Thị trường M&A địa ốc, những thương vụ lớn sắp được kích hoạt

(ĐTCK) Việc khan hiếm quỹ đất sạch để phát triển dự án đã khiến thị trường mua bán, chuyển nhượng (M&A) dự án diễn ra sôi động với sự tham gia tích cực của cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
TP.HCM không còn nhiều quỹ đất sạch ở khu trung tâm cho các doanh nghiệp địa ốc phát triển dự án. Ảnh: Lê Toàn TP.HCM không còn nhiều quỹ đất sạch ở khu trung tâm cho các doanh nghiệp địa ốc phát triển dự án. Ảnh: Lê Toàn

Doanh nghiệp “bỏ phố về quê”

7 tháng đầu năm 2019, thị trường bất động sản TP.HCM chứng kiến đà giảm tốc mạnh mẽ của nguồn cung ở nhiều phân khúc. Chỉ tính riêng mảng chung cư (nhà ở cao tầng), theo báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường, nguồn cung giảm khoảng 40%, đà giảm được xem là mạnh nhất trong 5 năm. Rổ hàng bất động sản liền thổ cũng hạ nhiệt với tỷ lệ tương tự.

Lý do chính đến từ việc quỹ đất sạch tại TP.HCM ngày càng khan hiếm, trong khi chính quyền thành phố lại siết chặt việc cấp phép dự án mới. Khó khăn trong việc phát triển dự án mới tại thị trường TP.HCM đã đẩy các doanh nghiệp “di cư” tới các thị trường lân cận để săn tìm quỹ đất phát triển dự án.

Cuộc “di cư” này khiến thị trường M&A dự án tại thị trường bất động sản phía Nam trở nên sôi động.

Khởi động cho thị trường M&A dự án bất động sản phía Nam trong năm 2019 là thương vụ M&A của Tập đoàn Keppel Land (Singapore) tại Dự án Đồng Nai Waterfront (tỉnh Đồng Nai).

Thị trường M&A địa ốc, những thương vụ lớn sắp được kích hoạt ảnh 1

Nam Long bắt tay với Keppel Land phát triển Dự án Đồng Nai Waterfront City tại Đồng Nai

Theo đó, tập đoàn này công bố đã bán lại 70% cổ phần tại Dự án Đồng Nai Waterfront City cho Tập đoàn Nam Long với giá trị 2.313 tỷ đồng (tương đương 100,57 triệu USD). Sau thương vụ này, Keppel Land và Nam Long sẽ cùng phát triển khu dân cư rộng 170 ha tọa lạc tại xã Long Hưng, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ngoài Đồng Nai, Nam Long trước đó cũng đã kịp sở hữu một dự án lớn khác tại Long An.

Ở chiều ngược lại, đại gia địa ốc đến từ Singapore này mới đây đã công bố thông tin về việc mua lại 3 khu đất, tổng diện tích 6,2 ha, thuộc huyện Nhà Bè, TP.HCM của Phú Long. Mỗi khu đất cách nhau 400 m và nằm dọc theo tuyến đường huyết mạch Nguyễn Hữu Thọ. Chủ đầu tư có kế hoạch phát triển khu đất với 2.400 căn hộ cao cấp, khu nhà phố thương mại và khoảng 14.650 m2 không gian thương mại.

Cụ thể, thông qua công ty con, Keppel Land đã ký kết hợp đồng mua bán có điều kiện với Phú Long cho 60% cổ phần của toàn khu đất, với tổng số tiền đầu tư là 1.304 tỷ đồng (tương đương 56 triệu USD).

Một đại gia địa ốc khác của TP.HCM là Novaland cũng chuyển hướng ra các thị trường lân cận như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Cần Thơ… để giải bài toán nguồn cung của mình.

Săn tìm quỹ đất “sạch”

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản bên lề Diễn đàn M&A Việt Nam 2019 với chủ đề “Thay đổi để bứt phá”, do Báo Đầu tư và Công ty AVM Việt Nam tổ chức vào đầu tuần qua, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam cho biết, mặc dù sự quan tâm có giảm đi phần nào so với thời điểm 1, 2 năm trước đây do kế hoạch thanh tra và kéo dài thêm thời gian phê duyệt các dự án bất động sản gần đây, nhưng hiện vẫn có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã và đang tìm cơ hội M&A tại thị trường bất động sản Việt Nam.

