Gắn bó lâu dài với các đội bóng, nhưng năm qua, khi bóng đá Việt Nam gặt hái được nhiều thành tựu, ông lại khá kín tiếng. Điều này nên hiểu như thế nào, thưa ông?
Dàn cầu thủ ngày hôm nay là thành quả của quá trình nuôi dưỡng và đào tạo hơn 10 năm qua không chỉ về chuyên môn, tư cách đạo đức, văn hóa, mà còn cả màu cờ sắc áo, tinh thần dân tộc. Đó là công sức đóng góp của các thế hệ nhà quản lý, huấn luyện viên, những người chăm lo từng bữa ăn giấc ngủ cho các cầu thủ và đặc biệt là gia đình của các chàng trai trẻ này.
Bên cạnh vấn đề tài chính, các cầu thủ còn phải trải qua rất nhiều khó khăn để đạt được thành tích như ngày hôm nay, họ chấp nhận đổ mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu.
Không có tình yêu nào trọn vẹn nếu không có sự hy sinh của các bên. Đó là sự hy sinh của các nhà quản lý, huấn luyện viên, nhà tài trợ và nhất là sự hy sinh để rèn luyện, khổ luyện, chịu và chấp nhận chấn thương của các cầu thủ.
Tôi luôn có một niềm tin rằng, bóng đá Việt Nam sẽ gặt hái được thành công. Từ trước đến nay, chúng ta đã yêu và cống hiến. Do đó, không cần thiết phải nói nhiều, chúng ta cứ nỗ lực làm việc bởi những thành quả có được ngày hôm nay mới là bắt đầu.
Tôi vẫn thường nói với các cầu thủ của tôi: “Các con ơi, bây giờ mới là bắt đầu. Các con phải rèn luyện, cố gắng, quyết tâm nhiều hơn nữa. Có được chiến thắng đã khó, giữ được và phát triển thành tích còn khó hơn. Các con còn rất trẻ, tương lai còn ở phía trước, đừng phụ niềm tin của hơn 90 triệu dân - đây là phần thưởng lớn nhất, nên phải gìn giữ, trân trọng, phát huy, cố gắng, quyết tâm hơn nữa”.
Tại đội tuyển quốc gia, các cầu thủ Hà Nội, được đào tạo tại Hà Nội có 9 người. Truyền thống bóng đá của Thủ đô đã luôn được các thế hệ cầu thủ giữ gìn và tiếp nối. Ông có dự định gì tiếp theo để phát triển hơn nữa niềm tự hào này?
Nhắc tới bóng đá Hà Nội qua nhiều thế hệ, hình ảnh thân thiết nhất, ấn tượng nhất là sân vận động Hàng Đẫy, biểu tượng của Thủ đô từ trước năm 1954 đến nay. Đây là nơi chứng kiến những trận đấu của Thể công, Công an, Giải bóng đá quân đội các nước xã hội chủ nghĩa (SKDA)… nhiều năm qua.
Tuy nhiên, sau một thời gian dài sử dụng, sân vận động Hàng Đẫy đã xuống cấp nghiêm trọng: khán đàn B có nguy cơ sập; sân bãi, phòng thay đồ, nhà vệ sinh… không đạt tiêu chuẩn thi đấu của Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á và châu Á. Để căn bản đáp ứng tiêu chuẩn của Liên đoàn bóng đá, sân vận động Hàng Đẫy cần xây dựng, cải tạo mới hoàn toàn.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, ở thủ đô đều có câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp, cùng với đó là sân vận động mang tính thương hiệu, đã trở thành biểu tượng không thể xóa nhòa.
Chẳng hạn, Paris Saint-Germain là câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp tại Paris, thủ đô nước Pháp; Real Madrid, hay gọi đơn giản là Real, câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp tại Madrid, thủ đô của Tây Ban Nha…
Hà Nội cũng không là ngoại lệ. Chúng ta có thể khiến sân vận động Hàng Đẫy hồi sinh mạnh mẽ, trở thành niềm tự hào của người dân Thủ đô nói chung, của người hâm mộ bóng đá nói riêng trong thời gian tới.
