BCTC 2020 hợp nhất (tóm tắt) của 26 ngân hàng thương mại cổ phần

Nguồn : Báo cáo của doanh nghiệp

Ngành : Ngân hàng

Trong phần này, Đặc san đăng tải báo cáo tài chính (BCTC) tóm tắt của 26 ngân hàng TMCP, là những ngân hàng đã công bố BCTC (hợp nhất) năm 2019 đã kiểm toán trên website của mình. Nói cách khác, các BCTC tóm tắt sau đây không bao gồm BCTC của Ngân hàng TMCP Bảo Việt, Ngân hàng TMCP Đông Á, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quốc Dân, Ngân hàng TMCP Bản Việt, các ngân hàng 100% vốn nhà nước, 100% vốn nước ngoài và các ngân hàng liên doanh.

Theo đó, các số liệu tổng quan mà chúng tôi trình bày sau đây cũng chỉ dựa trên 26 BCTC này. Và như vậy, có thể nói, các số liệu tổng quan này không phản ánh tình hình hoạt động của cả hệ thống ngân hàng, nhưng theo chúng tôi, sẽ cung cấp những giá trị nhất định cho quý bạn đọc.

Vốn chủ sở hữu

Vốn chủ sở hữu, trong đó bao gồm vốn điều lệ, là cơ sở và cũng là điều kiện để một NHTM xác định quy mô hoạt động của mình. Dù chiếm tỷ trọng nhỏ, thậm chí rất nhỏ trong Tổng nguồn vốn của ngân hàng, nhưng vốn chủ sở hữu được ví như "tấm đệm" chống đỡ rủi ro, bảo vệ người gửi tiền/ký thác và các quỹ bảo hiểm tiền gửi. Vốn chủ sở hữu cũng góp phần quyết định tới hệ số an toàn vốn (CAR) của Ngân hàng.

Tính đến cuối năm 2019, tổng vốn chủ sở hữu của 26 ngân hàng trong danh sách tập hợp của Đặc san này là 615.582 tỷ đồng, tăng 21,11% so với cuối năm 2018. Trong đó, riêng 10 ngân hàng có vốn chủ sở hữu nhiều nhất chiếm 76,91% tổng vốn chủ sở hữu của 26 ngân hàng.

Năm 2019, BIDV là ngân hàng giữ vị trí quán quân về tăng vốn chủ năm 2019 (năm 2018, vị trí này đã thuộc về Techcombank) khi tăng vốn chủ 42,51%, tương đương tăng 23.163 tỷ đồng thông qua việc phát hành tăng vốn điều lệ thêm 17,65% (tăng 6.033 tỷ đồng), từ 34.187 tỷ đồng, lên 40.220 tỷ đồng khi phát hành 603,3 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược nước ngoài - KEB Hana Bank (Hàn Quốc) thu về 20.295 tỷ đồng và trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất.

Các vị trị dẫn đầu trong Top 10 vẫn là những gương mặt cũ của năm trước, nhưng một số thay đổi. Nhờ tăng vốn điều lệ mạnh, BIDV đã nhảy 1 bậc lên vị trí thứ 2, trong khi VietinBank bị
Vietcombank lấy mất vị trí quán quân, lùi xuống vị trí thứ 3 sau BIDV. Ở top dưới, với việc tăng vốn điều lệ thêm 3.741 tỷ đồng trong năm qua, ACB thay thế vị trí thứ 7 của Sacombank, trong khi SHB thế chỗ SCB ở vị trí thứ 10.

Ngoài BIDV và ACB, trong năm 2018 còn có thêm 11 ngân hàng khác tăng vốn là ABBank, BacA Bank, LienvietPostbank, MB, OCB, Vietcombank, SeaBank...

Nợ phải trả

Cùng với Vốn chủ sở hữu, Nợ phải trả cũng là nguồn vốn quan trọng của ngân hàng thương mại, được hình thành thông qua việc huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, từ doanh nghiệp, từ các tổ chức tín dụng khác và vay từ Ngân hàng Nhà nước. Thông thường, ngân hàng nào có quy mô vốn chủ sở hữu càng lớn thì ngân hàng đó càng có điều kiện để (nhưng không nhất thiết) huy động thêm vốn vay, nợ nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Theo đó, dù có sự hoán đổi nhất định, song Top 10 những ngân hàng có tổng nợ phải trả nhiều nhất cũng bao gồm những ngân hàng có vốn chủ sở hữu nhiều nhất. Tổng nợ phải trả của 26 ngân hàng tính đến cuối năm 2019 là 8.114 nghìn tỷ đồng, tăng 12,67% so với năm 2018.

Hệ số Vốn chủ sở hữu/Nợ phải trả là một trong những thước đo về khả năng thanh toán của ngân hàng và xét ở góc độ này thì Top 10 về vốn chủ sở hữu không phải là 10 ngân hàng có khả năng thanh toán tốt nhất. Hệ số này tính bình quân cho 26 ngân hàng là 7,59% ở thời điểm cuối năm 2019, tăng so với mức 7,06% cuối năm 2018 và các ngân hàng có quy mô vốn chủ sở hữu, cũng như nợ phải trả lớn nhất có hệ số Vốn chủ sở hữu/Nợ phải trả dao động gần với các mức bình quân này. Ngân hàng có hệ số này lớn nhất là Techcombank với mức 19,30%.

Chiếm phần lớn trong tổng nợ phải trả của các ngân hàng là Tiền gửi của khách hàng. Trong năm 2019, tổng tiền gửi của khách hàng của 26 ngân hàng là 6.240 nghìn tỷ đồng, tăng 13,97% so với năm 2018 và bằng 76,9% tổng nợ phải trả (năm 2018 là 76%). Tổng tiền gửi khách hàng tăng ít hơn tổng nợ phải trả về giá trị tuyệt đối: 912 nghìn tỷ đồng so với 765 nghìn tỷ đồng. Điều này phản ánh tổng các khoản mục khác trong nợ phải trả tăng thêm 147 nghìn tỷ đồng.

Tài sản

Tổng tài sản của 26 ngân hàng được tập hợp tính đến cuối năm 2019 là 8.730 nghìn tỷ đồng, tăng 13,22% so với cuối năm 2018. Trong đó, Cho vay khách hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 5.826 nghìn tỷ đồng, tương đương 66,7% tổng tài sản và tăng 14,13% so với cuối năm 2018. Tiếp đến là Chứng khoán đầu tư với 1.064 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 12,19% và tăng trưởng nhẹ 0,3% so với năm 2018.

Số liệu trên cho thấy, Cho vay khách hàng vẫn là nghiệp vụ chính (xem thêm mục Kết quả kinh doanh) của các ngân hàng và trong năm 2019 tiếp tục tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng Cho vay khách hàng nhanh hơn đáng kể hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng của Chứng khoán đầu tư. Điều này phản ánh, các ngân hàng tập trung cho mảng hoạt động nghiệp vụ chính là cung ứng vốn cho nền kinh tế, góp phần không nhỏ đà tăng trưởng kinh tế ấn tượng năm 2019, GDP tăng vượt mọi dự báo 7,02%.

Khi những ngân hàng có Vốn chủ sở hữu lớn nhất cũng là ngân hàng có Nợ phải trả lớn nhất, thì đương nhiên đó cũng là những ngân hàng có Tổng tài sản lớn nhất. Giống như cơ cấu Vốn chủ sở hữu, Top 10 ngân hàng có tài sản lớn nhất cũng chiếm tới 79% tổng tài sản của 26 ngân hàng, đạt 6.896 nghìn tỷ đồng. Tất cả 26 ngân hàng được thống kê đểu có tổng tài sản tăng so với năm 2018. Trong đó, tăng mạnh nhất là VietBank tăng 33,4%, tiếp đến là VIB tăng 32,6%, NamA Bank tăng 26,15

Kết quả kinh doanh

Tổng lợi nhuận trước thuế năm 2019 của 26 ngân hàng tăng tới 27.566 tỷ đồng, tương đương 30,50% so với năm 2018, lên 117.930 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do tốc độ tăng trung bình của Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng và tổng chi phí hoạt động thấp hơn Tổng thu nhập. Cụ thể, tốc độ tăng trung bình của Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng và Tổng chi phí là 16,61% (trong đó, tốc độ tăng của Chi phí dự phòng 19,45%, lên 76.049 tỷ đồng, còn tốc độ tăng của Tổng chi phí 15,09%, đạt 136.171 tỷ đồng), trong khi Tổng thu nhập tăng 21,22%, lên 330.150 tỷ đồng.

Chiếm chủ yếu trong Tổng thu nhập vẫn là Thu nhập lãi thuần với 252.229 nghìn tỷ đồng, chiếm 76,4% Tổng thu nhập, cao hơn mức 75,77% của năm 2018.

Ngoài Thu nhập lãi thuần, Lãi thuần từ hoạt động khác và lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của các ngân hàng cũng tăng mạnh trong năm qua. Theo đó, trong năm 2019, Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ 26 ngân hàng tăng tới 32%, lên mức 35.498 tỷ đồng và chiếm 10,75% Tổng thu nhập, cao hơn mức 9,88% của với năm 2018.

Còn lãi từ hoạt động khác tăng 7,85% lên 25.948 tỷ đồng. Ngân hàng có Lãi thuần từ hoạt động khác cao nhất là BIDV với mức 5.361 tỷ đồng, tăng tới 40% (tương đương tăng 1.543 tỷ đồng). Trong khi đó, Vietcombank, BIDV và VietinBank là 3 ngân hàng có mức lãi từ hoạt động dịch vụ lớn nhất với từ hơn 4.000 tỷ đồng đến hơn 4.300 tỷ đồng.

Trong năm 2019, có tới 11 ngân hàng có Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt trên 1.000 tỷ đồng, nhiều hơn 2 ngân hàng so với năm 2018 (có thêm TPBank và VIB). Trong đó, Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của VIB tăng mạnh hơn 144,6%, từ 734 tỷ đồng, lên 1.797 tỷ đồng.

Như vậy, bên cạnh hoạt động tín dụng, các ngân hàng tiếp tục chú trọng vào mảng dịch vụ, chủ yếu là bán chéo sản phẩm, đặc biệt là hợp tác phân phối sản phẩm độc quyền với các công ty bảo hiểm.

Nếu xét về hiệu quả hoạt động, đối với cổ đông của các ngân hàng TMCP, chỉ tiêu Lãi cơ bản/CP (EPS) là có ý nghĩa nhất và sau cùng. Theo chỉ tiêu này, Vietcombank là ngân hàng đứng đầu với 4.481 đồng, tăng 25% so với năm 2018, tiếp đến là VIB với 3.894 đồng, tăng 0,54%. Các nhà băng khác cũng có EPS trên 3.000 đồng là ACB (3.632 đồng, tăng 18%) và HDBank (3.675 đồng, tăng 27%), MB (3.596 đồng, tăng 48,8%), TPBank (3.691 đồng, tăng 26,8%), VPBank (3.376 đồng, tăng 11,6%). Tuy nhiên, ấn tượng nhất lại là Saigonbank khi EPS của Ngân hàng tăng vọt 518,4% lên 470 đồng, do lợi nhuận tăng mạnh.

ROE

Chỉ số ROE (Lợi nhuận sau thuế/Vốn chủ sở hữu) bình quân của 26 ngân hàng trong năm 2019 là 15,29%. Đây là một mức khá tốt của ngành và cải thiện hơn so với mức 14,25% của năm 2018. Hầu hết ngân hàng nằm trong Top 10 có Lãi cơ bản/CP cao nhất đều có hệ số ROE cao hơn mức bình quân này. Trong đó, dẫn đầu vẫn là VIB với 24,32%, tiếp theo là TPBank với 23,66%, Vietcombank với 22,9%...

ROA

Chỉ số ROA (Lợi nhuận sau thuế/Tổng tài sản) bình quân của 26 ngân hàng là 1,08%. Điểm đặc biệt về chỉ số này là có một số ngân hàng có quy mô nhỏ lọt vào Top 10 như OCB, ABBank. Trong đó, dẫn đầu là Techcombank với 2,67%, tiếp đến là VPBank 2,19%, OCB 2,19%, MB 1,96%.