệu chiếm 55-60% giá vốn, trong kịch bản giá dầu giảm trong năm 2020 thì ước tính giá vốn hàng bán giảm 3%, biên lợi nhuận gộp cải thiện lên 19% so với 14% trong quý 1/2020. Các chi phí khác như chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính tiếp tục tiết giảm do doanh nghiệp có nguồn tiền mặt dồi dào.

(3) Nhà máy NPK đưa vào chạy vận hành thử nghiệm và kỳ vọng sản xuất sản phẩm phân bón hỗn hợp chất lượng cao từ quý III/2020. Kỳ vọng đạt 25-30% sản lượng theo kế hoạch đầu 2020, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu đang gia tăng.

Đây là phần gia tăng doanh thu cho DCM, tuy nhiên, chúng tôi đánh giá phần này tăng chưa nhiều do nhà máy cần thời gian hoạt động ổn định trong 1-2 năm đầu trước khi đạt công suất tối đa.

(4) Chính sách thuế: Thông tin về chính sách thuế sửa đổi Luật thuế 71/2014/QH13 được thị trường kỳ vọng là yếu tố hỗ trợ tích cực cho tình hình sản xuất – kinh doanh của DCM.

Theo đó, Luật sửa đổi sẽ đưa phân bón vào mặt hàng hưởng thuế thay vì mặt hàng không chịu thuế như hiện tại, để giảm thiểu sự cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, đặc biệt là phân bón của Trung Quốc với giá thành có tính cạnh tranh cao.

Dự kiến nếu được thông qua, DCM có thể tiết kiệm 300 – 350 tỷ đồng tiền thuế GTGT. Khoản này giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp tăng khoảng 4 – 5% và biên lợi nhuận thuần tăng từ 3 – 4%.

Mặc dù vậy, theo tìm hiểu của chúng tôi, nghị trình thảo luận Kỳ họp thứ 10, quốc hội khóa XIV sắp tới đây (từ 19/10 – 12/11/2020) chưa đưa sửa đổi Luật thuế vào nội dung thảo luận. Do đó, thời điểm sớm nhất thông qua luật sửa đổi cũng phải từ năm 2021 trở đi. Chúng tôi đánh giá thông tin này hỗ trợ doanh nghiệp tích cực trong ngắn và trung hạn kể từ thời điểm luật được thông qua.