Sân vận động Hàng Đẫy sau khi xây dựng lại sẽ là một tổ hợp, bóng đá, thể thao, thương mại và dịch vụ vui chơi giải trí, tạo nét văn hóa riêng.
Theo đó, thứ nhất, người dân thủ đô có thể tới tổ hợp thể thao này để tham gia các hoạt động thể thao - văn hóa. Thứ hai, sử dụng sân vận động để tổ chức các giải đấu quốc tế, đặc biệt là Sea Games 31 tới đây.
Thứ ba, không chỉ để tổ chức các sự kiện thể thao, bóng đá mà còn là các sự kiện khác nói chung của người dân. Thứ tư, có các nguồn thu để nuôi bóng đá.
Ngoài ra, cũng như các nước, sân vận động là một công trình lịch sử, nơi trưng bày, giới thiệu truyền thống bóng đá, địa điểm tham quan du lịch của người dân trong nước và nước ngoài khi đến Việt Nam.
Ông chủ của một tập đoàn bất động sản vừa có đề án gửi TP. Hà Nội về việc xây dựng tổ hợp thể thao, trong đó có sân vận động 100.000 chỗ ngồi hiện đại hàng đầu thế giới. Còn trước đó, ông có đề án nâng cấp sân Hàng Đẫy. Có thể hiểu rằng, đã đến lúc đầu tư vào thể thao để có lãi, hay vẫn chỉ là theo đuổi giấc mơ?
Tôi đã đầu tư vào bóng đá hơn 12 năm và luôn tin là Việt Nam có ngày sẽ đạt được thành tích trong cấp khu vực. Đến nay, điều này mới trở thành sự thật, khi Việt Nam đã có dàn cầu thủ chuyên nghiệp từ kỹ thuật, chuyên môn cho tới đạo đức và đang không ngừng cống hiến cho nước nhà.
Tuy nhiên, tôi khẳng định, bóng đá Việt Nam chưa có nguồn thu, vẫn cần tài trợ. Các nhà tài trợ bóng đá cũng khó nghĩ đến chuyện có lãi. Đừng ai nghĩ rằng bóng đá có lãi tại thời điểm này.
Làm bóng đá phải có tình yêu, sự hy sinh và không tính toán. Đó là sự cống hiến. Với tôi, nếu nói rằng bóng đá có lãi thì tôi chưa nhìn thấy lợi nhuận đến từ đâu. Tuy nhiên, những điều mình có được khi đóng góp cho bóng đá nước nhà không phải tiền mà là uy tín, thương hiệu, sự vinh dự và tự hào. Điều đó còn lớn hơn tiền.
Ông vẫn thường được nhắc đến với danh xưng “bầu Hiển”. Có khi nào tên gọi này sẽ thay đổi thành ông trùm viễn thông, tỷ phú USD hay tỷ phú công nghệ?
Xin đừng gọi tôi là “bầu” Hiển. Vì thực ra, ông “bầu” là những người kinh doanh thực sự, có nguồn thu từ công việc mình làm ví dụ “bầu” show âm nhạc, thu được lợi nhuận từ các sự kiện âm nhạc. Như trên tôi đã chia sẻ, với bóng đá, là cống hiến và cho đi, chưa bao giờ nghĩ đến nhận lại, nên đừng gọi tôi là “bầu” Hiển mà gọi tôi là anh Hiển hay em Hiển - một cổ động viên, một người yêu bóng đá cuồng nhiệt như hơn 90 triệu dân Việt Nam.
Cũng như bóng đá, tôi nói với hơn 70.000 cán bộ công nhân viên của mình rằng, chúng ta hãy luôn luôn cố gắng, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, hướng tới chuẩn mực quốc tế, công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo.
Chúng ta là doanh nghiệp thì phải nghĩ đến lợi nhuận, song không phải bằng mọi giá mà phải nghĩ tới việc đã làm được gì cho cá nhân, gia đình, tổ chức và cho xã hội. Tôi chưa bao giờ chỉ chú ý tới việc mình có bao nhiêu tiền.
Bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bán lẻ… mảng nào ông thấy mình nổi trội nhất?
Thực ra, mảng kinh doanh nào tôi cũng quan tâm, chú ý, bởi tôi coi trọng như nhau và xác định phát triển đồng thời để có sự hỗ trợ lẫn nhau. Tôi luôn mong muốn hợp tác, học hỏi các tập đoàn hàng đầu trên thế giới ở các lĩnh vực mà Tập đoàn hoạt động. Hợp tác với họ là cách tiếp cận nhanh nhất để học hỏi, bắt nhịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo và đào tạo nhân viên, cũng như tận dụng được nguồn lực tài chính trung và dài hạn.
Có ý kiến cho rằng: “Cạnh tranh khốc liệt nhất là cạnh tranh với chính mình”. Theo ông, cạnh tranh với chính mình, đặc biệt là tại SHB, diễn ra như thế nào?
Công nghệ đang thay đổi cuộc sống mỗi ngày, mỗi giờ và mọi ngành nghề kinh doanh đều phải thích nghi với dòng chảy này. Nếu tiếp tục làm việc theo lối truyền thống, chúng ta sẽ dừng lại và tụt hậu. Tôi luôn phải đốc thúc cán bộ nhân viên SHB đổi mới, trước hết từ tư duy, dù biết rằng đây là một việc khó. Con người nói chung, để thay đổi tư duy, suy nghĩ, hay cách làm mới thường gặp nhiều trở ngại; song tất cả đều phải mạnh mẽ đổi mới.
SHB đang mời các tập đoàn hàng đầu ở nước ngoài tham gia quản trị, đầu tư, tư vấn về hiện đại hóa công nghệ, nhanh chóng đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực tài chính, hướng tới ngân hàng số theo tiêu chuẩn quốc tế.
Để thực hiện điều này, vấn đề mấu chốt là cả hệ thống ngân hàng từ Hội đồng quản trị, Ban điều hành, các cấp quản lý đến cán bộ nhân viên trước hết phải đổi mới mạnh mẽ về tư duy, cách làm, nhanh chóng tiếp cận công nghệ mới, quản trị mới của các tập đoàn nước ngoài hàng đầu hiện đang hợp tác với SHB.
Ông có thể chia sẻ những dự đoán khi một năm mới đến?
Người dân cả nước đang chuẩn bị đón Tết Nguyên đán trong không khí hân hoan, náo nức, mà một trong những nguyên do là bởi thành tích của đội tuyển bóng đá Việt Nam khi lọt vào vòng tứ kết tại Asian Cup 2019.
Các cầu thủ Việt Nam đã có những trận đấu thuyết phục, đẳng cấp với tinh thần, ý chí, niềm tin, kỹ thuật, tốc độ và sự khéo léo của người Việt Nam. Chúng ta tự tin có thể làm được nhiều hơn, hay và tốt hơn không những trong khu vực Đông Nam Á, châu Á.
Bên cạnh đó, đối với hệ thống ngân hàng, những kết quả đạt được trong năm qua như phát triển ổn định, bền vững đang tạo đà tích cực cho năm 2019. Chưa kể, kinh tế Việt Nam đang có những bước tiến vững vàng, tạo nền tảng cho hoạt động sản xuất - kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ.
Có thể nói, sự đổi mới tích cực của Chính phủ, các bộ ban ngành, Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng và niềm tin của người dân, chiến thắng của bóng đá, tất cả đang hòa vào một dòng chảy mang tên gọi tinh thần dân tộc, đang rất khí thế tiến bước vào năm 2019.