Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023 diễn ra chiều 6/12, báo chí đặt câu hỏi với UBND TP. Hà Nội về việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ làm rõ có hay không việc nâng giá đấu thầu vụ trúng giá 3 mỏ cát thu về 1.700 tỷ đồng xảy ra trên địa bàn thời gian qua.
"Có hay không sự bất thường khi giá trúng đấu giá cao gấp vài trăm lần giá khởi điểm? Thủ tướng đã chỉ đạo UBND TP. Hà Nội kiểm tra, rà soát và báo cáo trước 21/11 nhưng đến nay đã quá nửa tháng, vì sao Hà Nội vẫn chưa thực hiện xong nhiệm vụ này?", câu hỏi được gửi tới lãnh đạo UBND TP. Hà Nội.
Trả lời vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, Hà Nội đã có chỉ đạo giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, cùng với các sở: Tư pháp, Xây dựng, Công thương, Công an Thành phố và các đơn vị liên quan rà soát ngay toàn bộ quá trình khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ, lập hồ sơ và đấu giá quyền khai thác 3 mỏ Liên Mạc, Châu Sơn và Tây Đằng - Minh Châu.
Theo đó, ông Hải thông tin, ngày 17/11, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có báo cáo Thành phố về kết quả, nhưng do đây là nội dung lớn, quan trọng, liên quan nhiều lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, nên công tác kiểm tra cần có thời gian đánh giá, đặc biệt là nghiên cứu xem xét để đánh giá cụ thể nội dung theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Cũng theo ông Hải, lãnh đạo Thành phố đã giao Thanh tra TP. Hà Nội chủ trì, phối hợp cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở: Tư pháp, Xây dựng, Công thương, Công an TP, tiếp tục kiểm tra, rà soát, đánh giá cụ thể báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Lý giải về việc quá hạn Thủ tướng giao nhưng công việc chưa hoàn thành, lãnh đạo Hà Nội giải thích do cần có thời gian để tổng hợp, nghiên cứu, xem xét chi tiết nên ngày 29/11, Hà Nội đã có văn bản, kiến nghị Thủ tướng cho phép UBND TP gia hạn báo cáo đến trước ngày 15/12.
"Văn phòng UBND TP. Hà Nội đang đôn đốc các đơn vị để có báo cáo kịp thời với Thủ tướng trước ngày 15/12. Khi có kết quả báo cáo Thủ tướng, UBND Thành phố sẽ tiếp tục cung cấp thông tin", ông Hải cho hay.
Mỏ cát Châu Sơn ở ven sông Hồng, một trong ba mỏ cát vừa trúng đấu giá với giá trúng cao bất thường - Ảnh: Nguyễn Hải |
Trước đó, báo chí đưa tin về việc, Trung tâm Phát triển quỹ đất - Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết đã hoàn thành việc tổ chức đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát trên địa bàn Hà Nội với tổng số tiền trúng giá gần 1.700 tỷ đồng.
Cụ thể, mỏ cát Châu Sơn (xã Châu Sơn, huyện Ba Vì) có trữ lượng cát được cấp quyền khai thác là hơn 703.500m3. Giá khởi điểm được đưa ra là hơn 2,8 tỷ đồng. Qua 89 vòng đấu giá, ban tổ chức xác định được giá trúng là gần 397 tỷ đồng, gấp hơn 137 lần giá khởi điểm.
Mỏ thứ hai ở Liên Mạc (phường Thượng Cát và Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm) có trữ lượng cát 508.603m3. Giá khởi điểm hơn 2 tỷ đồng. Sau 53 vòng, giá đấu trúng là hơn 408 tỷ đồng, gấp gần 200 lần giá khởi điểm.
Mỏ thứ ba Tây Đằng - Minh Châu (xã Minh Châu và xã Chu Minh, huyện Ba Vì) có trữ lượng cát khai thác 4.899.000m3, giá khởi điểm là hơn 19 tỷ đồng, giá đấu trúng là gần 884 tỷ đồng, gấp gần 46 lần giá khởi điểm.
Sau khi báo chí phản ánh vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính có công điện chỉ đạo Chủ tịch Hà Nội rà soát ngay toàn bộ quá trình khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ, làm hồ sơ và tổ chức đấu giá cấp quyền khai thác 3 mỏ cát Liên Mạc, Châu Sơn và Tây Đằng - Minh Châu trên địa bàn.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật, tuyệt đối không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý hoạt động đấu giá để trục lợi, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm. Kết quả xử lý việc này phải báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/11.
Liên quan đến vấn đề trên, tại phiên thảo luận hội trường Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV sáng 28/11 về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, nhiều đại biểu Quốc hội khi đề xuất xử lý nặng hành vi nâng giá đấu giá cao rồi bỏ cọc gây nhiễu loạn thị trường đã nêu ví dụ về việc đấu giá ba mỏ cát này.
Trước đó, hồi tháng 1/2022, công ty thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã trúng đấu giá lô đất Thủ Thiêm (TP.HCM) với giá 24.500 tỷ đồng, gấp 8,3 lần giá chào, đưa đơn giá mỗi m2 lô đất này lên ngưỡng 2,43 tỷ đồng. Đây là mức giá đất cao nhất TP.HCM và lập đỉnh tại thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên sau đó, công ty này tuyên bố bỏ cọc. Vụ việc gây nhiễu loạn thị trường bất động sản và để lại nhiều hệ luỵ về kinh tế xã hội...
Hiện dư luận đang chờ đợi các cá nhân, pháp nhân trúng giá 3 mỏ cát ở Hà Nội có hoàn thành nghĩa vụ tài chính sau khi trúng đấu giá hay không.