Bẫy tranh chấp từ sơ hở về tính hợp pháp của chủ thể

(ĐTCK) Thời gian vừa qua xảy ra nhiều vụ tranh chấp, kiện tụng, trong đó phân định trách nhiệm cá nhân và pháp nhân tưởng như rõ ràng lại có nhiều vấn đề gây tranh cãi.

> Tranh chấp Vạn Lợi - IPA

ĐTCK đã trao đổi với luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Hưng xung quanh vấn đề này.

 

Thưa ông, khi có tranh chấp, kiện tụng, nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa pháp nhân với cá nhân làm việc cho pháp nhân đó như thế nào? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những tổn thất của bên thứ ba?

Trách nhiệm pháp nhân với trách nhiệm cá nhân là hai trách nhiệm độc lập. Trường hợp cá nhân làm việc cho pháp nhân gây tổn thất cho bên thứ ba, thì trước hết, pháp nhân phải đứng ra xử lý vấn đề, giải quyết hậu quả. Sau đó, pháp nhân sẽ xem xét trách nhiệm của cá nhân và xử lý theo quy chế nội bộ và theo quy định pháp luật, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Điều này thể hiện rất rõ ở các trường hợp lái xe taxi gây tai nạn giao thông, trước hết, hãng taxi phải đứng ra xử lý hậu quả, hỗ trợ nạn nhân, rồi sau đó giải quyết với nhân viên. Tương tự, trong trường hợp nhân viên ngân hàng làm trái quy định, chẳng hạn như phát hành bảo lãnh không đúng quy trình, ngân hàng trước hết phải đứng ra thanh toán bảo lãnh cho bên thứ ba khi đến hạn. Sau đó, nội bộ ngân hàng sẽ xem xét xử lý đối với nhân viên làm sai.

 

Khi thực hiện công việc theo ý chí của pháp nhân, cá nhân làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào? Khi nào thì bị xử lý hình sự?

Nếu hành vi của cá nhân là sai, nhưng đã thực hiện theo đúng ý chí của pháp nhân đó, thì trách nhiệm thuộc về pháp nhân. Chẳng hạn, giám đốc một CTCK cam kết bảo lãnh cho nhà đầu tư vay tiền không đúng chức năng, ngành nghề, nhưng HĐQT, HĐTV của công ty đã có nghị quyết, biên bản thông qua chủ trương này, thì giám đốc đó sẽ không phải chịu trách nhiệm cá nhân.

Trường hợp cá nhân thực hiện sai với ý chí của pháp nhân thì cá nhân đó phải chịu trách nhiệm trước pháp nhân (bằng các hình thức kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất) và trước pháp luật bằng việc xác định hậu quả thiệt hại đối với hành vi có lỗi của cá nhân; nếu hậu quả mà nằm trong các quy định của Bộ luật Hình sự, có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

Việc xử lý hình sự một cá nhân nhân danh pháp nhân vi phạm pháp luật hình sự, thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi, thiệt hại vật chất và tinh thần do hành vi trái pháp luật gây ra, các yếu tố, nguyên nhân khách quan, chủ quan để cơ quan bảo vệ pháp luật áp dụng các hình phạt cụ thể, theo quy định của pháp luật hình sự.

 

Thực tế, trong vụ tranh chấp giữa Vạn Lợi và IPA, phía Vạn Lợi sau khi ký kết hợp đồng thì yêu cầu tòa án tuyên hủy hợp đồng đó, với lý do người ký kết không đủ thẩm quyền, ngay cả khi người ký là Chủ tịcH HĐQT và sở hữu 99,9% DN. Trong trường hợp này, trách nhiệm cá nhân và pháp nhân đối với bên thứ ba sẽ ra sao?

Điều này tùy thuộc vào chứng cứ, hồ sơ pháp lý để xem hợp đồng có vô hiệu hay không. Trường hợp người ký không đủ thẩm quyền thì phải xác định giao dịch đó vô hiệu hay không vô hiệu theo quy định của pháp luật, đồng thời xử lý theo quy định của giao dịch dân sự vô hiệu, nếu nó vô hiệu; trường hợp không vô hiệu thì các bên phải tôn trọng và thực hiện theo các cam kết trong giao dịch đó. Tuy nhiên, nếu cá nhân sở hữu tới 99,9% công ty, sau đó công ty lại yêu cầu tòa án tuyên vô hiệu hợp đồng, thì ở đây có thể có ý trục lợi.

 

Vậy người ký kết thế nào là đủ thẩm quyền? Trường hợp người ký kết không đủ thẩm quyền thì phải xử lý thế nào?

Người ký hợp đồng có thẩm quyền là người được pháp luật công nhận khi đại diện cho pháp nhân tham gia vào giao dịch dân sự. Nếu người ký không phải là đại diện theo pháp luật thì phải yêu cầu có giấy ủy quyền đại diện.

Thông thường, trong các DN có quy định nội bộ về phân cấp, phân quyền cũng như các quy định về đại diện ký kết, chẳng hạn như một giám đốc chi nhánh sẽ có quyền ký kết những hợp đồng nào, có quyền quyết định những việc gì, giới hạn trong bao nhiều tiền.

Đây cũng được coi là ủy quyền, tuy nhiên, khi ký kết các hợp đồng kinh tế, các bên nên yêu cầu đối tác đưa ra giấy ủy quyền nếu người ký không phải là người được pháp luật công nhận quyền đại diện.

Đối với việc xử lý, cần xem xét khi ký hợp đồng ấy, pháp nhân (người đại diện theo pháp luật) có biết hay không? Nếu biết thì hợp đồng ấy có hiệu lực và hợp đồng không vô hiệu, trách nhiệm cam kết trong hợp đồng phải được thực thi đầy đủ.

Nếu pháp nhân không biết, mà bằng ý chí chủ quan của cá nhân nhân danh pháp nhân ký, làm trái với các quy định của pháp luật, có ý chí chiếm đoạt và đã có hậu quả bằng hành vi này, thì chắc chắc phải xử lý bằng pháp luật hình sự. Đây là bài học DN cần rút ra khi ký kết hợp đồng: cần phải xem xét kỹ tính hợp pháp của chủ thể.

Hoàng Duy thực hiện
Hoàng Duy thực hiện

Tin cùng chuyên mục