Các cuộc thăm dò dư luận cuối cùng cho thấy ứng cử viên - đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn duy trì được cách biệt an toàn với bà Marine Le Pen – ứng cử viên của đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” với khoảng cách lớn nhất lên tới 13 điểm.
Kết quả cuộc thăm dò dư luận do hãng Ipsos-Sopra Steria thực hiện trong ngày 22/4 cho nhiều kênh truyền thông lớn của Pháp như báo “Thế giới” (Le Monde) hay Đài Truyền hình quốc gia Pháp (France Televisions) cho thấy, ƯCV-đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến sẽ nhận được 56,5% số phiếu bầu của cử tri Pháp tại vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống ngày 24/4, so với tỷ lệ 43,5% của bà Marine Le Pen. Sai số của cuộc thăm dò này chỉ ở mức rất thấp là 1,1% do đa số trong hơn 12.000 người được hỏi là những cử tri khẳng định sẽ đi bỏ phiếu và đã có quyết định bỏ phiếu cho ai.
Một cuộc thăm dò dư luận quy mô lớn khác do hãng Elabe thực hiện cho kênh truyền hình BFMTV cũng cho kết quả tương tự khi ông Emmanuel Macron dự kiến nhận được 55,5% số phiếu còn bà Marine Le Pen được 44,5%.
Kết quả các cuộc thăm dò dư luận trên cho thấy, sau khi không tạo được lợi thế trước ông Macron trong cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình tối ngày 20/4, bà Marine Le Pen đã không thể tạo được động lực bứt phá và buộc phải chứng kiến ông Macron gia tăng cách biệt.
Khoảng cách 13 điểm trong cuộc thăm dò mới nhất cũng chính là cách biệt lớn nhất giữa ông Macron và bà Marine Le Pen từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử vòng 2. Vào thời điểm ngay sau khi kết thúc vòng 1 cuộc bầu cử ngày 10/4, bà Marine Le Pen nhận được từ 47 - 48% sự ủng hộ, chỉ kém ông Macron 4 điểm.
Giới phân tích tại Pháp đánh giá, cơ hội để bà Marine Le Pen đảo ngược tình thế hiện còn rất ít do bà Le Pen đã tạo dựng được một nền tảng cử tri ổn định, khó có thể có biến động lớn. Nguồn cử tri đông đảo nhất có thể được huy động là khoảng 8 triệu cử tri đã bỏ phiếu cho ông Jean-Luc Mélenchon tại vòng 1 cuộc bầu cử. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, gần 40% trong số này sẽ không đi bỏ phiếu, 40% sẽ bỏ phiếu cho ông Macron và chỉ khoảng 20% bỏ phiếu cho bà Marine Le Pen.
Ý thức được điều này, trong những ngày tranh cử cuối, bà Marine Le Pen không còn tích cực vận động tại nhiều khu vực mới mà chỉ tập trung vận động tại miền Bắc nước Pháp, nơi đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” và cá nhân bà nhận được sự ủng hộ lớn.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kết thúc chiến dịch tranh cử trong ngày 22/4 bằng chuyến đi đến Figeac, một địa phương nông thôn nằm tại một trong những vùng heo hút nhất ở miền Nam nước Pháp nhằm gửi thông điệp vẫn quan tâm đến các khu vực nông thôn chứ không chỉ tập trung vào các thành phố lớn. Ông Macron cũng tiếp tục nhắc lại nhận định rằng cuộc bầu cử Tổng thống Pháp ngày 24/4 không chỉ cho nước Pháp mà còn cho cả châu Âu và thúc giục cử tri Pháp đi bỏ phiếu.
“Ngày 24/4 sẽ là cuộc trưng cầu ý dân về ủng hộ hay chống lại châu Âu. Chúng ta muốn có châu Âu. Ngày 24/4 cũng sẽ là cuộc trưng cầu ý dân về ủng hộ hay chống lại một nền cộng hoà thế tục, đoàn kết và không thể chia rẽ. Chúng ta là những người ủng hộ”.
Sau khi kết thúc các chiến dịch tranh cử vào nửa đêm ngày 22/4, nước Pháp ngày 23/4, sẽ bước vào ngày im lặng trên truyền thông để các cử tri Pháp có thời gian cân nhắc các lựa chọn cuối cùng, trước khi đi bỏ phiếu từ 8h sáng ngày 24/4. Lượng cử tri đi bầu dự kiến sẽ ở mức 73,5%, thấp hơn kỳ bầu cử 2017.