Bất ngờ với cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với đà tăng tích cực từ đầu năm tới nay, cổ phiếu FPT đang là đối tượng được đa phần nhà đầu tư nước ngoài thực hiện chốt lời. Đáng chú ý, dự báo các ETF nội sẽ bán ra hàng loạt cổ phiếu trong kỳ cơ cấu tới, trong đó FPT bị bán ra nhiều nhất.
Bất ngờ với cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh

Khối ngoại chốt lời cổ phiếu FPT

Khối ngoại duy trì việc bán ròng và tăng dần cả về khối lượng và giá trị ròng trong tháng 6. Tính đến cuối tháng, thị trường ghi nhận khối ngoại bán ròng với giá trị 15.077 tỷ đồng, tăng 15,3% so với tháng 5. Theo đó, khối ngoại giảm tỷ lệ sở hữu từ 17,66% xuống 17,24% - tương ứng giảm 2,38% so với đầu tháng.

Theo Công ty Chứng khoán TPS, không phải khối ngoại bán mạnh ở Việt Nam do lo ngại thị trường Việt Nam, mà đây là xu hướng dịch chuyển toàn cầu trong giai đoạn chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt. Điều này tạo ra cơ hội cho dòng vốn quay lại tích cực hơn ở các thị trường mới nổi khi Fed bắt đầu xu hướng giảm lãi suất từ 2025.

Các cổ phiếu, chứng chỉ quỹ có giá trị bán ròng cao nhất trong tháng 6 lần lượt là: FPT (bán ròng 4.948 tỷ đồng), FUEFVND (bán ròng 2.303 tỷ đồng) và VHM (bán ròng 1.584 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng mạnh tay cổ phiếu MBB với giá trị mua ròng lên đến 5.050 tỷ đồng, tiếp đến là MSN (+3.532 tỷ đồng) và HAH (+3.306 tỷ đồng).

Nếu tính từ đầu năm, khối ngoại đã bán ròng 7.556 tỷ đồng cổ phiếu FPT, theo số liệu của FiinTrade, xếp thứ 3 trong danh sách bị bán mạnh nhất tại thị trường Việt Nam.

Diễn biến bán ra - mua vào các cổ phiếu của khối ngoại trong tháng 6

Diễn biến bán ra - mua vào các cổ phiếu của khối ngoại trong tháng 6

Với đà tăng tích cực từ đầu năm tới nay, cổ phiếu FPT đang là đối tượng được đa phần nhà đầu tư nước ngoài thực hiện chốt lời. Đáng chú ý, dự báo các ETF nội sẽ bán ra hàng loạt cổ phiếu trong kỳ cơ cấu tới trong đó FPT bị bán ra nhiều nhất với 1,55 triệu đơn vị, theo ước tính của SSI.

Cụ thể, Bộ chỉ số HOSE-Index, VNX-Index cùng các chỉ số đầu tư bao gồm VNDiamond, VNFin Lead và VNFIN Select sẽ thực hiện tái cơ cấu danh mục trong thời gian tới với ngày công bố 15/7 và ngày hoàn thành cơ cấu danh mục 2/8.

Kịch bản tháng 7

Tháng 7, theo các chu kỳ giao dịch hàng năm thường không có những biến động mạnh, chỉ duy nhất tháng 7/2023 thị trường ghi nhận mức tăng 9,2 %. Theo TPS, thị trường đang ở giai đoạn vượt kháng cự giống tháng 7/2023 và kỳ vọng thị trường có thể lặp lại quá khứ tăng mạnh trong các táng tới đây.

Thêm vào đó, báo cáo kết quả kinh doanh quý II sẽ được công bố trong tháng 7 và có thể sẽ gây ra các phản ứng phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp lớn. Do đó trong tháng 7, thị trường sẽ xảy ra phân hóa giữa các nhóm ngành.

Chia sẻ câu chuyện đầu tư trong tháng 7, TPS cho biết sẽ tập trung vào các nhóm cổ phiếu sau:

Thứ nhất, nhóm cổ phiếu ngành hóa chất: Vẫn là câu chuyện giá nguyên liệu đầu vào như than, dầu khí dự báo sẽ duy trì ổn định trong năm 2024 giúp các công ty sản xuất phân bón có thể cải thiện biên lợi nhuận. Ngoài ra, các công ty sản xuất phân bón cũng đang triển khai việc xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài như EU, Úc …điều này giúp các doanh nghiệp có thêm thị trường tiêu thụ mới cũng như giải quyết tình trạng dư thừa nguồn cung. Cuối cùng, chính sách điều chỉnh VAT của ngành phân bón được kỳ vọng thông qua trong trong tháng 10 này sẽ mang lại nhiều ích lợi cho ngành.

Thứ hai, nhóm ngành có lợi nhuận chạm đáy hoặc tiếp tục phục hồi trong năm nay như: Bán lẻ , xuất khẩu, thực phẩm...

Thứ ba, nhóm ngành vốn hóa lớn quay trở lại dẫn dắt thị trường: Với việc kỳ vọng thị trường có thể tăng trở lại trong tháng 7 , VN-INDEX cần sự dẫn dắt đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như: chứng khoán, ngân hàng, thép và bất động sản... Các nhóm ngành tăng trưởng sẽ hỗ trợ tốt về cả mặt điểm số lẫn thanh khoản cho thị trường khi tâm lý của nhà đầu tư trung và dài hạn luôn ưu tiên nhóm ngành có vốn hóa lớn.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục