MBS: Báo cáo kinh tế Việt Nam - số Tháng 3, 2022

Nguồn : MBS - CTCK MB

Ngành : Khác

Trong tháng 3/2022, do ảnh hưởng từ cuộc chiến giữa Nga và Ukraina khiến giá xăng dầu trong nước đã tăng theo giá nhiên liệu thế giới; cùng với giá thuê nhà ở, giá hàng hóa và giá dịch vụ tiêu dùng thiết yếu gia tăng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2022 tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, ước tính đạt 1.318 nghìn tỷ đồng. Tính chung 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 88,58 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 87,77 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong quý I/2022 ước tính tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước do sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất, phân phối điện; và khai khoáng. Tuy nhiên, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam giảm xuống 51,7 điểm vào tháng 3/2022, từ mức 54,3 điểm của tháng 2.

Tính chung quý I/2022, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước tính đạt 562,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn khu vực Nhà nước ước đạt 136,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,3% tổng vốn đầu tư và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 323,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 57,5%, tăng 9,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 102,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,2% và tăng 7,9%.

Chỉ số DXY Index ghi nhận ở mức 98,5 trong tháng 3. Tỷ giá VND/USD tăng nhẹ trong bối cảnh các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine chưa đạt được tiến triển khiến các nhà đầu tư quay sang các tài sản an toàn. Hiện tại, tỷ giá trung tâm và liên ngân hàng lần lượt giao dịch ở mức 23.100 VND/USD và 22.969 VND/USD.