Cũng theo ông Stephen Wyatt, các nhà đầu tư nước ngoài đều biết về việc xem xét lại của chính quyền đối với một loạt dự án. Cái họ cần là sự minh bạch và chắc chắn cao nhất khi tham gia vào bất cứ dự án nào tại Việt Nam. Do đó, quá trình phê duyệt chậm lại thực sự có tác động đến mong muốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.

“Đó là lý do tại sao những nhà đầu tư nước ngoài mới cần nhiều thời gian xem xét thị trường hơn những người cũ khi quyết định đầu tư vào Việt Nam. Bởi các nhà đầu tư cũ đã nghiên cứu thị trường cẩn thận và có đối tác địa phương tốt, nên khá chung thủy với thị trường Việt Nam và vẫn tích cực mở rộng danh mục đầu tư”, ông Stephen Wyatt nói và dự báo, trong 6 tháng tới, sẽ diễn ra một số hoạt động M&A quy mô lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam.

“Trong vòng từ 6 - 12 tháng gần đây, chúng tôi đã làm việc với khá nhiều đối tác nước ngoài và chúng tôi cho rằng, họ sẽ đến Việt Nam sớm thôi. Vấn đề lớn nhất hiện nay đối với các nhà đầu tư nước ngoài là quyền sử dụng đất và việc thúc đẩy phê duyệt dự án. Tôi thấy Chính phủ cần có giải pháp, nếu không sẽ kéo thị trường đi xuống, ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư của các nhà đầu tư, cũng như các nhà thầu trong nước và nước ngoài”, ông Stephen Wyatt nói.

Trong khi đó, ông Dennis Ng Teck Yow, Phó tổng giám đốc Công ty Gamuda Land Việt Nam (thuộc Tập đoàn Gamuda - Malaysia) cho biết, doanh nghiệp đang cải thiện mô hình kinh doanh để tiến sâu hơn vào thị trường Việt Nam, đặc biệt kết nối với đối tác trong nước.

“Chúng tôi còn có ý định đóng góp không chỉ về giá trị kinh tế, mà còn cả chuyên môn sâu của mình. Cũng có nhiều thách thức trong giai đoạn này, nhất là ở TP.HCM và Hà Nội, nhưng chúng tôi luôn sẵn sàng hợp tác với đối tác trong nước có sự ổn định, không chỉ khả năng tài chính, mà tính ổn định của thị trường”, ông Dennis Ng Teck Yow nói.

Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao thị trường vốn, JLL Việt Nam nhận xét, các thương vụ M&A trong nửa đầu năm 2019 cho thấy cả khối nội lẫn khối ngoại đều sẵn sàng cho chiến lược bắt tay cùng phát triển trong những năm sắp tới. Đáng chú ý, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có những cam kết lâu dài đối với bất động sản Việt Nam.

Vị chuyên gia này cũng dự báo, các hoạt động M&A có thể sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn đôi chút trong 2 quý còn lại của năm 2019 do thiếu các dự án "sạch" và các dự án sẵn sàng đón nhận đầu tư.

“Quỹ đất sạch trong khu vực trung tâm hoặc khu vực đã phát triển ngày càng khan hiếm, khiến cho việc tìm kiếm những cơ hội đầu tư bất động sản chất lượng cũng ngày càng khó khăn”, bà Khanh phân tích.

Đồng quan điểm, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam cho rằng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã và đang hoạt động rất mạnh ở thị trường Việt Nam. Đây cũng là một trong những địa chỉ hút nguồn vốn cho M&A tương lai khi mà cơ hội của nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nắm giữ trong tay lượng tiền mặt lớn.

Những quan ngại về pháp lý của các dự án bị thanh tra, kiểm tra thời gian qua có thể dẫn đến xu hướng các ngoại binh rút khỏi dự án có nguy cơ bị “chỉ mặt điểm tên”. Tuy nhiên, họ sẽ xuống tiền mạnh hơn với những dự án đã được xác định pháp lý rõ ràng, mở đường cho những thương vụ M&A khủng vượt xa tiền lệ.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Trọng Tín
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục