Bất kể rủi ro địa chính trị leo thang, các thị trường mới nổi vẫn ổn định

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các thị trường mới nổi vẫn đang ổn định bất kể căng thẳng leo thang dọc theo biên giới Ukraine, trong bối cảnh các nhà đầu tư theo dõi sát sao hơn tác động của việc các ngân hàng trung ương lớn bắt kịp chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu.
Bất kể rủi ro địa chính trị leo thang, các thị trường mới nổi vẫn ổn định

Từ cổ phiếu đến đồng nội tệ, “túi tiền” của các thị trường mới nổi đang tăng lên. Các ngân hàng trung ương thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ và giá hàng hóa cao đang thúc đẩy giá của hơn một nửa trong số 24 loại tiền tệ của các nước đang phát triển được Bloomberg theo dõi trong năm nay.

Các nhà phân tích đã đưa kỳ vọng lợi nhuận của công ty thuộc thị trường mới nổi lên mức cao nhất trong 8 năm. Và khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư đang được duy trì mạnh mẽ.

Phoenix Kalen, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường mới nổi tại Societe Generale cho biết: “Tài sản của thị trường mới nổi đã khá ổn định trong vài tháng qua khi căng thẳng Nga - Ukraine gia tăng. Càng ngày, Nga càng được xem là một câu chuyện riêng, ngụ ý hạn chế rủi ro lây sang các thị trường mới nổi khác thông qua tâm lý nhà đầu tư”.

Trong khi Phố Wall đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở Moscow và Kyiv, một số nhà quản lý tiền tệ cho rằng, diễn biến quan trọng hơn sẽ là mức độ ảnh hưởng của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và các ngân hàng trung ương chủ chốt khác đến tăng trưởng toàn cầu bằng cách tăng lãi suất và rút lại khoản kích thích khổng lồ được bơm vào hệ thống tài chính kể từ sau đại dịch.

Jack McIntyre, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Brandywine Global Investment Management cho biết: “Động lực lớn sẽ là một cuộc chiến khác - cuộc chiến đó là tăng trưởng toàn cầu so với làn sóng thanh khoản và kích thích tài khóa trong nền kinh tế toàn cầu đang suy giảm. Tuy nhiên, căng thẳng giữa Nga và phương Tây sẽ giảm bớt. Các tài sản ở thị trường mới nổi đã định giá một lượng đáng kể các tin xấu trong thập kỷ qua, do đó chúng tôi không nghĩ rằng sẽ có một sự định giá lại lớn”.

Tuy nhiên, rủi ro địa chính trị sâu sắc hơn vẫn còn hiện hữu. Các dấu hiệu của một cuộc xung đột quân sự kéo dài và nghiêm trọng có thể gây sốc cho thị trường toàn cầu, tăng trưởng và lạm phát. Điều đó đã được nhấn mạnh trong tuần qua khi thị trường bị xáo trộn bởi các báo cáo báo hiệu căng thẳng giảm bớt hoặc leo thang.

Trong khi Nga nói với Mỹ rằng họ không có kế hoạch tấn công, Bộ Quốc phòng Belarus cho biết, Nga và Belarus sẽ kéo dài các cuộc tập trận quân sự chung, dự kiến ​​kết thúc vào Chủ nhật (27/2).

Hầu hết các loại tiền tệ của thị trường mới nổi đều tăng cao hơn vào thứ Hai (21/2) do tin tức về cuộc gặp thượng đỉnh được đề xuất giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Chỉ số MSCI các đồng tiền mới nổi và chỉ số GeoQuant đo lường rủi ro địa chính trị

Chỉ số MSCI các đồng tiền mới nổi và chỉ số GeoQuant đo lường rủi ro địa chính trị

Geoquant, một công ty sử dụng các mô hình máy tính để đánh giá rủi ro chính trị cho biết, rủi ro chính trị ở Nga đã tăng lên mỗi ngày kể từ ngày 7/11. Tuy nhiên, nó trùng hợp với một đợt phục hồi của các loại tiền tệ của thị trường mới nổi đã đưa điểm chuẩn của các đồng tiền này lên mức cao nhất trong 8 tháng. Điều đó cho thấy, sự lạc quan của các nhà đầu tư đối với các đợt tăng lãi suất liên tiếp có thể làm tăng lo ngại về căng thẳng địa chính trị. Trong khi đó, đồng rúp của Nga đã giảm hơn 3% trong năm nay.

Tuy nhiên, giá dầu sẽ tăng vọt nếu Nga xâm lược và điều này có thể dẫn đến chênh lệch hiệu suất giữa các nhà xuất khẩu và nhập khẩu năng lượng ở thị trường mới nổi.

Trong khi đó, các đồng tiền Trung Âu từ Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungary và Romania là một trong những đồng tiền dễ bị tổn thương nhất trước sự leo thang của Nga và có thể bị bán ra nếu tâm lý ngại rủi ro tăng lên trong khu vực.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục