Con cóc là loài động vật nhỏ bé, xấu xí, thế nhưng dân gian ta vẫn có câu “Con cóc là cậu Ông Trời”. Dường như, trong văn hóa dân gian, chú cóc bé nhỏ này vẫn rất được yêu mến. Trong phong thủy, chú cóc này không gọi mưa đến, mà chiêu tài tiến lộc đến.
Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa có một con cóc thành tinh rất thích ngậm tiền, nó trộm lấy hết tiền của người ta mà ngậm, khiến người ta tán gia bại sản. Ngọc Hoàng biết được, bèn phái ông Hàn Tương Tử xuống thu phục con yêu tinh này. Ông Hàn Tương Tử thổi tiêu, tiếng tiêu vang lên khiến con cóc mê mẩn, nó nhảy hẳn lên để lắng nghe. Nhân lúc ấy, ông bèn bắt lấy con cóc tinh.
Ông Hàn Tương Tử thu phục yêu tinh cóc xong, bèn bắt nó đi khắp nơi nhè tiền ra trả lại mọi người. Sợ pháp lực của con cóc tinh ngày càng cao mà lại đi gây họa, ông bèn bẻ gãy một chân của nó, khiến nó trở thành một con cóc ba chân.
Lại có truyền thuyết khác, đầu thời Tống có ông Lưu Hải đắc đạo thành tiên, chuyên hàng yêu trừ quái trừ hại cho dân. Một lần, ông thu phục được một con cóc tinh, sau này, con cóc tinh đi theo Lưu Hải giúp đỡ mọi người. Tương truyền có một bức tranh cát tường tên là “Lưu Hải rải tiền”, vẽ cảnh ông Lưu Hải đang cầm một chuỗi tiền trêu đùa chú cóc vàng. Có người nói, con cóc vàng đó chỉ có ba chân, ai có được cóc vàng ba chân sẽ đại phú đại quý. Hơn nữa, “cóc vàng” tiếng Hán đọc là “kim thiềm”, âm đọc gần giống với “kim tiền” nghĩa là tiền tài. Thế là từ đó, cóc ba chân trở thành biểu tượng chiêu tài.
Cóc vàng ba chân thường xuất hiện dưới hình dạng một chú cóc ba chân ngồi xổm trên đống tiền vàng, miệng ngậm đồng tiền, lưng đeo xâu tiền, mình cóc to béo mập mạp, đầy vẻ phú quý mỹ mãn. Mắt cóc màu đỏ, những nốt sần trên lưng hợp lại thành hình sao Bắc Đẩu trong chòm Đại Hùng. Trên đỉnh đầu cóc có hình xoáy tròn, biểu tượng của Thái cực Lưỡng Nghi.
Ở Việt Nam, nhiều người thường trưng bày cóc ba chân trên bàn thờ Thần Tài, Thổ Địa, quay miệng cóc ra ngoài, tối lại quay miệng cóc vào trong, vì cho rằng, ban ngày quay ra ngoài để kiếm ăn, ban đêm quay vào trong để đưa tài lộc vào nhà. Tuy nhiên, rất nhiều nhà phong thủy đã khuyến cáo về quan niệm này. Miệng cóc quay ra ngoài cửa chính là biểu tượng cho sự hao tài, cóc sẽ đem hết tài lộc của gia chủ nhổ ra ngoài, bởi vậy, trưng bày cóc ba chân kỵ nhất là quay miệng cóc ra ngoài cửa chính.
Người Hoa thường bày cóc ở hai góc của cửa chính bên trong phòng khách, đầu cóc quay vào trong nhà, trông như thể cóc đang nhảy vào nhà mang tài lộc đến cho gia chủ vậy. Nếu vẫn muốn bày cóc trên bàn thờ Thần Tài, Thổ Địa, vậy phải nhớ kỹ, không được quay miệng cóc ra ngoài cửa.
Ngoài ra, nên lưu ý, không quay miệng cóc thẳng về phía các bức tượng thần như Phật Tổ, Quan Thế Âm, cũng không được đặt cóc ở vị trí cao hơn những bức tượng thần này. Cũng không nên đặt cóc trong bếp hoặc nhà vệ sinh.
Về chất liệu làm cóc, có rất nhiều trường phái phong thủy đưa ra những lý luận khác nhau. Có nơi cho rằng, chất liệu cóc vàng tốt nhất là đá tự nhiên, bởi đá thiên nhiên đã hấp thụ nhiều linh khí của trời đất, dùng nó tạc thành cóc ba chân thì sẽ linh thiêng hơn nhiều. Chất liệu bột đá hoặc đồng lại không tốt bằng, bởi bột đá là đã đã bị nghiền nát, còn đồng đã bị nung chảy cho vào khuôn đúc, cho nên không còn lại nhiều linh khí. Có nơi lại nói rằng, cóc làm từ ngọc và sứ thích hợp bày ở phương vị Mộc Thổ, cóc làm bằng đồng thích hợp bày ở phương vị Kim Thủy.
Tuy nhiên, cho dù là chất liệu nào đi nữa, đối với các linh vật nói chung và cóc vàng ba chân nói riêng, chỉ cần Khai quang điểm nhãn đúng cách thì linh vật sẽ tự động hỗ trợ đắc lực cho gia chủ - lúc này, vấn đề chất liệu không phải là vấn đề quá quan trọng. Các cụ ta có câu, “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, chỉ cần bạn chú ý đến những điều kiêng kỵ mà các nhà phong thủy đã khuyến cáo, phần còn lại phụ thuộc vào bạn quyết định sao cho cảm thấy phù hợp nhất là được. Nên nhớ rằng, bạn là chủ của linh vật, và cũng là chủ của vận mệnh, cuộc đời chính bạn.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com