Cơ hội đầu tư ngày càng rộng mở, nhưng để dòng vốn chảy mạnh, đặc biệt là chảy vào sàn có tuổi đời non trẻ nhất là UPCoM, cần sự nỗ lực từ nhiều phía, nhất là từ DN và nhà quản lý thị trường.
7 năm hoạt động theo mô hình Sở GDCK của HNX cũng đồng thời đánh dấu 7 năm thị trường giao dịch cổ phiếu công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) chính thức đi vào hoạt động. Số liệu từ HNX cho biết, tính đến ngày 22/6/2016, sàn UPCoM có trên 300 DN đăng ký giao dịch cổ phiếu, với tổng giá trị theo mệnh giá gần 70.000 tỷ đồng, tổng khối lượng cổ phiếu đăng ký giao dịch đạt hơn 6.947 triệu cổ phiếu. Sau 7 năm, quy mô vốn hóa sàn UPCoM đạt trên 108.000 tỷ đồng, gấp 25 lần so với vốn hóa tại thời điểm cuối năm 2009.
Trong cuộc gặp mặt các thành viên đầu năm 2016 tại HNX, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020, cũng là năm đánh dấu sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào khu vực và thế giới thông qua cộng đồng kinh tế ASEAN và Hiệp định TPP. “Trong bối cảnh đó, nền kinh tế và TTCK nước ta mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức, đang đứng trước không ít cơ hội, tiềm năng để tiếp tục phát triển. Trong đó, vai trò của TTCK trong giai đoạn phát triển sắp tới là rất quan trọng và sàn UPCoM đóng vai trò như một mắt xích quan trọng trong sự vận hành của TTCK”, Bộ trưởng nói.
Thực tế, với việc tăng quy mô, thanh khoản của sàn UPCoM tính đến giữa tháng 6/2016 cũng tăng đáng kể, đạt gần 130 tỷ đồng/phiên. Với quy định pháp lý hiện hành, số DN đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM dự báo sẽ còn tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm 2016. Số lượng DN đại chúng lên sàn UPCoM tăng nhanh là điều đáng mừng, nhưng nhìn nhận một cách tổng quan cho thấy, vẫn còn nhiều DN dù đã cổ phần hóa nhiều năm nay, nhưng vẫn đang ở “ngoài sàn”. Ngoài biện pháp phổ cập pháp lý để thúc đẩy DN có ý thức thực hiện nghĩa vụ đưa cổ phiếu lên sàn, để các DN đại chúng tuân thủ pháp lý một cách nghiêm túc, thị trường chờ đợi nhà quản lý có các chế tài dành cho những DN cố tính chây ỳ, không thuân thủ quy định pháp lý.
Với các DN hoạt động chưa hiệu quả, tâm lý thông thường là không muốn lên sàn, nhưng trên phương diện bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, DN đại chúng đưa cổ phiếu lên sàn là nghĩa vụ cần phải thực hiện, để cổ đông, nhà đầu tư có nơi giao dịch và việc công bố thông tin của DN được giám sát bởi cơ quan quản lý. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực thúc DN đại chúng vào sàn, nhà quản lý rất cần đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN học tập, tiếp cận các chuẩn mực quản trị tiên tiến, để cải thiện hiệu quả kinh doanh. Chỉ khi DN có kết quả kinh doanh vững vàng và bật sáng, thì mới có sức hấp dẫn với các dòng vốn, nhất là các dòng vốn chất lượng, đến từ các tổ chức đầu tư.
Trên 370 DN niêm yết, 300 DN có cổ phiếu giao dịch trên UPCoM và nhiều loại trái phiếu chính phủ trên HNX là những hàng hóa nhà đầu tư dễ dàng giao dịch. Lãnh đạo HNX cho biết, HNX đã và sẽ tạo mọi điều kiện, cung cấp các dịch vụ, hỗ trợ DN và nhà đầu tư tham gia. Nếu các DN cùng nghiêm túc tuân thủ quy định, thực thi văn hóa công khai - minh bạch, quản trị tốt và hoạt động hiệu quả, chắc chắn dòng vốn sẽ chảy mạnh hơn trong tuổi mới của HNX, tuổi mới của UPCoM.