Bầu cử Quốc hội và HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021 có rất nhiều điểm mới

Việt Nam đã trải qua 70 năm với 13 lần bầu cử Quốc hội, vì vậy, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, công tác chuẩn bị cho bầu cử cũng như hoạt động bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 không phải là công việc xa lạ với cử tri cả nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia

“Nhưng kỳ bầu cử lần này thực hiện theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND năm 2015 có rất nhiều điểm mới. Đặc biệt, vai trò của Hội đồng Bầu cử quốc gia được luật hóa và phải do Quốc hội thành lập (theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997, Hội đồng Bầu cử quốc gia do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập), có từ 15 đến 21 thành viên gồm Chủ tịch, các phó chủ tịch và ủy viên là đại diện Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số cơ quan, tổ chức hữu quan. Trong đó, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia do Quốc hội bầu, miễn nhiệm; các thành viên còn lại của Hội đồng cũng phải được Quốc hội phê chuẩn theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia nên trách nhiệm hết sức nặng nề”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho biết.

Về mức độ thành công của kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, phụ thuộc rất lớn vào tinh thần, trách nhiệm và nỗ lực của từng thành viên Hội đồng Bầu cử, từng thành viên trong các bộ máy giúp việc cho Hội đồng, cùng các cơ quan đảng, Nhà nước từ Trung ương tới địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội.

“Trọng trách của Hội đồng Bầu cử quốc gia vô cùng lớn như tổ chức bầu cử; chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử HĐND các cấp; chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử; chỉ đạo công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử… Ngoài ra, Hội đồng Bầu cử còn chịu trách nhiệm nhận và xem xét hồ sơ của người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang, cơ quan nhà nước ở Trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội; nhận hồ sơ và danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội do ủy ban bầu cử cấp tỉnh gửi đến. Hội đồng còn phải chịu trách nhiệm gửi danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của những người được các tổ chức kể trên giới thiệu ứng cử đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để thực hiện việc hiệp thương; giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử; chuyển giao hồ sơ, khiếu nại, tố cáo liên quan đến những người trúng cử đại biểu Quốc hội cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội; quản lý và phân bổ kinh phí tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội...  nên công việc vô cùng lớn, trách nhiệm cũng vô cùng lớn”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Công tác thông tin, tuyên truyền để người dân và cử tri cả nước hiểu được ý nghĩa của của cuộc bầu cử; quyền và trách nhiệm của cử tri đối với cuộc bầu cử được coi là vô cùng quan trọng. Vì vậy, theo Phó thủ tướng, kiêm Phó chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, ông  Nguyễn Xuân Phúc, việc thành lập tổ giúp việc về thông tin tuyên truyền, quản trị trang thông tin điện tử (trực thuộc Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia) là vô cùng cần thiết, nhưng phải làm rõ trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành của tiểu ban này cũng như các tiểu ban chức năng khác trực thuộc Văn phòng.

Trong khi đó, theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kiêm Phó chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, ông Nguyễn Thiện Nhân, vấn đề nhân sự của Quốc hội vô cùng quan trọng, vì thế công tác này cá nhân (Tổ trưởng) chịu trách nhiệm điều hành, quản lý chung và chịu trách nhiệm trước Hội đồng Bầu cử quốc gia, nhưng mọi vấn đề liên quan đến nhân sự phải được quyết định bởi Hội đồng, chứ không giao cho bất cứ cá nhân nào quyết định.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục