Những khách sạn trữ tiền

(ĐTCK) Cậu bạn nói, kinh doanh khách sạn chỉ để duy trì chút tiền hoạt động chứ chẳng đáng kể gì. Vậy sao người ta vẫn nói khách sạn là nơi… trữ tiền?
Những khách sạn trữ tiền

1. Suốt tuần rồi tôi có công việc tại Đà Nẵng. Người đầu tiên tôi nhớ đến để liên lạc trước khi bay ra, là Thanh. Cậu là bạn đồng môn với tôi từ thuở nhỏ, cùng đi chung với nhau nhiều trại sáng tác văn học. Thanh khoảng gần 20 năm nay làm ăn, kinh doanh bất động sản gắn bó với Đà Nẵng.

Cậu đi đi lại lại Hà Nội - Đà Nẵng như đi chợ, và là người nổi tiếng ở hãng hàng không với biệt danh “hành khách quần short không hành lý”. Thanh kể vì mua nhà đất tại Đà Nẵng và Hội An khá nhiều nên dù sống tại Hà Nội nhưng thời gian ở miền Trung vẫn nhiều hơn miền Bắc. Mỗi lần đi mua đồ, là đều mua tới 3 bộ giống nhau để ở 3 căn nhà. Vì vậy mà di chuyển không cần tới hành lý.

Lần nào bay ra Đà Nẵng tôi đều gọi Thanh. Chúng tôi ngồi lai rai ly bia gần biển Mỹ Khê, nói những câu chuyện làm ăn. Khoảng 3 năm về trước, Thanh có 5 villa lớn nhỏ gần Mỹ Khê cho người nước ngoài thuê. Cậu lập trang web rất bài bản. Hầu hết khách thuê từ 1-6 tháng. Tuy nhiên, với Thanh, việc cho thuê này chỉ để lấy tiền đóng lãi ngân hàng. Thanh nói duy trì việc này được vài năm thì sẽ bán đi để tạo vòng quay mới.

Khi bất động sản rơi vào sự ảm đạm những năm 2010-2013, những căn villa chưa được giá như kỳ vọng, nên lại vẫn chỉ khai thác cho thuê. Thời gian ấy, nhắc đến việc trả lãi suất Thanh đều lắc đầu ngán quá.

Qua năm 2015-2016, cậu bạn này đã bán 3 căn villa nhỏ để xây vài khách sạn mini trên con đường cũng gần bãi biển. Khách tấp nập vào mùa cao điểm, đặc biệt vào tháng 6-7-8, còn các tháng khác thì chỉ hoạt động duy trì. Các khách sạn mini khoảng 20-35 phòng, giá tiền dưới 1 triệu đồng/phòng nên nhiều khách nước ngoài đặt phòng dài hạn.

Một năm nay, mỗi lần ra Đà Nẵng, tôi lại thấy Thanh bán dần khách sạn. Cậu nói, làm khách sạn mini chỉ để “trữ tiền”, một kiểu đầu tư bất động sản chứ không có mong đợi về chuyện thu lợi nhuận cho thuê phòng.

Bán khách sạn, rồi lại mua đất xây khách sạn, vòng quay ấy phù hợp với việc kinh doanh “xa nhà”. Thời gian khác Thanh ở Hà Nội chăm sóc gia đình và đi du lịch.

2. Giá nhà đất ở Đà Nẵng vài năm nay tăng phi mã, chỉ có dấu hiệu chững lại vài tháng gần đây. Những con đường gần biển Mỹ Khê, nơi có các bãi tắm dành cho dân địa phương, nếu như 4 năm trước khoảng 1,2 tỷ đồng/nền nhà phố 5x20 thì bây giờ đang được giao dịch chừng 6 tỷ đồng.

Bà con ở các khu phố này cho biết, hầu hết khách mua được đến từ các địa phương khác, và chủ yếu là khách ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Dân Nam bộ cũng đầu tư, nhưng lượng khách không nhiều.

Bài toán của Thanh đưa ra khá phù hợp với việc quản lý khi người chủ ở xa. Mở điện thoại, Thanh đưa tôi coi phần mềm khách “book” phòng. Phần mềm này được kết nối với máy tính ở quầy lễ tân khách sạn. Nên ở bất cứ đâu, Thanh cũng “thấy” được tình trạng kinh doanh.

Nếu quản lý và duy trì tốt chừng 3 năm, thì giá bất động sản đã thiết lập mặt bằng mới. Các khách khác ở các vùng miền khác không cần phải xây dựng, vì cũng lười xin phép các thủ tục cũng như không có thời gian coi việc xây nhà, thì mua luôn khách sạn để kinh doanh. Và cũng giống như Thanh, vài năm sau nếu muốn lại bán để làm “ván mới”.

Những câu chuyện ấy của Thanh, đã khiến khái niệm xây khách sạn mini để trữ tiền rõ hơn. Nếu mua miếng đất rồi để đó, thì tất nhiên đất vẫn lên, nhưng không có dòng tiền lẻ đều đặn đổ vào hàng tháng, và giá trị gia tăng bất động sản không được đẩy tới sự tiện ích. Hơn thế nữa, cũng là một sân chơi dễ thương của người ham xê dịch như ông chủ mang trong người máu văn chương.

Trữ tiền, cũng cần chút nghệ thuật!

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Nhà thơ Đinh Thu Hiền
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục