Không nằm ngoài sự khó khăn chung của thị trường bất động sản, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Nguồn cung lớn, trong khi tiêu chuẩn lựa chọn của khách hàng ngày càng khắt khe, cùng với chính sách “thắt lưng buộc bụng” trong bối cảnh kinh tế khó khăn càng làm cho phân khúc này trở nên trầm lắng.
Theo ghi nhận của Đầu tư Bất động sản, trong khoảng thời gian 1 năm trở lại đây, hầu hết các dự án nghỉ dưỡng tại Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu gặp nhiều khó khăn trong việc bán hàng. Thậm chí, có nhiều dự án, doanh nghiệp đã bỏ ra nhiều tiền để làm công tác marketing, quảng cáo, nhưng vẫn không bán được hàng, mà nguyên nhân chính là do tình hình kinh tế khó khăn.
Dù đánh giá còn nhiều khó khăn, song giới chuyên môn vẫn đánh giá cao tiềm năng của bất động sản du lịch Việt Nam - Ảnh: Lê Toàn
Theo khảo sát của Công ty Savills Việt Nam , tính từ năm 2012 đến nay, nguồn cung mới vào thị trường, cũng như số lượng giao dịch thành công trong phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng rất hạn chế. Tại một thị trường ở khu vực miền Trung, số lượng giao dịch bình quân các quý trong năm 2012 chỉ bằng 30% so với năm trước.
“Cũng giống các mảng thị trường bất động sản khác, suy thoái kinh tế là một trong những thách thức cho việc phát triển và khai thác loại hình bất động sản nghỉ dưỡng. Đi kèm với nó là đối tượng khách hàng của phân khúc này hẹp, trong khi nguồn cung hiện khá lớn, nên người mua sẽ lựa chọn kỹ càng hơn trước khi quyết định. Điều này đặt áp lực cho chủ đầu tư phải tính toán kỹ lưỡng để đưa ra các dòng sản phẩm mới phù hợp với điều kiện kinh tế hiện tại, đồng thời, có sự cải tiến trên những dòng sản phẩm đã đi vào hoạt động để có thể hấp dẫn người mua”, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Công ty Savills nhận định.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn, Việt Nam có rất nhiều lợi thế trong việc phát triển thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Một trong những lợi thế được đánh giá lớn nhất là Việt Nam có sự phong phú về các điểm du lịch, lượng khách du lịch luôn ổn định và tăng trưởng đều ở các năm.
Ông Kenneth Atkinson, Giám đốc điều hành Grant Thoornton cho rằng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam là khá lớn, nhưng tiềm năng lớn hơn vẫn là khách nội địa. Về lâu dài, thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng sẽ còn nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải gỡ nút thắt chính sách, như chính sách ưu đãi cho du khách nước ngoài (miễn thị thực nhập cảnh) và cho các nhà đầu tư nước ngoài; cho người nước ngoài được sở hữu tài sản ở Việt Nam; đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ hơn…
Tương tự, theo ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Hưng Thịnh Corp, doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong việc phân phối các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, rào cản lớn trong câu chuyện phát triển thị trường bất động sản du lịch Việt Nam là chính sách. Phần lớn các dự án du lịch hiện nay là thuê đất 50 năm, vì vậy, khi bán cho khách hàng cũng chỉ 50 năm, nên nhiều người còn e ngại. Thêm nữa, nghịch lý hiện nay là nhiều dự án mặc dù được Nhà nước cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, nhưng chính sách cho người nước ngoài mua sản phẩm từ các dự án này bị bó hẹp.
Còn theo ông Rudolf Hever, Giám đốc Điều hành Alternaty, tiềm năng bất động sản du lịch Việt Nam vẫn khá lớn, các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư châu Á vẫn luôn quan tâm đến Việt Nam, song họ vẫn đang chờ đợi cơ hội và sự thay đổi ở chính sách đầu tư thông thoáng hơn.
“Điều khiến các nhà đầu tư quốc tế còn e ngại đầu tư vào lĩnh vực này ở Việt Nam là rào cản về pháp lý. Vì vậy, điều mà Việt Nam cần làm là phải đơn giản các thủ tục, chứng minh cho các nhà đầu tư nước ngoài thấy được cơ hội khi đầu tư vào bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại Việt Nam”, ông Rudolf Hever nói và cho rằng, trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, không dễ để bán những căn biệt thự cả triệu USD. Vì vậy, bản thân các nhà đầu tư cũng cần phải có những thay đổi nhất định để thu hút được khách hàng, như bán quyền sở hữu và chia sẻ kỳ nghỉ…