Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý nhà đầu tư nên tránh “đua” theo vì rủi ro sẽ rất cao.
Èo uột vẫn tăng ầm ầm
Phiên giao dịch ngày 30-3, cổ phiếu CSG của Công ty CP Cáp Sài Gòn đã tăng trần phiên thứ hai liên tiếp, khớp lệnh hơn 300.000 cổ phiếu, dư mua trần 200.000 cổ phiếu khiến không ít nhà đầu tư ngạc nhiên. Bởi mới vài ngày trước, HĐQT công ty đã nhất trí thông qua việc xây dựng phương án giải thể, thanh lý tài sản trình đại hội cổ đông.
Hiện nhiều nhà đầu tư đang đặt câu hỏi về hiện tượng VSP (cổ phiếu của Công ty CP Vận tại biển và bất động sản Việt Hải) vì đã lỗ liên tiếp 3 năm và đang chờ kết quả báo cáo kiểm toán.
Nếu kết quả kiểm toán không có gì thay đổi thì công ty sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc. Thế nhưng, 5 phiên liên tiếp vừa qua, VSP đã tăng trần liên tục, kéo giá cổ phiếu từ 3.400 đồng/cổ phiếu lên 4.400 đồng/cổ phiếu. Tuy vậy, ngay trong ngày 30-3, HĐQT công ty chính thức lên tiếng sẽ trình đại hội cổ đông sắp tới việc tự nguyện hủy niêm yết trên sàn Hà Nội, chuyển sang sàn UPCoM. Ngay lập tức, cổ phiếu này đã giảm sàn.
Một trường hợp khác là cổ phiếu SBS của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn Thương Tín (SBS). Cuối tháng 3, cổ phiếu này đã tăng trần 10 phiên liên tiếp, trong khi đây là cổ phiếu lỗ nặng, nhiều thành viên HĐQT đã bán ra gần hết.
Theo giải trình của đại diện SBS, cổ phiếu này tăng mạnh là do công ty đã phát hành thành công 800 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi, có quỹ tiền mặt hơn 500 tỉ đồng… Ngoài ra, đại diện SBS còn cho rằng việc giá cổ phiếu SBS tăng trần nhiều phiên do xu hướng thị trường, đồng thời là do nhà đầu tư tin tưởng vào năng lực phát triển của công ty. Tuy nhiên, chỉ ngay sau đó, SBS lại giảm sàn…
Đừng “đùa” với lửa
Một chuyên gia chứng khoán phân tích: Hiện tượng các cổ phiếu thua lỗ nặng nhưng vẫn tăng trần nhiều khi vẫn xuất hiện trên thị trường chứng khoán. Do hầu hết cổ phiếu này hiện đang nằm dưới mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu), vì vậy với quy định bước giá là 100 đồng/cổ phiếu và biên độ ± 5% hay 7% thì rất dễ bị đẩy tăng trần hoặc giảm sàn.
Trong thực tế, việc nhà đầu tư “liều” để có khi được “ăn nhiều” vẫn thường xảy ra trên thị trường chứng khoán. Vì vậy nên khi có một chút hy vọng nào đó, có thể làm cho giá cổ phiếu của những công ty này “lội ngược dòng”, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng lao vào. Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư chuyên nghiệp, điều này rất rủi ro, có khi mất trắng.
“Riêng với những cổ phiếu lỗ triền miên và có nguy cơ bị hủy niêm yết thì nhà đầu tư không nên mua vì không có kỳ vọng nhiều. Đặc biệt, nếu công ty hủy niêm yết, nhà đầu tư lỡ mua sẽ phải chịu “chôn” vốn vì thanh khoản thấp” - Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Rồng Việt, ông Nguyễn Hắc Hải, khuyến cáo.
Một nhân viên môi giới chứng khoán cho rằng: Nếu muốn mua những mã cổ phiếu thua lỗ, nhà đầu tư cần xem xét rõ nguyên nhân. Cũng có khi những cổ phiếu thua lỗ là do trích lập dự phòng rủi ro, trong khi hoạt động kinh doanh của công ty vẫn bình thường và giá cổ phiếu đang rẻ thì có thể xem xét mua vào.
Thực tế, quan sát thị trường trong thời gian gần đây có một dòng tiền nóng tập trung vào một số mã cổ phiếu penny, kể cả những mã cổ phiếu thua lỗ. Tuy nhiên, một, hai phiên gần đây, lực bán ra tại các mã này đã tăng mạnh nhằm chốt lời. Nhà đầu tư nhỏ lẻ ôm vào sau, chưa kịp “thoát hàng” đành chịu thiệt.