Sản phẩm gỗ: Cơ hội gia tăng xuất khẩu và nguy cơ bị “vạ lây”

(ĐTCK) Khoảng 3 năm trở về trước, thị trường xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam chủ yếu là Mỹ. Trong 3 năm  trở lại đây, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc và nhiều nước khác tăng dần, dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có diễn biến căng thẳng.
Thị trường gỗ và vật liệu nội thất từ gỗ đang dần chuyên nghiệp hơn, nhờ có sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài. Thị trường gỗ và vật liệu nội thất từ gỗ đang dần chuyên nghiệp hơn, nhờ có sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Giá trị xuất khẩu gỗ gia tăng

Năm 2017, ngành gỗ Việt Nam xuất khẩu 7,6 tỷ USD, nhập khẩu 2,12 tỷ USD, như vậy xuất siêu 5,48 tỷ USD. Gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm 43% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt 3,27 tỷ USD, tăng 15,7% so với năm 2016. Xuất khẩu sang các thị trường truyền thống khác như Trung Quốc đạt 1,07 tỷ USD, Nhật Bản 1,02 tỷ USD, Hàn Quốc 665,24 triệu USD.

6 tháng đầu năm 2018, ngành gỗ Việt Nam xuất khẩu 4,1 tỷ USD, nhập khẩu 1,39 tỷ USD, như vậy xuất siêu 2,71 tỷ USD. Với đà xuất khẩu này, ông Phạm Hồng Lượng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dự báo, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ đạt khoảng 9 tỷ USD trong năm nay.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), xuất khẩu sang các thị  trường chính gồm Mỹ đạt 1,36 tỷ USD, tăng 11,5%; Trung Quốc hơn 460 triệu USD, tăng 2,5%; Nhật Bản gần 440 triệu USD, tăng 3%; Hàn Quốc 375 triệu USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Vifores, các doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh thu mua gỗ nguyên liệu tại các nước lân cận. Các nước Campuchia, Lào, Myanmar tiếp tục thắt chặt xuất khẩu gỗ thông qua chính sách cấm xuất khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ từ rừng trồng.

Cùng với đó, trên thị trường thế giới, thương mại gỗ tiếp tục diễn ra sôi động trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm, chính sách bảo hộ của Mỹ và biện pháp đáp trả từ các nước có ảnh hưởng không nhỏ.

Theo nhận định của giới chuyên gia, việc Mỹ áp thuế cao đối sản phẩm gỗ từ thị trường Trung Quốc thời gian gần đây sẽ là cơ hội để các nước trong khu vực được nhận các đơn hàng từ các nước lân cận, trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó, năng lực sản xuất và tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam đang không ngừng gia tăng, so với một số nước như Malaysia thì chi phí sản xuất tốt hơn và nguồn lao động dồi dào hơn, Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi cho phát triển lâm nghiệp.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện Công ty Gỗ An Cường nhận định, thị trường gỗ và các đồ vật liệu nội thất từ gỗ của Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh. Thị trường ngày càng chuẩn hơn cả về chất lượng và số lượng từng sản phẩm.

Việc Mỹ áp thuế cao đối sản phẩm gỗ từ thị trường Trung Quốc thời gian gần đây sẽ là cơ hội để các nước trong khu vực được nhận các đơn hàng từ các nước lân cận, trong đó có Việt Nam.   

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, trong ngắn hạn, Việt Nam cần tiếp tục duy trì và đa dạng hóa nguồn gỗ nhập khẩu, tiếp cận nguồn nguyên liệu từ các thị trường ít rủi ro, đồng thời có những bước chuẩn bị để thích ứng với những thay đổi trong xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Để kiểm soát được thị trường, theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện có trên 1.500 doanh nghiệp đã ký cam kết tiêu thụ gỗ nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng và không vi phạm các quy định của các quốc gia nhập khẩu.

Ở trong nước, sẽ tập trung đầu tư cho trồng rừng gỗ lớn, có chứng chỉ và liên kết với người dân trồng rừng, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. 7 năm qua, hoạt động xuất khẩu gỗ tăng trưởng bình quân 12,3%/năm, dự báo năm 2018 tăng 13% và đến năm 2020 tăng 14,5%.

Nguy cơ bị “vạ lây”

Theo các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh đầu tư vào ngành gỗ Việt Nam. Đáng chú ý, hình thức đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc thường là liên doanh, liên kết để tận dụng các ưu đãi từ thị trường Việt Nam.

Đều này vô tình sẽ làm cho các sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam vào Mỹ có nguy cơ bị “vạ lây” bởi thuế chống bán phá giá của Mỹ lên toàn ngành.

Để ngành chế biến gỗ phát triển bền vững, từ đầu năm nay, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Vifores đã đề nghị Nhà nước sớm ban hành bộ tiêu chuẩn quản trị rừng bền vững trước nhu cầu doanh nghiệp gia nhập hoạt động trong ngành ngày một nhiều.

Ngoài ra, việc rà soát lại đất đai thuộc sở hữu nhà nước quản lý để giao cho doanh nghiệp trồng rừng nhằm phát triển quy mô tập trung cũng là điều cần thiết.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Nhất Nam
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục