Bất thường vụ kiện giữa POSCO VST và Thành Nam

(ĐTCK) Vụ kiện này kéo dài đã 4 năm nhưng chưa một lần được xem xét về nội dung, mà chỉ được xem xét về thời hiệu khởi kiện còn hay hết. Bị đơn CTCP Tập đoàn Thành Nam cho biết, rất mong tòa án sớm xét xử để làm rõ bản chất vụ việc, tránh ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh doanh nghiệp.

Vụ kiện kéo dài...

Như Báo Đầu tư Chứng khoán đã phản ánh, vào tháng 5/2018, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ kiện tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa nguyên đơn là Posco VST và bị đơn là CTCP Tập đoàn Thành Nam.  

Tòa cấp sơ thẩm đã quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vì cho rằng, thời hiệu khởi kiện đã hết. Tuy nhiên, cấp phúc thẩm cho rằng, thời hiệu khởi kiện của vụ án vẫn còn khi hai bên có biên bản xác nhận công nợ vào năm 2015. Từ đó, cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm, giao cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục chung.

Mới đây, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã quyết định rút hồ sơ vụ án để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm. Vụ án khiến dư luận quan tâm bởi tranh chấp mua bán hàng hóa này đã bị kéo dài nhiều năm và phải chuyển về Tòa án cấp tỉnh giải quyết, thay vì Tòa án cấp huyện như quy định.

Được biết, Công ty Thành Nam là nhà cung cấp thép lớn tại Việt Nam và sản phẩm thép của Công ty có mặt tại nhiều thị trường nước ngoài như Hàn Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh...

Quá trình hoạt động, Công ty Thành Nam có nhiều giao dịch mua bán hàng hóa với Posco VST. Từ 2010 đến 2013, hai bên đã ký kết rất nhiều hợp đồng mua bán mặt hàng thép không gỉ. Đến cuối năm 2013, hai bên có vướng mắc về việc xác nhận nợ dẫn đến Posco VST khởi kiện đòi hơn 58 tỷ đồng.

Cho đến nay, Posco VST đã 3 lần đệ đơn khởi kiện khách hàng. Tháng 3/2014, Posco VST lần đầu đệ đơn khởi kiện CTCP Tập đoàn Thành Nam lên Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm đòi hơn 58 tỷ đồng. Đơn khởi kiện đã bị Tòa án trả lại vì lý do không bổ sung đầy đủ tài liệu theo yêu cầu.

Tháng 3/2015, Posco VST đệ đơn khởi kiện lần 2. Tòa án đã thụ lý và tiến hành giải quyết vụ án. Nhưng khi đưa vụ án ra xét xử, đại diện Posco VST nhiều lần vắng mặt. Tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với lý do, nguyên đơn từ bỏ việc khởi kiện (triệu tập hợp lệ lần 2 nhưng vắng mặt không có lý do chính đáng).

Đến tháng 11/2016, Posco VST lại một lần nữa có đơn khởi kiện. Lần này, Tòa án cấp sơ thẩm đã đưa vụ án ra xét xử và ra quyết định đình chỉ vụ án, vì quá thời hiệu khởi kiện.

Như đã nêu trên, đến tháng 5/2018, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã xét xử phúc thẩm, quyết định hủy bản án sơ thẩm yêu cầu giải quyết lại.

Tại phiên tòa phúc thẩm tháng 5/2018, Posco VST cho rằng, doanh nghiệp bị làm khó dễ khi khởi kiện. Còn phía bị đơn là CTCP Tập đoàn Thành Nam lại bức xúc vì Posco VST với tư cách nguyên đơn nhiều lần vắng mặt tại các phiên xét xử. Thậm chí, còn làm “giả hồ sơ, bệnh án” để “trốn tránh” tham gia phiên tòa. Do vậy, vụ án kéo dài gần 4 năm nay vẫn chưa từng được xét xử về nội dung mà chỉ được xem xét về thời hiệu khởi kiện còn hay hết.

Xác nhận công nợ thế nào cho đúng?

Theo nguyên đơn Posco VST, nguồn gốc khoản công nợ trên xuất phát từ hoạt động mua bán hàng hóa trong thời gian từ 2010 đến 2013 giữa Thành Nam và Posco VST. Quá trình mua bán, các bên thực hiện thanh toán theo phương thức cộng dồn, sau một thời gian, hai bên tiến hành đối chiếu và xác nhận giá trị công nợ.

Ngày 3/6/2013, hai bên đã có biên bản đối chiếu công nợ. Đến ngày 27/11/2013, kế toán trưởng hai bên có buổi làm việc, thống nhất và xác nhận công nợ thể hiện tổng số tiền Tập đoàn Thành Nam còn phải trả cho Posco VST là 58 tỷ đồng.

Phía Công ty Thành Nam cho rằng, theo quy trình mua bán hàng hóa giữa các bên, thì Posco VST sẽ xuất hóa đơn trước rồi mới giao hàng sau. Vì thế, Biên bản đối chiếu công nợ được ký bởi kế toán trưởng của hai công ty vào ngày 27/11/2013 đã được ghi rõ là “nợ theo hóa đơn bán hàng” và “hai bên tiếp tục làm rõ số liệu trên”. Tức là số nợ 58 tỷ đồng được ghi nhận trên các hóa đơn mà phía Posco VST đã xuất, không dựa trên số lượng hàng hóa giao nhận thực tế.

Theo Công ty Thành Nam, Công ty chưa nhận được hàng hóa, nên không thể có công nợ thực tế. Bản chất là hai bên chưa xác định được một cách chính xác qua một lần đối chiếu công nợ, nên mới phải ghi rõ “hai bên tiếp tục phải làm rõ số liệu”.

Chờ một phiên toà khách quan, đúng pháp luật

Trước việc tranh chấp kéo dài, đại diện Công ty Thành Nam cho biết, Công ty thực sự mong đợi một phiên toà xét xử khách quan, công bằng, đúng bản chất vấn đề để sớm giải quyết vụ việc, tránh ảnh hưởng tới uy tín doanh nghiệp.

Theo Công ty Thành Nam, vụ việc bị kéo dài đã khiến Công ty bị phương hại về kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín, hình ảnh của Công ty trên thị trường.

Công ty này cho rằng, đây là một vụ kiện đòi nợ không có thực, bởi số tiền đòi nợ không dựa trên hợp đồng, hóa đơn cụ thể và thực tế phía Công ty Thành Nam chưa được nhận hàng. Thậm chí, Posco VST không thể xác định khoản nợ trên phát sinh từ Hợp đồng nào, hóa đơn nào.  

“Phía Posco VST không thể cung cấp biên bản giao nhận hàng hóa theo yêu cầu của Thành Nam khi khởi kiện. Vậy, số hàng hóa Posco VST ghi trong hóa đơn xuất cho Thành Nam đã đi đâu?”, đại diện Công ty Thành Nam đặt vấn đề.

Liên quan đến vụ kiện này, Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục phản án vụ việc khi có diễn biến mới.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục