Bất ngờ với đề xuất tăng thuế chuyển nhượng vốn

(ĐTCK) Bộ Tài chính vừa đề xuất phương án sửa đổi quy định mức thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân và từ chuyển nhượng chứng khoán chưa niêm yết, hoặc chưa đăng ký giao dịch tại sở giao dịch chứng khoán ở mức 2% trên giá chuyển nhượng, dù mức 1% như phương án trước đây cũng đã bị coi là cao.

Hiện tượng né thuế

Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng vốn được xác định bằng giá bán trừ giá mua và các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn. Đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán, thu nhập chịu thuế được xác định là giá chuyển nhượng từng lần.

Luật này quy định, thu nhập từ chuyển nhượng vốn nộp thuế theo mức thuế suất 20%, thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán nộp theo mức thuế suất 0,1%. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân không cư trú nộp thuế với thuế suất 0,1% trên số tiền mà cá nhân không cư trú nhận được từ việc chuyển nhượng phần vốn.

Qua thực tế áp dụng các quy định trên, tại dự thảo Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế tài nguyên và Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính đánh giá, hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán chưa niêm yết, hoặc chưa đăng ký giao dịch tại sở giao dịch chứng khoán rất khó kiểm soát giá chuyển nhượng và chi phí liên quan. Đại đa số trường hợp cá nhân chuyển nhượng vốn đều khai chênh lệch bằng 0, dẫn đến thất thu thuế.

Việc sửa đổi quy định về thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân lần này, theo Bộ Tài chính, là để phù hợp với thực tế, đơn giản, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và cơ quan thuế.

Vì sao đề xuất thuế 2% trên giá trị chuyển nhượng?

Liên quan đến hướng sửa đổi quy định về thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi tỷ lệ phần trăm thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu đối với hoạt động chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài là 2%.

Bộ này cũng đề xuất sửa đổi quy định mức thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân (cư trú và không cư trú) và từ chuyển nhượng chứng khoán chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch tại sở giao dịch chứng khoán ở mức 2% trên giá chuyển nhượng; mức thuế suất 0,1% chỉ áp dụng đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán niêm yết hoặc đăng ký giao dịch tại sở giao dịch chứng khoán.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật bỏ quy định kỳ tính thuế theo năm đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán của các nhân cư trú tại Điều 7, Luật Thuế thuế thu nhập cá nhân để phù hợp với quy định thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán nộp thuế theo từng lần chuyển nhượng, không quyết toán lại theo năm như quy định tại Khoản 5, Khoản 7, Điều 2, Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế.

Mức thuế suất 2% trên giá chuyển nhượng áp dụng đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân và từ chuyển nhượng chứng khoán nêu trên là tăng gấp đôi so với dự thảo Luật được Bộ Tài chính công bố hồi tháng 8/2017. Tại thời điểm đó, mức thuế suất 1% đã bị nhiều chuyên gia, nhà đầu tư than phiền là cao, nên đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh về mức hợp lý hơn. Trước động thái bất ngờ, đề xuất tăng mức thuế suất lên gấp đôi, người viết đã liên hệ với ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính để tìm hiểu lý do, nhưng ông Thi cáo bận, chưa trả lời.

Cao và bất hợp lý

Theo lãnh đạo một công ty chứng khoán đang niêm yết, mức thuế suất 2% là cao. Cùng là giao dịch chứng khoán của công ty cổ phần, nhưng chỉ khác nhau là đã niêm yết hay chưa niêm yết mà mức thuế suất như đề xuất của Bộ Tài chính là quá chênh lệch. Ngoài ra, chuyển nhượng chứng khoán và chuyển nhượng vốn không khác nhau, bởi trên thực tế, chuyển nhượng chứng khoán là một phần trong hoạt động chuyển nhượng vốn.

Hiện chuyển nhượng vốn được hiểu là hoạt động chuyển nhượng vốn góp trong công ty TNHH, công ty hợp danh, tổ chức kinh tế... Còn chuyển nhượng chứng khoán là hoạt động chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định của Luật Chứng khoán; chuyển nhượng cổ phần của các cá nhân trong công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Hoạt động chuyển nhượng vốn bị đánh thuế 2% trên giá trị chuyển nhượng từng lần, nhưng mức thuế đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán là 0,1% trên giá trị chuyển nhượng từng lần, là sự phân biệt đối xử không hợp lý, không bình đẳng. Đó là chưa kể sự bất hợp lý khác, chẳng hạn một nhà đầu tư chuyển nhượng vốn thu về 100 tỷ đồng và trên thực tế đang bị lỗ, nhưng vẫn phải đóng 2 tỷ đồng tiền thuế nếu áp dụng như phương án Bộ Tài chính đề xuất.

Mặt khác, thuế đánh vào hoạt động chuyển nhượng vốn cao gấp 20 lần so với thuế đánh vào hoạt động chuyển nhượng chứng khoán, nên có thể dẫn đến tình trạng lách luật. Đó là bên chuyển nhượng vốn sẽ tìm cách chuyển từ loại hình công ty TNHH thành công ty cổ phần để được hưởng mức thuế suất thấp hơn. Hệ quả là Nhà nước vẫn không chống được thất thu thuế, mà còn gây phiền toái cho bên chuyện nhượng vốn, cũng như các cơ quan liên quan.

“Bộ Tài chính nên xem xét áp dụng mức thuế suất 0,1% trên giá trị chuyển nhượng từng lần đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, tương tự như với chuyển nhượng chứng khoán”, lãnh đạo công ty chứng khoán trên nói.

Ở một góc nhìn khác, phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho rằng, trước thực trạng hoạt động chuyển nhượng cổ phiếu chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch kém minh bạch như hiện tại, nhất là tình trạng hai bên mua bán với nhau một giá, nhưng kê khai một giá khác để trốn thuế, vấn đề quan trọng đặt ra với cơ quan thuế cũng như các bên liên quan là làm sao kiểm soát được giá chuyển nhượng thực tế.

Kể cả tăng thuế suất lên cao, nhưng các bên mua bán kê khai giá thấp, thì Nhà nước vẫn khó thu được thuế. Ngược lại, ngay cả khi quy định mức thuế suất thấp, nhưng nếu có cơ chế kiểm soát được giá chuyển nhượng cổ phần, cũng như chế tài phạt nặng những trường hợp kê khai giá chuyển nhượng không thật, thì vẫn thu được thuế cho Nhà nước.

Tại Hội nghị tổng kết năm 2017, triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2018 do Bộ Tài chính vừa tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra một trong những điểm yếu của ngành tài chính nói chung, ngành thuế nói riêng là cơ chế về thu ngân sách nhà nước hiện vẫn tư duy theo hướng coi trọng việc tăng thuế suất (việc tăng thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân và từ chuyển nhượng chứng khoán chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch tại sở giao dịch chứng khoán là một ví dụ - PV) hơn là mở rộng cơ sở thuế.

Trong khi đó, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh, đã xuất hiện nhiều hình thức kinh tế, thương mại, dịch vụ mới như kinh tế liên kết toàn cầu, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, dịch vụ điện tử, cụ thể là các loại hình Uber, Grab, du lịch trực tuyến, bán hàng qua mạng Facebook... Đây là những “mỏ vàng” để mở rộng cơ sở thuế, nhưng Việt Nam chậm nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, lúng túng trong hoạch định chính sách để quản lý và khai thác các nguồn thu này.

Thủ tướng chỉ đạo, phải coi trọng việc mở rộng cơ sở thuế kết hợp với điều chỉnh thuế suất theo lộ trình phù hợp, không gây ảnh hưởng đến thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Ngành tài chính phải rà soát lại các quy định về chính sách thuế hiện hành, so sánh, đối chiếu với các quy định, chuẩn mực của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Liên hợp quốc để việc sửa đổi, hoàn thiện các luật thuế lần này theo kịp, tương thích với quy định quốc tế.

Trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán phát triển để tiếp sức cho quá trình đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, ý kiến từ các thành viên thị trường cho rằng, Bộ Tài chính cần tham mưu, đề xuất với Chính phủ để kiến nghị với Quốc hội hệ thống giải pháp ưu đãi về thuế đối với các hoạt động chuyển nhượng vốn, chứng khoán, thay vì tăng thuế như phương án trên.

Tân Văn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục