Bầu Đức - Người trả nợ

0:00 / 0:00
0:00
Sau một khoảng thời gian đình đám vì những bước đi táo bạo trong kinh doanh và làm bóng đá, Hoàng Anh Gia Lai lại nổi tiếng bởi đống nợ như núi.
Nhà đầu tư thăm quan nhà máy chế biến chuối của Hoàng Anh Gia Lai Ảnh: Hải Lý Nhà đầu tư thăm quan nhà máy chế biến chuối của Hoàng Anh Gia Lai Ảnh: Hải Lý

Tuy nhiên, tất cả những ánh hào quang của thành công, sự ảm đạm của những ngày đen tối đều trở nên lu mờ bởi sự kiên trì, bền bỉ và sòng phẳng vay, trả của Bầu Đức…

Lần đầu tiên cái tên Hoàng Anh Gia Lai (HAG) được giới đầu tư thể hiện sự quan tâm là trong lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) đầu năm 2007 ở Khách sạn New World (TP.HCM) chật kín người tham gia. Lễ tân khách sạn phải đặt thêm nhiều dãy ghế bên dưới và tràn cả ra ngoài sảnh cho những người tham dự. HAG khi ấy đang là doanh nghiệp bất động sản lớn nhất, nổi đình nổi đám với những dự án căn hộ chung cư, khách sạn xây dựng khắp nơi. Hôm ấy, một công ty con của Sacombank chuyên về bất động sản đã ký một thoả thuận trở thành cổ đông lớn của HAG.

Dạo đó, thị trường chứng khoán niêm yết đang “nóng”, còn ngoài thị trường chưa niêm yết OTC, giá cổ phiếu HAG từ chỗ được giao dịch quanh mức 15.000 đồng đã nhanh chóng “leo” lên gấp đôi rất nhanh sau vài tuần lễ. Thế nhưng phải đến hai mươi tháng sau, tận cuối năm 2008, HAG mới chào sàn HoSE ở thời điểm chứng khoán đã có dấu hiệu mệt mỏi, bước vào giai đoạn “ngủ đông”. Vậy mà ngay trong lúc khó khăn nhen nhóm ấy, dù đã tăng vốn thêm nhiều lần, cổ phiếu HAG vẫn được đón nhận ở mức giá 48.000 đồng ngày đầu lên sàn.

Nếu tiếp tục gắn bó với bất động sản, có lẽ bây giờ HAG đã ở một tầm thế khác, bởi ngay cả trong thời kỳ hoàng kim, tập đoàn này bán sản phẩm căn hộ, đất nền với giá tương đối “mềm” so với giá thị trường và không có các chiêu “thổi giá” như thời nay. Một người quen vào năm 2010 - năm đỉnh cao của đợt “sốt” bất động sản - đã mua một căn hộ rộng 120 m2 của HAG với giá 3,6 tỷ đồng. Hai năm sau, năm 2012, bất động sản thoái trào, HAG “cắt lỗ” hàng loạt, bán đồng nhất mọi căn hộ với diện tích trên ở mức 2,4 tỷ đồng/căn. Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch HĐQT HAG, không biết tính toán sao và được ai tư vấn, bất ngờ chuyển sang làm nông nghiệp, mà cụ thể là trồng cây cao su ở Lào, Việt Nam và Campuchia.

Cây cao su đã không mang lại vận may cho bầu Đức. Ông chọn lầm thời điểm để đặt chân vào mảng nông nghiệp, nông sản. Năm 1995, khi theo chân đoàn công tác của Tổng công ty Cao su (Geruco) làm việc với các doanh nghiệp trồng, chế biến và xuất khẩu cao su ở Tây Nguyên, kể cả công ty cao su thuộc Binh đoàn 15, anh em báo chí đã tìm hiểu và biết rõ xuất khẩu cao su thiên nhiên có tính chu kỳ đặc thù. C

ó những năm, công nhân cao su rủng rỉnh tiền bạc vì giá mủ cao chót vót, nhưng cũng không tránh khỏi các năm “đói kém” khi giá mủ tụt dốc không phanh. Những năm giá mủ thấp, Geruco thường chỉ đạo các công ty thành viên giảm sản lượng khai thác, trữ mủ chờ đợi giá hoặc làm mới vườn cây bằng cách đốn hạ cây già cỗi và trồng cây mới. Thời gian ấy, cao su tiểu điền được nhân rộng, song không quá rầm rộ. Geruco với kinh nghiệm đầy mình luôn tỏ ra thận trọng để hàng chục ngàn công nhân của ngành nhận đủ lương, thưởng và không “đắm chìm” với các cơn giật lên, giật xuống của giá nông sản trên thị trường quốc tế.

Bầu Đức, như ông tâm sự sau này với cánh báo chí, đã không thấu hết cội nguồn thị trường nông sản thế giới cũng như đặc thù chu kỳ của giá cao su. Ngay khi được các ngân hàng hỗ trợ cho vay vốn, ông đầu tư hàng chục ngàn héc ta ở bên Lào với công nghệ tưới tiêu hiện đại của Israel. Những đồn điền cao su của bầu Đức hứa hẹn trái ngọt khi năm 2012 - 2013 có lúc giá mủ cao su vọt lên 4.000 USD/tấn.

Phàm đã là hàng hoá, không có cái gì giá lên mãi và xuống mãi. Giá cao su rơi tự do về dưới 2.000, rồi 1.500, rồi sát 1.100 USD/tấn. Các ngân hàng buộc phải nghĩ đến viễn cảnh xiết nợ. Vào lúc cao điểm, HAG có dư nợ ngân hàng tới 22.000 - 23.000 tỷ đồng. Hiện nay, dư nợ như vậy không phải quá kinh khủng, nhưng ngày ấy là ghê gớm.

Bầu Đức mất ăn mất ngủ vì nợ. Ông xoay qua trồng mía, trồng dứa, trồng cây cọ dầu thay cho cao su, làm thuỷ điện, xây dựng trung tâm thương mại Việt Nam ở Yangon (Myanmar) hy vọng lấy ngắn nuôi dài. Tuy nhiên, ông không đo được, và cũng không ai đo được giá nông sản, trong đó có cao su, khủng hoảng tới mười năm. Càng xoay xở, bầu Đức càng lún sâu trong nợ nần, lãi mẹ đẻ lãi con. Chuyện phải đến đã đến, HAG trở thành con nợ “đau đầu” của các nhà băng.

Trong cảnh cái khó ló cái khôn, bầu Đức thanh lý tất cả những tài sản có thể chuyển nhượng thành tiền để trả nợ ngân hàng. Tất nhiên không đủ. Có nhiều tháng ngày ông xơ xác như hàng chục ngàn héc ta cao su thiếu tiền không người chăm sóc. Lán trại xây dựng cho công nhân ở bỏ không. Bầu Đức đã từng trả cho công nhân trồng, chăm sóc cao su nhiều năm mức lương 6 triệu đồng/người/tháng còn bao ăn ở. Ông từng có một căn nhà nằm ngay giữa khu nhà công nhân, ngủ trên giường chiếu, không đệm, lăn lộn với cao su. Tất cả cứ lùi dần, trở thành dĩ vãng.

Nhưng nợ thì không thể trở thành dĩ vãng. Trong cơn bĩ cực, ông tìm thấy sự hợp tác với Tập đoàn Trường Hải (Thaco) để tìm lối ra. Có những nguyên do cả khách quan và chủ quan dẫn Thaco nhập cuộc cùng bầu Đức. Thaco đứng ra trả một phần nợ cho HAG và “xiết” tài sản của tập đoàn. Nợ dần dần giảm xuống.

Một lần, trong một cuộc họp báo ở khách sạn Rex, bầu Đức giọng buồn bã bắt tay anh em nhà báo, thông tin nếu bán sạch mọi thứ, HAG sẽ trả hết nợ. Ông chìa hai bàn tay ra “Khi đó tôi còn hai bàn tay trắng, sẽ làm lại từ đầu”. Ông khẳng định doanh nhân làm ăn quan trọng nhất chữ tín, nên HAG sẽ trả đến đồng nợ cuối cùng.

Từ năm 2018 đến nay, bầu Đức quyết tâm làm ra tiền để trả nợ. “Tôi mang nỗi niềm đau đáu phải trả hết nợ”, ông nói. Ông được các ngân hàng “thương tình” cho giãn nợ, chuyển nợ ngắn hạn thành dài hạn.

Ông rất hiểu sự “thương tình” mà các chủ nợ dành cho ông. Họ càng “thương” thì mình càng không thể “trốn” nợ mãi. Thực tế, các ngân hàng “đối đãi” với HAG như với tất cả các khách hàng khác theo chiến thuật “nuôi nợ để thu nợ”. Họ cho HAG thời gian, còn nợ gốc và lãi vẫn phải trả. Nợ càng dài, lãi càng dầy.

Đến đầu năm nay, sản nghiệp của HAG đã thu gọn, nợ còn tổng cộng 8.000 tỷ đồng. Trước đó bầu Đức quyết định dấn thân với cây chuối. Ông hợp tác với một số doanh nhân “có số má” trong lĩnh vực chăn nuôi và dược phẩm để nuôi heo, nuôi gà ăn chuối và đưa ra thị trường sản phẩm Bapi heo ăn chuối.

Bapi là viết tắt của hai từ Banane (quả chuối) và Pig (con heo). Heo ăn chuối thực ra không phải là phương pháp chăn nuôi mới. Từ bao đời nay, bà con nông dân đã thái thân cây chuối cho heo ăn. Nhưng Bapi cho heo ăn quả chuối, không phải thân chuối. Những quả chuối đạt chất lượng được HAG đóng thùng xuất khẩu sang các nước xung quanh và chủ yếu qua Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc đông dân, bao nhiêu chuối tiêu thụ cũng hết. Còn quả chuối nhỏ, không đủ chuẩn xuất khẩu, Bapi thái nhỏ, chế biến, trộn với các nguyên liệu khác làm thức ăn nuôi heo.

Từ heo, HAG nuôi gà. Gà của bầu Đức thả rông trong vườn chuối, tự tìm thức ăn. Người ta nuôi gà 3-4 tháng, gà của bầu Đức nuôi tới 6 tháng, có khi 8 tháng. Cách thức nuôi heo, gà thả rông, đi bộ và ăn quả chuối giống như người nông dân Bồ Đào Nha nuôi heo. Những con heo ở các tỉnh vùng ven Thủ đô Lisbon được nuôi thả 12 tháng trở lên trong các vườn ô liu, chúng thảnh thơi ăn loại quả này suốt năm tháng, không có thức ăn gì khác. Thịt của loại heo này thơm ngon kỳ lạ.

Bầu Đức thành thật nói nuôi heo, gà lúc đầu cũng giống như bỏ ống tiết kiệm, không lãi nhiều, được cái dòng tiền ổn định, về đều đều nên ông có tiền trả nợ ngân hàng. Ông thêm, đã bán nốt số cổ phần còn lại ở công ty nông nghiệp quốc tế HAG để giảm bớt nợ vay. Sau khi bán, nợ của HAG còn trên 6.000 tỷ đồng. Ông tính, năm nay lãi được 1.000 tỷ đồng, cũng sẽ ưu tiên trả nợ.

Được hỏi vì sao lại hợp tác với các doanh nhân ngành dược phẩm, chăn nuôi như ông Đinh Văn Lộc và một số chủ doanh nghiệp khác, bầu Đức cho biết, ông đã từng thất bại trong quản trị doanh nghiệp. Giờ ông cố gắng để HAG có một đội ngũ lãnh đạo vững mạnh, giàu kinh nghiệm, từng trải để cùng vượt qua thử thách. HAG cũng bắt tay với các doanh nghiệp phân phối, kể cả bán hàng online, mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm nhằm đưa thịt heo, thịt gà đến tận người tiêu dùng cùng các quán ăn, khách sạn. Đi từng bước một, chậm mà chắc, sản phẩm xúc xích, thịt heo, gà tươi của Bapi đã có mặt trên bàn ăn của nhiều hộ gia đình.

Con đường trả nợ của bầu Đức còn một chặng cuối phải đi. Nếu quy mô chăn nuôi được mở rộng, lợi nhuận tăng lên, HAG cần ít nhất ba năm nữa để sạch nợ vay ngân hàng. Bầu Đức giờ tóc đã bạc, nhưng gương mặt đã sáng lên với nụ cười tươi rói, nụ cười của sự tự tin.

Ông đúc kết, vay tiền đã khó, sử dụng đồng vốn vay sao cho hiệu quả để sinh lời gian nan hơn và nhất là khi có nợ xấu phải trả là đau đớn. Nhiều năm, ông vật lộn với nợ để tìm ra cách thức chia tay nó. Kinh doanh ai chẳng phải vay ngân hàng. “Lẽ nào vay mà không có trả? Sống là cho…”. Đã từng có những câu thơ như thế. Không biết nó có vận vào bầu Đức không, song giới đầu tư, ngân hàng và cả những người làm ăn nhìn rõ ông là người trả nợ, nỗ lực vay trả sòng phẳng. Đấy cũng là một trong những phẩm giá trân quý của doanh nhân.

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Group), tên chính thức là Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, thường được gọi đơn giản là Hoàng Anh Gia Lai (HAGL hay HAG), là một công ty đa ngành nghề, có trụ sở đặt tại Pleiku.Từ một nhà sản xuất nội thất nhỏ, Công ty đã đa dạng hóa sang các ngành khác như là cao su, tài chính và làm bóng đá. HAGL có tốc độ phát triển tài sản nhanh nhất Việt Nam năm 2010 và nhanh thứ nhì năm 2011. Hoàng Anh Gia Lai cũng phát triển mạnh ở bên ngoài Việt Nam, với khoản đầu tư xấp xỉ 1 tỷ USD vào Lào, hàng trăm triệu đô vào Myanmar, 100 triệu USD vào Campuchia và hàng chục triệu USD vào Thái Lan.

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Group), tên chính thức là Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, thường được gọi đơn giản là Hoàng Anh Gia Lai (HAGL hay HAG), là một công ty đa ngành nghề, có trụ sở đặt tại Pleiku.

Từ một nhà sản xuất nội thất nhỏ, Công ty đã đa dạng hóa sang các ngành khác như là cao su, tài chính và làm bóng đá. HAGL có tốc độ phát triển tài sản nhanh nhất Việt Nam năm 2010 và nhanh thứ nhì năm 2011. Hoàng Anh Gia Lai cũng phát triển mạnh ở bên ngoài Việt Nam, với khoản đầu tư xấp xỉ 1 tỷ USD vào Lào, hàng trăm triệu đô vào Myanmar, 100 triệu USD vào Campuchia và hàng chục triệu USD vào Thái Lan.

Hải Lý
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục