Bắt gà, mất nắm thóc…

(ĐTCK) Khép lại năm Giáp Ngọ với thị trường bất động sản có phần chuyển biến tích cực, năm Ất Mùi này được kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục có chuyển biến tốt hơn nữa, nhưng cùng với đó là những rủi ro chẳng khi nào hết.
Bắt gà, mất nắm thóc…

Ở cửa tòa thì có chuyện gì? Chuyện cảnh giác!

Dù người ta có thể rút ra trăm nghìn bài học khác nhau từ trăm nghìn vụ án thì bao trùm lại vẫn là cảnh giác.

Ấy thế mà cả trăm người vẫn cứ giẫm lên vết chân của người đi trước: Bắt gà chẳng được, mà còn mất nắm thóc.

1 Ngày giáp Tết, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án lừa đảo xảy ra ở Dự án Khu đô thị mới Vân Canh. Một vụ án với 57 bị hại, số tiền bị lừa lên tới 156 tỷ đồng, chưa kể 84 tỷ đồng các bị cáo đã khắc phục cho một số khách hàng khác.

Thông thường, những vụ án như vậy sẽ thu hút sự chú ý của dư luận và đương nhiên các phóng viên pháp đình sẽ dành nhiều thời gian, dung lượng bài viết cho vụ án.

Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, nhắc đến vụ án này, cánh phóng viên không khỏi than một câu: “Lại vụ Vân Canh nữa à?”. Lý do là vì vụ án đã được đưa ra xét xử nhiều lần, hầu như không có nội dung gì mới, nhưng vẫn chưa có được bản án.

Quá trình giải quyết kéo dài tới nỗi, thẩm phán thụ lý đầu tiên đã nghỉ hưu và nay một thẩm phán khác được phân công giải quyết. Khúc mắc khiến cho vụ án không có nổi một phán quyết là ở những thông tin về bị hại. Trong 13 tháng gần đây, vụ án này đã được đưa ra xét xử tới 3 lần. Lần đầu là vào tháng 1/2014, khi đó, Tòa trả hồ sơ, yêu cầu làm rõ số tiền bị thiệt hại của một số cá nhân. Nhiều cá nhân kê khai con số thiệt hại không khớp với số liệu trong hồ sơ.

Lần thứ 2 vào tháng 7/2014, Tòa án đưa ra xét xử và vẫn trả hồ sơ, bởi tại phiên tòa có một số cá nhân khai rằng là bị hại của Lê Thị Kim Oanh (bị cáo chính), cũng bị lừa đảo nhiều tỷ đồng, nhưng không được ghi nhận là bị hại.

Và mới đây nhất, vào tháng 1/2015, khi Tết Nguyên đán Ất Mùi đã cận kề, một lần nữa, phiên tòa được mở. Chỉ sau nửa ngày làm việc, Tòa án lại trả hồ sơ yêu cầu làm rõ về bị hại, một số cá nhân có lời khai bị thiệt hại có trong hồ sơ vụ án, nhưng không được đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là bị hại và một số bị hại khác cần đưa thành quan hệ dân sự. Nói đơn giản thì một số bị hại không phải là bị hại, mà một số người không phải bị hại cần xác định là bị hại.

Đến cánh phóng viên còn thấy “oải”, thì ai cũng hiểu những bị hại trong vụ án mỏi mệt đến đâu. Bà H., một bị hại đã đổ vào Dự án Vân Canh hơn chục tỷ đồng bức xúc nói với phóng viên Đầu tư Bất động sản: “Vụ án không thể đơn giản như thế này được, Oanh với Long (Đặng Quang Long, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Hanhud 8) không phải tự nhiên mà đứng ra bán Dự án Vân Canh thế được. Các bị cáo này phải có sự đồng ý của HUD tổng (Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà đô thị, chủ đầu tư Dự án Vân Canh) thì mới có chuyện Oanh, Long đứng ra bán”.

Thế nhưng, hồ sơ vụ án đã xác định, HUD không có văn bản nào giao cho Hanhud 8 đầu tư triển khai Dự án Vân Canh. Bà H. chưa bằng lòng: “Chưa có văn bản thôi, nhưng có bắt tay ngầm với nhau, HUD đồng ý cả rồi”. Bà còn chỉ ra rằng, nếu không phải như vậy thì làm sao có người mua được dự án này qua Oanh và Long?

Bắt gà, mất nắm thóc… ảnh 1

“Có phải ngu đâu, tôi thấy có người mua được thì tôi mới mua chứ và chắc chắn là phải có bắt tay ngầm…”, bà H. bức xúc.

Bắt tay ngầm thì chẳng biết có hay không, bởi giấy trắng mực đen, trên hồ sơ chứng cứ tài liệu, HUD không có một quyết định, một văn bản, một thỏa thuận nào thể hiện giao Dự án Vân Canh cho Hanhud8 để từ đó, Đặng Quang Long với tư cách là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hanhud8 ra văn bản giao cho Oanh thực hiện dự án. Rồi Oanh đứng ra bán đất liền kề, thu hàng trăm tỷ đồng.

Dù những người theo dõi vụ án rất xót xa và thông cảm cho bà H., cũng như các bị hại khác khi đồng tiền tích góp bao năm qua mất sạch, nhưng quả thực, khi tin vào một thỏa thuận ngầm, nhằm đi tắt đón đầu, có ai từng nghĩ nếu thỏa thuận ngầm đó không thành hiện thực, thì sẽ thành "đón đá" sao?

2 Một vụ án khác, vụ án Lê Hồng Bàng lừa đảo khoảng 350 tỷ đồng của gần 400 bị hại. Mỗi khi vụ án được đưa ra xét xử, hàng trăm bị hại xếp hàng vào dự phiên tòa. Có quá nhiều bị hại ở nhiều tỉnh, thành khác nhau, nên để bảo vệ quyền lợi, họ đã phải cắt cử một nhóm nhỏ, trong đó có một người, cũng là bị hại là ông T., người am hiểu luật pháp đứng đầu, để tổ chức, họp hành, thống nhất các ý kiến, quan điểm khi đến dự phiên tòa.

Khi vụ án có được phán quyết sơ thẩm vào ngày 7/11/2014 (thứ Sáu), ngay Chủ nhật tuần đó, các bị hại đã tổ chức họp để làm đơn kháng cáo. “Phải họp bà con, ký đơn kháng cáo sớm để mọi người còn về”, ông T. cho biết. Nội dung kháng cáo vẫn tập trung vào phần trách nhiệm dân sự và đề nghị giải quyết quyền lợi liên quan đến 81.000 m2 cho các bị hại.

Người mất nhiều, người mất ít, nhưng tính trung bình, mỗi bị hại trong vụ án này mất ngót nghét 1 tỷ đồng. Bản án chung thân cho bị cáo thì đã đành, nhưng điều các bị hại quan tâm nhất là việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt. Ở vụ án này, tài sản còn lại duy nhất mà họ có thể trông chờ chính là 81.000 m2 đất ở xã Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội).

Đây là diện tích đất nông nghiệp mà Bàng nhờ một cá nhân khác đứng ra thu mua, các hồ sơ giấy tờ không thể hiện bên mua là Lê Hồng Bàng, hay Công ty Bất động sản Việt Nam, pháp nhân do Bàng làm đại diện pháp luật, nhưng công ty này có một số chứng từ chi tạm ứng để gom đất. Hơn nữa, Bàng đã đứng ra tổ chức san nền và sau đó còn bị UBND quận Từ Liêm (cũ) xử phạt.

Căn cứ vào những điểm này, các bị hại của vụ án cho rằng, diện tích 81.000 m2 đất được mua từ số tiền của họ, nên cần phải thu hồi diện tích đất này để trả cho bị hại.

Tuy nhiên, các cơ quan tiến hành tố tụng nhận định, không có căn cứ để xác định diện tích đất này do Bàng đứng lên mua, thuộc quyền sở dụng của Bàng. Chưa kể, việc mua bán đất nông nghiệp là vi phạm quy định pháp luật.

Ngoài phiên tòa, trao đổi với phóng viên Đầu tư Bất động sản, một số cá nhân bày tỏ bức xúc đối với cách giải quyết 81.000 m2 đất này. Chị M., một bị hại cho rằng, rõ ràng đất này là Bàng mua bằng tiền của họ, vì có giấy tạm ứng mua đất. Nếu là đất của Bàng thì phải kê biên để đảm bảo thi hành án. Nếu cho rằng không phải đất của Bàng, giao dịch trên là giao dịch vô hiệu, thì nên yêu cầu các bên giao trả những gì đã nhận, các hộ dân đã bán đất phải trả tiền, nhận lại đất, số tiền đó trả về công ty của Bàng để khắc phục thiệt hại cho họ.

Một số người còn nhấn mạnh rằng, họ sẽ quyết tâm theo đuổi đến cùng, nếu bản án không thuyết phục sẽ kháng án.

Thực tế, vụ án diễn ra từ năm 2009, đến năm 2011 mới có được bản án sơ thẩm đầu tiên. Nhưng đến năm 2012, khi đưa ra phúc thẩm, Tòa phúc thẩm tại Hà Nội - Tòa án nhân dân Tối cao đã hủy án, giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm giải quyết lại. Đến nay, vụ án vẫn chưa có bản án có hiệu lực pháp luật.

Sau vụ án, cuộc sống, hoàn cảnh của những người bị lừa tiền có nhiều xáo trộn. Theo lời kể của các bị hại, thì có người sau khi nghe tin, sốc quá, đang đi đường thì bị tai nạn, thậm chí có người đã mất, không chờ được đến lúc vụ án được giải quyết dứt điểm.

Khép lại năm Giáp Ngọ với thị trường bất động sản có phần chuyển biến tích cực, năm Ất Mùi này được kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục có chuyển biến tốt hơn nữa, nhưng cùng với đó là những rủi ro chẳng khi nào hết. Câu chuyện bên lề cửa tòa của những bị hại chẳng dứt khi vụ án cũ chưa hết, vụ án mới đã phát sinh…  

Lập fanpage để đòi lại tiền

Cũng về cuối năm, cùng với thông tin nữ đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga bị bắt lan đi, thêm nhiều người đã bỏ tiền vào Dự án B5 Cầu Diễn lên tiếng về sự tình mua bán ở dự án này.

Trên trang mạng xã hội facebook, một nhóm cá nhân mua căn hộ tại dự án này đã lập fanpage để đòi lại tiền. Fanpage đã đưa lên nhiều thông tin, hình ảnh về hoạt động của nhóm khách hàng này, như căng băng rôn, diễu hành, yêu cầu gặp gỡ, làm đơn thư, kêu cứu tới từng cơ quan chức năng, báo đài.

Theo thông tin trên fanpage này, thì có khoảng 70 cá nhân đã tập hợp, liên hệ, thông tin cho nhau qua đây. Sau khi bà Châu Thị Thu Nga bị bắt, đã có thêm nhiều khách hàng liên hệ với nhóm này để cùng hành động đòi lại những gì đã mất.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46

Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Hoàng Duy
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục