Bất động sản, xu hướng M&A thân thiện “lên ngôi”

(ĐTCK) Có thể nói, chưa lúc nào câu ca dao “Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” lại có nhiều ý nghĩa với các doanh nghiệp bất động sản như hiện nay. Hoạt động mua bán, chuyển nhượng (M&A) dự án thời gian qua diễn ra rất sôi động, nhưng khác với hoạt động thâu tóm trước đó, các thương vụ M&A hiện nay chủ yếu xuất phát từ những cái bắt tay thân thiện.
Nhiều dự án bất động sản được hồi sinh nhờ những cái bắt tay thân thiện giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài

Từ những cuộc “kết duyên” thân thiện

Liên tục trong thời gian gần đây, thị trường bất động sản TP. HCM chứng kiến nhiều thương vụ rót vốn của các nhà đầu tư ngoại vào lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý của các thương vụ gần đây, là các nhà đầu ngoại đã không mua đứt hay thâu tóm dự án theo kiểu “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” như trước, mà họ rót vốn bằng những cái bắt tay thân thiện với các doanh nghiệp địa ốc trong nước.

Mới đây, Công ty Frasers Centrepoint Limited (FCL), niêm yết tại Singapore và CTCP Đầu tư thương mại bất động sản An Dương Thảo Điền (HAR) đã “bắt tay” hợp tác để phát triển dự án phức hợp nhà ở và thương mại trên diện tích 1 ha tại phường Thảo Điền, quận 2, TP. HCM thông qua CTCP Phát triển nhà ở GHomes với tổng vốn đầu tư khoảng 85 triệu USD.

Theo thông báo, FCL đã đạt được thoả thuận với các cổ đông hiện hữu để mua lại 70% cổ phần tại GHomes. HAR và các cổ đông khác nắm giữ 30% cổ phần còn lại.

Theo ông Lim Ee Seng, Tổng giám đốc FCL, việc mua 70% cổ phần trong GHomes với mong muốn được góp phần phát triển một dự án chất lượng cao bằng cách vận dụng kinh nghiệm quốc tế của FCL và tận dụng hiểu biết nội tại của An Dương Thảo Điền.

Trước đó, Quỹ đầu tư Creed Group của Nhật Bản đã đầu tư 200 triệu USD vào Công ty Bất động sản An Gia theo hình thức mua lại 20% cổ phần của An Gia và đầu tư trực tiếp vào các dự án do An Gia phát triển theo tỷ lệ 50/50. Sau đó, Creed Group và An Gia đã hợp tác với Phát Đạt để phát triển Dự án River City tại phường Phú Thuận, quận 7, TP. HCM. Dự án này có quy mô diện tích lên đến 11,25 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 500 triệu USD.

Ngoài ra, cũng phải kể đến thương vụ Quỹ đầu tư Tập đoàn Global Emerging Market (GEM) hợp tác với CTCP Tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (HQC). Theo đó, GEM đầu tư 20 triệu USD, tương đương gần 440 tỷ đồng vào HQC thông qua việc mua cổ phiếu HQC, để phát triển các dự án bất động sản.

Tuy nhiên, doanh nghiệp địa ốc nhận được sự chú ý lớn của các nhà đầu tư ngoại thời gian qua phải kể đến CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH). Hiện nay, VinaCapital đang sở hữu 21% vốn điều lệ KDH, tương đương 26 triệu USD. Dragon Capital là cổ đông lớn thứ hai của KDH với tỷ lệ sở hữu 16%, tương đương hơn 20 triệu USD. Ngoài ra, các quỹ khác cũng tham gia vào KDH như Mutual Fund Elite, Vietnam Holding, SAM… 

Đến mục đích Win - Win

Trong giai đoạn trước đây, một khi nhắc đến câu chuyện các nhà đầu tư nước ngoài mua lại dự án bất động sản trong nước, không ít quan điểm tỏ ra lo ngại, nếu không cẩn trọng nhà đầu tư ngoại sẽ thống lĩnh thị trường bất động sản Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, những lo ngại này đã không xảy ra.

Theo phân tích của các chuyên gia, sở dĩ xu hướng M&A thân thiện trong lĩnh vực địa ốc giữa các nhà đầu tư ngoại với các doanh nghiệp trong nước “lên ngôi” thời gian qua, xuất phát từ thực tế đặc thù trong đầu tư bất động sản tại Việt Nam. Xu hướng này diễn ra được ví như những “đôi tình nhân”, sau thời gian tìm hiểu, đã cùng nhau “kết duyên” để phát huy thế mạnh và khắc phục những khiếm khuyết của nhau.

Với các nhà đầu tư nước ngoài, vốn có thế mạnh về vốn, luôn đánh giá bất động sản Việt Nam có nhiều tiềm năng, nhưng điều họ lo ngại là các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý khi triển khai dự án bất động sản. Trong khi đó, thế mạnh của các doanh nghiệp địa ốc trong nước là nắm rõ được thủ tục pháp lý, hiểu rõ thị trường, nhưng thiếu vốn và kinh nghiệm quản lý, đầu tư.

Đây có lẽ cũng là một phần của câu trả lời cho lý do vì sao thời gian qua có nhiều thương vụ M&A địa ốc giữa các nhà đầu tư nội - ngoại và khả năng xu hướng này sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.

Diễn đàn M&A Việt Nam - sự kiện thường niên lớn nhất Việt Nam về mua bán, sáp nhập và đầu tư chiến lược do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo Đầu tư và AVM Vietnam phối hợp tổ chức từ năm 2009 đến nay.

Với chủ đề “Cơ hội trong không gian kinh tế mở”, Diễn đàn M&A Việt Nam 2016 sẽ được tổ chức vào ngày 18/8/2016 tại TP. HCM, bao gồm các hoạt động hội thảo, phổ biến kiến thức và kết nối đầu tư. Dự kiến sẽ có khoảng 500 lãnh đạo doanh nghiệp, nhà quản lý, chuyên gia, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham dự sự kiện.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tăng Triển
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục