Báo cáo tài chính tóm tắt của 26 ngân hàng TMCP năm 2020

Nguồn : ĐTCK

Ngành : Ngân hàng

Vốn chủ sở hữu

Vốn chủ sở hữu, trong đó bao gồm vốn điều lệ, là cơ sở và cũng là điều kiện để một NHTM xác định quy mô hoạt động của mình. Dù chiếm tỷ trọng nhỏ trong Tổng nguồn vốn của ngân hàng, nhưng vốn chủ sở hữu được ví như "tấm đệm" chống đỡ rủi ro, bảo vệ người gửi tiền/ký thác và các quỹ bảo hiểm tiền gửi. Vốn chủ sở hữu cũng góp phần quyết định tới hệ số an toàn vốn (CAR) của ngân hàng, một trong 3 trụ cột của tiêu chuẩn Basel II.

Tính đến cuối năm 2020, tổng vốn chủ sở hữu của 26 ngân hàng trong danh sách tập hợp của Đặc san này là 704.879 tỷ đồng, tăng 16,95% so với cuối năm 2019. Trong đó, riêng 10 ngân hàng có vốn chủ sở hữu nhiều nhất chiếm 78% tổng vốn chủ sở hữu của 26 ngân hàng.

Năm 2020, OCB là ngân hàng giữ vị trí quán quân về tỷ lệ tăng vốn chủ (năm 2019, vị trí này thuộc về BIDV) khi vốn chủ tăng tới 51,5%, tương đương tăng 5.928 tỷ đồng thông qua việc phát hành chào bán riêng lẻ cho đối tác ngoại - Ngân hàng Aozora (Nhật Bản) và phát hành cổ phiếu trả cổ tức 25%, tăng vốn điều lệ lên 38,75% (tăng 3.060 tỷ đồng), từ 7.899 tỷ đồng, lên 10.959 tỷ đồng.

Các vị trị dẫn đầu trong Top 10 vẫn là những gương mặt cũ của năm trước, nhưng có một thay đổi ở vị trí thứ 2 và 3. Theo đó, sau khi leo lên vị trí số 2 nhờ tăng vốn lớn năm 2019, năm 2020, BIDV đã trở lại vị trí thứ 3 quen thuộc, thế chỗ BIDV ở vị trí thứ 2 là VietinBank, trong khi Vietcombank vẫn giữ vững vị trí quán quân đã giành được từ năm 2019 của VietinBank.

Dù là ngân hàng có tỷ lệ vốn chủ tăng mạnh nhất, nhưng OCB không phải là ngân hàng có mức tăng vốn điều lệ lớn nhất, mà là HDBank với mức tăng thêm 6.278 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức và cổ phiếu thưởng cho cổ đông. Tiếp đó là SHB, ACB, MB, rồi mới tới OCB. Ngoài 5 ngân hàng này, trong năm 2020 còn có thêm 8 ngân hàng khác tăng vốn là SeABank, TPBank, Lienvietpostbank, VIB...

Nợ phải trả

Cùng với Vốn chủ sở hữu, Nợ phải trả cũng là nguồn vốn quan trọng của ngân hàng thương mại, được hình thành thông qua việc huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, từ doanh nghiệp, từ các tổ chức tín dụng khác và vay từ Ngân hàng Nhà nước. Thông thường, ngân hàng nào có quy mô vốn chủ sở hữu càng lớn thì ngân hàng đó càng có điều kiện để (nhưng không nhất thiết) huy động thêm vốn vay, nợ nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Theo đó, dù có sự hoán đổi nhất định, song Top 10 những ngân hàng có tổng nợ phải trả nhiều nhất cũng bao gồm những ngân hàng có vốn chủ sở hữu nhiều nhất. Tổng nợ phải trả của 26 ngân hàng tính đến cuối năm 2020 là 8.473 nghìn tỷ đồng, tăng 11,32% so với năm 2019.

Hệ số Vốn chủ sở hữu/Nợ phải trả là một trong những thước đo về khả năng thanh toán của ngân hàng và xét ở góc độ này thì Top 10 về vốn chủ sở hữu không phải là 10 ngân hàng có khả năng thanh toán tốt nhất. Hệ số này tính bình quân cho 26 ngân hàng là 8,32% ở thời điểm cuối năm 2020, tăng so với mức 7,92% cuối năm 2019 và các ngân hàng có quy mô vốn chủ sở hữu, cũng như nợ phải trả lớn nhất có hệ số Vốn chủ sở hữu/Nợ phải trả dao động gần với các mức bình quân này. Ngân hàng có hệ số này lớn nhất vẫn là Techcombank với mức 20,44% tăng so với mức 19,30% của năm 2019.

Chiếm phần lớn trong tổng nợ phải trả của các ngân hàng là Tiền gửi của khách hàng. Trong năm 2020, tổng tiền gửi của khách hàng của 26 ngân hàng là 6.632 nghìn tỷ đồng, tăng 13,61% so với năm 2019 và bằng 78,3% tổng nợ phải trả (năm 2019 là 76,7%). Tổng tiền gửi khách hàng tăng ít hơn tổng nợ phải trả về giá trị tuyệt đối: 862 nghìn tỷ đồng so với 795 nghìn tỷ đồng. Điều này phản ánh tổng các khoản mục khác trong nợ phải trả tăng thêm 67 nghìn tỷ đồng.

Tài sản

Tổng tài sản của 26 ngân hàng được tập hợp tính đến cuối năm 2020 là 9.178 nghìn tỷ đồng, tăng 11,74% so với cuối năm 2019. Trong đó, Cho vay khách hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 6.266 nghìn tỷ đồng, tương đương 68,3% tổng tài sản và tăng 12,38% so với cuối năm 2019. Tiếp đến là Chứng khoán đầu tư với 1.164 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 12,7% và tăng trưởng 15% so với năm 2019.

Số liệu trên cho thấy, dù Cho vay khách hàng vẫn là nghiệp vụ chính (xem thêm mục Kết quả kinh doanh) của các ngân hàng và trong năm 2020 tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng Cho vay khách hàng chậm hơn tốc độ tăng trưởng của Chứng khoán đầu tư. Điều này phản ánh, tận dụng thị trường chứng khoán khởi sắc, thị trường trái phiếu phát triển mạnh 8 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng đã tăng đầu tư vào chứng khoán gồm cả cổ phiếu và trái phiếu.

Khi những ngân hàng có Vốn chủ sở hữu lớn nhất cũng là ngân hàng có Nợ phải trả lớn nhất, thì đương nhiên đó cũng là những ngân hàng có Tổng tài sản lớn nhất. Giống như cơ cấu Vốn chủ sở hữu, Top 10 ngân hàng có tài sản lớn nhất cũng chiếm tới 72,5% tổng tài sản của 26 ngân hàng, đạt 6.657 nghìn tỷ đồng. Trong 26 ngân hàng được thống kê, có 25 ngân hàng có tổng tài sản tăng so với năm 2019, chỉ duy nhất Eximbank giảm 4,24%. Trong đó, tăng mạnh nhất là NamA Bank tăng 41,85%, tiếp đến là HDBank tăng 39,07%, VietBank tăng 32,75%, VIB tăng 32,59%...

Kết quả kinh doanh

Tổng lợi nhuận trước thuế năm 2020 của 26 ngân hàng tăng 18.583 tỷ đồng, tương đương 15,75% so với năm 2019, lên 136.540 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do tốc độ tăng trung bình của Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng và tổng chi phí hoạt động thấp hơn Tổng thu nhập. Cụ thể, tốc độ tăng trung bình của Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng và Tổng chi phí là 11,49% (trong đó, tốc độ tăng của Chi phí dự phòng 20,66%, lên 88.712 tỷ đồng, còn tốc độ tăng của Tổng chi phí 6,4%, đạt 141.043 tỷ đồng), trong khi Tổng thu nhập tăng 13,04%, lên 366.295 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy, do ảnh hưởng của Covid, trong năm 2020, các ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng lên rất mạnh.

Chiếm chủ yếu trong Tổng thu nhập vẫn là Thu nhập lãi thuần với 276.062 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,37% Tổng thu nhập, thấp hơn mức 76,11% của năm 2019.

Đóng góp của Thu nhập lãi thuần giảm dần do sự tăng trưởng mạnh của Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ. Theo đó, trong năm 2020, Lãi thuần từ hoạt động dịch của 26 ngân hàng tăng tới 45,28%, lên mức 41.155 tỷ đồng và chiếm 11,24% Tổng thu nhập, cao hơn mức 10,47% của với năm 2019.

Ngân hàng có Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cao nhất là Vietcombank với mức 6.607 tỷ đồng, tăng tới 53,3% (tương đương tăng 2.298 tỷ đồng) nhờ thương vụ ký kết phân hối bảo hiểm độc quyền 15 năm với FWD vào cuối năm 2019. BIDV, Sacombank, Techcombank, VietinBank, VPBank, MB cũng là các ngân hàng có mức Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cao trong năm 2020. Bên cạnh đó, còn có 4 ngân hàng khác có Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt trên 1.000 tỷ đồng, ít hơn 2 ngân hàng so với năm 2019.

Như vậy, bên cạnh hoạt động tín dụng, các ngân hàng tiếp tục chú trọng vào mảng dịch vụ, chủ yếu là bán chéo sản phẩm, đặc biệt là hợp tác phân phối sản phẩm độc quyền với các công ty bảo hiểm.

Nếu xét về hiệu quả hoạt động, đối với cổ đông của các ngân hàng, chỉ tiêu Lãi cơ bản/CP (EPS) là có ý nghĩa nhất và sau cùng. Theo chỉ tiêu này, Vietcombank vẫn là ngân hàng đứng đầu với 4.470 đồng, tăng nhẹ so với năm 2019, tiếp đến là VPBank với 4.271 đồng, tăng 26,11%. Các nhà băng khác có EPS trên 3.000 đồng là VIB (4.096 đồng, tăng 42%), VietinBank (3.678 đồng, tăng 45%), Techcombank (3.515 đồng, tăng 23%), ACB (3.511 đồng, tăng 27,7%), TPBank (3.503 đồng, tăng 13,5%), OCB (3.363 đồng, tăng 36,8%). Tuy nhiên, ấn tượng nhất lại là PGBank khi EPS tăng vọt 136,7% lên 565 đồng, do lợi nhuận tăng mạnh.

ROE

Chỉ số ROE (Lợi nhuận sau thuế/Vốn chủ sở hữu) bình quân của 26 ngân hàng trong năm 2020 là 15,4%. Đây là một mức khá tốt của ngành, dù giảm một chút so với mức 15,53% của năm 2019. Hầu hết ngân hàng nằm trong Top 10 có EPS cao nhất đều có ROE cao hơn mức bình quân này. Trong đó, dẫn đầu vẫn là VIB với 25,83%, tiếp theo là ACB với 21,67%, OCB và TPBank trên 20%...

ROA

Chỉ số ROA (Lợi nhuận sau thuế/Tổng tài sản) bình quân của 26 ngân hàng là 1,18%. Điểm đặc biệt về chỉ số này là có một số ngân hàng có quy mô nhỏ lọt vào Top 10 như OCB, TPBank. Trong đó, dẫn đầu vẫn là Techcombank với 2,86%, tiếp đến là VPBank 2,49%, OCB 2,32%...