Bất động sản nghỉ dưỡng "rơi mạnh, nảy nhanh"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngành du lịch và thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vốn chịu tổn thương lớn trong dịch đang được kỳ vọng sẽ bật nhanh trở lại như chiếc lò xo nén.
Khi ngành du lịch hồi phục thì bất động sản nghỉ dưỡng sẽ bứt phá Ảnh: Dũng Minh Khi ngành du lịch hồi phục thì bất động sản nghỉ dưỡng sẽ bứt phá Ảnh: Dũng Minh

Sự phục hồi và cơ hội cho nhà đầu tư

Sự càn quét của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp địa ốc, nhất là những doanh nghiệp chú trọng phát triển bất động sản nghỉ dưỡng như CTCP Tập đoàn C.E.O (C.E.O Group), song ông Cao Văn Kiên - Phó tổng giám Tập đoàn, vẫn lạc quan vào sự trở lại của ngành du lịch cũng như phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng biển.

Ông Kiên nhận định, sau thời gian dài giãn cách, nhu cầu của xã hội về đầu tư, du lịch… rất lớn. Chính vì thế, các lĩnh vực kinh tế quan trọng như bất động sản, dịch vụ - du lịch... được dự báo sẽ nhanh chóng phục hồi sau khi đại bộ phận người dân được tiêm vắc-xin Covid-19 và dịch bệnh được kiểm soát. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng và du lịch, quản lý khách sạn phát triển trở lại.

“Bên cạnh đó, việc Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến một số địa phương như Phú Quốc cũng được coi là ‘chìa khóa’ để ngành du lịch địa phương nói chung, hoạt động của các khách sạn, resort do C.E.O Group phát triển nói riêng sớm hoạt động bình thường như trước dịch”, ông Kiên nói và cho biết thêm, các dự án nghỉ dưỡng của C.E.O Group bắt đầu đón khách trở lại sau gần 4 tháng giãn cách.

Giãn cách xã hội kéo dài khiến nhiều dự án bị đình trệ, nhưng với những nhà phát triển bất động sản nghỉ dưỡng có tên tuổi như Novaland, Vingroup, Sun Group, CEO Group…, khó khăn đó chỉ là trong ngắn hạn, còn về dài hạn không phải vấn đề quá lớn, bởi nhu cầu của khách hàng, nhà đầu tư đối với các sản phẩm bất động sản là rất lớn, bao gồm cả bất động sản nhà ở và bất động sản du lịch. Đây đều là các sản phẩm cơ bản, đáp ứng nhu cầu không thể thiếu của người dân.

Tuy nhiên, ở góc nhìn thận trọng hơn, ông Nguyễn Thái Phiên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn NovaGroup cho rằng, tín hiệu hồi phục của ngành “công nghiệp không khói” cần thêm thời gian để trở nên rõ ràng hơn. Theo ông Phiên, sự chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng tâm thế bứt tốc khi dịch được kiểm soát sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng được cơ hội thị trường hồi phục vào cuối năm 2021 để làm bàn đạp cho các năm tiếp theo.

Còn TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam đánh giá, hiện là thời điểm phù hợp để đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng, bởi thị trường sẽ cần 1-2 năm để du lịch hồi phục. Với những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, đây là cơ hội để lựa chọn sản phẩm tốt, điều mà trong dịch chưa làm được.

“Những nhà đầu tư đã bán được sản phẩm nghỉ dưỡng trước đây rồi, tức là đã nhận lại đủ vốn gốc và có lãi, thì họ chỉ lo lợi nhuận về mặt vận hành. Với những nhà đầu tư này, nếu lỗ là lỗ về chi phí vận hành, chứ không phải lỗ do đầu tư. Thời gian qua, có nhà đầu tư muốn chuyển nhượng lại những resort hoặc khách sạn lớn, nhưng nguyên nhân phổ biến là để trả nợ vay ngân hàng do không có nguồn thu trong mùa dịch, chứ không phải do sản phẩm không tốt, không có người mua”, ông Khương phân tích.

Đồng quan điểm, ông Phạm Trung Hà, Tổng giám đốc Funi Bamboo cho rằng, trong bối cảnh bình thường mới, rất hiếm nhà đầu tư muốn bán hoặc chuyển nhượng bất động sản nghỉ dưỡng. Mặc dù mức sinh lời chỉ đạt 6-7%, nhưng nếu nhìn ở góc độ tài chính, đây là một tài sản giá trị, mà trong điều kiện bình thường muốn mua cũng khó vì không ai bán. Do đó, trong giai đoạn này, không ít nhà đầu tư có tiềm lực tài chính sẽ cân nhắc giải ngân cho việc đầu tư vào các dự án nghỉ dưỡng biển.

Câu chuyện vươn tầm của các dự án nghỉ dưỡng

Trong một báo cáo công bố mới đây, đánh giá về những diễn biến mới trong ngành du lịch Việt Nam và tình hình nền kinh tế nói chung, HSBC Việt Nam nhận định, thời điểm Việt Nam mở cửa nền kinh tế sau giãn cách cũng là lúc nhìn lại triển vọng ngành du lịch.

Theo HSBC Việt Nam, trong nhiều năm qua, nhờ nỗ lực cởi mở trong chính sách cấp thị thực của Chính phủ, ngành du lịch đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Tuy nhiên, là ngành nhạy cảm trong mùa dịch, hoạt động du lịch đã gần như dừng hẳn. Việt Nam chỉ đón 3,8 triệu lượt khách trong năm 2020 và tổng lượng khách quốc tế đến thời điểm hiện tại của năm 2021 còn chưa bằng 1% của năm 2019. Dù vậy, hiện nay, điều đáng khích lệ là Việt Nam đã đạt được nhiều tiến triển để chuẩn bị đón khách du lịch trở lại.

“Từ ngày 1/11/2021, Việt Nam bắt đầu thí điểm mở cửa du lịch trở lại đối với khách quốc tế đến từ các quốc gia có nguy cơ thấp tại 5 địa điểm thu hút du lịch là đảo Phú Quốc, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa và Quảng Ninh. Đây là một phần trong kế hoạch hồi sinh ngành du lịch của Việt Nam”, báo cáo nêu rõ.

Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels, việc chuẩn bị lộ trình mở cửa biên giới trở lại là cần thiết để Việt Nam sớm nắm lấy cơ hội khôi phục các hoạt động du lịch quốc tế. Nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… cũng đang từng bước thực hiện nới lỏng phù hợp, bao gồm cả nối lại các hoạt động du lịch .

“Nếu chỉ đánh giá sự thành công của chương trình thí điểm này trên góc độ doanh thu đem lại cho ngành du lịch thì chưa đầy đủ, do lượng khách dự kiến từ chương trình này còn hạn chế. Song, một khía cạnh quan trọng hơn mà chương trình thí điểm đem lại đó chính là Việt Nam có thể đạt được mục tiêu kép, mở cửa đón khách du lịch quốc tế nhưng vẫn đảm bảo được sự an toàn cho cả người dân địa phương lẫn khách du lịch”, ông Mauro Gasparotti nói.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong khu vực ASEAN, Thái Lan là quốc gia đầu tiên mở cửa đón khách quốc tế mùa dịch thông qua chương trình Phuket Sandbox. Trong 2 tháng kể từ khi triển khai chương trình “bong bóng du lịch” này, Thái Lan đã đón 26.400 khách du lịch nước ngoài, với tổng cộng 366.971 đêm lưu trú, trong đó chỉ có 83 du khách (tỷ lệ 0,3%) có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Chương trình Phuket Sandbox đã thúc đẩy 69% khách sạn tại Thái Lan mở cửa trở lại, tỷ lệ lấp đầy của các khách sạn tham gia chương trình đạt gần 20% vào cuối tháng 7/2021 so với tỷ lệ 1 con số giai đoạn trước đó.

Liên quan tới hành vi tiêu dùng, ông Nguyễn Thọ Tuyển - Chủ tịch BHS Group lưu ý rằng, tâm lý người mua bất động sản nghỉ dưỡng và người dùng - khách du lịch đã có sự thay đổi, khi người mua không còn tin vào cam kết lợi nhuận, mà kỳ vọng vào giá trị thực và khả năng tăng giá của bất động sản. Theo ông Tuyển, hiện nay, khách du lịch không nhất thiết có nhu cầu quá sang chảnh, mà tìm đến những nơi vừa túi tiền và có thể quay lại hàng tuần hoặc hàng tháng, thậm chí lưu trú dài ngày để kéo dài việc nghỉ dưỡng.

“Để trở lại đường đua, các chủ đầu tư đang sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng cần thay đổi chiến lược kinh doanh, tránh lặp lại lối mòn”, ông Tuyển nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Cao Văn Kiên cho rằng, trải qua thời gian dài chịu tác động của dịch bệnh, xu hướng nghỉ dưỡng và đầu tư của người dân đã có sự thay đổi, trở nên cẩn trọng hơn khi lựa chọn sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, ưu tiên sản phẩm nằm trong những tổ hợp dự án ven biển quy mô lớn, hiện đại, đa tiện ích, do chủ đầu tư có năng lực, uy tín phát triển.

“Ngoài ra, trong giai đoạn mới, các chủ đầu tư cũng cần phát triển thêm những dòng sản phẩm mới và phù hợp thị hiếu hơn”, ông Kiên chia sẻ và cho biết thêm, chẳng hạn như dòng sản phẩm “Homeliday” (kết hợp của “second-home” - ngôi nhà thứ hai và “holiday” - kì nghỉ) mà C.E.O Group đang triển khai là “phiên bản” cao cấp của những ngôi nhà thứ hai bởi đòi hỏi nhiều yếu tố hơn, từ vị trí phù hợp cho hoạt động nghỉ dưỡng, gần sân bay/bến cảng quốc tế để thuận tiện khi di chuyển, cho tới thiết kế cao cấp, nằm trong khu vực được quy hoạch, xây dựng bài bản, đa tiện ích…

Linh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục