Tuy nhiên, trong Quyết định số 34/2008/QĐ-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 457/2005/QĐ-NHNN ngày 19/4/2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, mà cụ thể Điều 17 được sửa đổi, bổ sung như sau: "Tổng mức góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng và các công ty trực thuộc của tổ chức tín dụng trong cùng một doanh nghiệp, quỹ đầu tư, dự án đầu tư, tổ chức tín dụng khác không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp, quỹ đầu tư, dự án đầu tư, tổ chức tín dụng đó".
Vấn đề ở chỗ, khi công ty chứng khoán là công ty con của một ngân hàng, cùng công ty mẹ đầu tư vào một doanh nghiệp khác thì công ty chứng khoán được phép đầu tư theo tỷ lệ nào?
Thực tế đặt ra là khi ngân hàng và công ty chứng khoán cùng đầu tư (ví dụ, tỷ lệ đầu tư của công ty chứng khoán là 13%; ngân hàng là 3% trong phần vốn điều lệ của công ty khác), theo Quyết định 34/2008/QĐ-NHNN thì "tổ chức tín dụng đã góp vốn, mua cổ phần vượt các mức quy định thì không được tiếp tục góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, quỹ đầu tư, dự án đầu tư, tổ chức tín dụng khác, cấp vốn điều lệ cho công ty trực thuộc cho đến khi tuân thủ các tỷ lệ quy định", tức là phải giảm xuống còn 11%.
Trong trường hợp ngân hàng giảm vốn góp, công ty chứng khoán thì không, vì công ty chứng khoán căn cứ vào Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC, còn ngân hàng căn cứ vào Quyết định số 34/2008QĐ-NHNN thì vấn đề được giải quyết ra sao?
Và nếu công ty chứng khoán chấp nhận chủ trương của công ty mẹ là giảm tỷ lệ đầu tư thì sau khi làm thủ tục giảm vốn để đảm bảo đúng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, công ty chứng khoán vẫn có thể góp vốn vào công ty kia theo tỷ lệ 15%? Chưa kể, trong thời gian này, công ty cần vốn nên đã chấp nhận vốn góp của một công ty khác mà không phải là công ty chứng khoán thì thiệt hại này, ai chịu?