Liều kháng sinh kịp thời
Ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ, ngành du lịch nội địa Việt Nam đã có nhiều chuyển động tích cực.
Trong một báo cáo mới đây của Công ty Savills Việt Nam, đầu tháng 5/2020, Việt Nam đã có hơn 493 cơ sở lưu trú, tương đương 78% đã mở cửa đón khách. Trong đó, đa phần các khách sạn và khu nghỉ dưỡng đã cung cấp đầy đủ tiện ích đi kèm, chỉ có một số ít các cơ sở áp dụng chiến lược tạm ngưng một phần để cắt giảm chi phí. Báo cáo cũng cho thấy, có 22% cơ sở vẫn tạm dừng hoạt động cho đến khi khách quốc tế quay trở lại.
Để kích cầu du lịch, hiện có gần một nửa các cơ sở lưu trú đã đưa ra những chương trình ưu đãi và giảm giá sau khi mở cửa trở lại. Trong đó, các cơ sở lưu trú thuộc phân khúc cao cấp thường đưa ra những chương trình ưu đãi như cung cấp các gói dịch vụ hấp dẫn, miễn phí các dịch vụ như ăn uống, vận chuyển… nhằm thu hút khách du lịch trong nước.
Việc kích hoạt hoạt động du lịch nội địa sau Covid-19 được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sớm hồi phục trở lại. Đặc biệt, việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch phát động Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” với những giải pháp nhằm kích cầu du lịch nội địa, tạo điều kiện để người dân du lịch tới các vùng miền trên cả nước, tạo nên nhiều tín hiệu đáng mừng cho bất động sản nghỉ dưỡng.
Đó là chưa kể, Văn bản số 703/BTNMT-TCQLĐĐ của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường về Hướng dẫn chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở, đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng.
Các chuyên gia cho rằng, văn bản hướng dẫn này sẽ tạo cơ chế quản lý thuận lợi cho chính quyền các địa phương, giúp cả người sở hữu condotel, ngân hàng lẫn chủ đầu tư cùng gỡ bỏ được nỗi lo lớn về tương lai condotel, thúc đẩy các hoạt động mua, bán, cho thuê, thế chấp được diễn ra hợp pháp.
TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, dù việc áp dụng Văn bản 703 vẫn cần thêm thời gian, nhưng văn bản hướng dẫn này được triển khai sẽ tạo đòn bẩy rất lớn cho khu vực bất động sản nghỉ dưỡng.
"Đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đây cũng được coi là một động thái tích cực, trong bối cảnh thị trường đang gặp nhiều vướng mắc về pháp lý, khiến nguồn cung hạn chế. Họ cũng sẽ yên tâm hơn trong việc chủ động gia tăng lợi nhuận bằng cách sở hữu một loại hình căn nhà thứ hai", ông Khương nói.
Cần thêm những liều thuốc bổ
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, chính sách kích cầu từ du lịch và hỗ trợ của Nhà nước là lực đẩy quan trọng để thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hồi phục, lấy lại đà tăng trưởng và hứa hẹn là kênh đầu tư đem lại khả năng sinh lời cao.
Thống kê sơ bộ của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, năm 2019, thị trường bất động sản du lịch, nhất là condotel tuy có dấu hiệu chững lại do những lùm xùm về chi trả lợi nhuận cam kết của chủ đầu tư cho nhà đầu tư thứ cấp, nhưng tổng nguồn cung vẫn đạt 18.425 sản phẩm, trong đó 6.700 sản phẩm được giao dịch thành công.
Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Phú Quốc của Vingroup
Theo ông Hà, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ghi nhận những tín hiệu tích cực nhờ Việt Nam được đánh giá là quốc gia kiểm soát tốt Covid-19. Nhiều dự án bất động sản du lịch ven biển đang được phát triển rầm rộ.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, thời gian qua, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do một số dự án đầu tư không đúng quy định pháp luật, gây thiệt hại cho nhà đầu tư thứ cấp.
Tuy nhiên đến nay, vướng mắc về pháp lý của condotel đã dần được tháo gỡ, cơ quan quản lý đã có ý kiến cấp sổ đỏ có thời hạn cho chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp, gỡ được nút thắt cho cả biệt thự du lịch và căn hộ du lịch. Các địa phương, nếu áp dụng đúng Luật Đất đai 2013 cũng hoàn toàn có thể cấp sổ đỏ có thời hạn cho căn hộ condotel.
Mặc dù thị trường đang có nhiều dấu hiệu tích cực từ các chính sách kích cầu du lịch, cũng như tháo gỡ các điểm nghẽn về pháp lý, song các chuyên gia trong ngành cho rằng, những chính sách này chỉ có thể giúp thị trường bất động sản nghỉ dưỡng lấy lại sức trong ngắn hạn, còn trong kế hoạch dài hơi, cần phải tính toán đến các yếu tố như đa dạng sản phẩm du lịch, đồng bộ quy hoạch...
Theo ông Khương, đối với bất động sản nghỉ dưỡng không phải chỉ đơn thuần là vấn đề về khung pháp lý hay kích cầu du lịch, mà hơn cả là sắp tới, dù có dịch hay không có dịch là việc phải nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch theo hướng đa dạng và nhiều trải nghiệm hơn.
“Ngành du lịch nghỉ dưỡng đang có sự thay đổi rất nhanh với nhiều cơ hội mở ra cho các chủ đầu tư, không chỉ tăng trưởng nhu cầu phòng, mà còn tăng trưởng các đối tượng khách hàng mới. Do đó, nếu đơn thuần chỉ phát triển một dự án với phòng và sảnh lớn sẽ không đảm bảo tính cạnh tranh cũng như phù hợp với nhu cầu của khách hàng trong trung và dài hạn”, ông Khương phân tích.
Nhìn nhận một cách thực tế hơn, ông Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, tại các nước trong khu vực, việc phát triển du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng được kiểm soát rất chặt chẽ, nhưng ở Việt Nam còn khá lỏng lẻo. Không thể tiếp tục dễ dãi với cách làm du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng thiếu bài bản, bởi sẽ dẫn đến hậu quả về hạ tầng, làm xấu xí hình ảnh du lịch địa phương mà rộng ra là hình ảnh du lịch quốc gia.
“Bài học từ phát triển hạ tầng du lịch Phú Quốc vẫn còn đó. Nếu không có quy hoạch phát triển du lịch đồng bộ với bất động sản nghỉ dưỡng, Vân Đồn dễ đi vào vết xe đổ của Phú Quốc”, ông Nghĩa nói và đưa ra dẫn chứng, quy hoạch là bài toán nhức nhối đối với Phú Quốc, một cơn mưa lớn kéo dài trong gần 10 ngày đầu tháng 8/2019 đã gây ngập nặng cục bộ trên đảo, gây thiệt hại khoảng 107 tỷ đồng cho địa phương này.
Còn ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, trong thời gian này, yếu tố sáng tạo được xem là giá trị cốt lõi và là chìa khóa để tạo ra nguồn doanh thu mới, các khách sạn trong thành phố cần đưa ra những chính sách hấp dẫn để có thể thu hút nhóm khách công vụ và nghỉ dưỡng.
Tính đến nay, Việt Nam tiếp tục được các nước trên thế giới ghi nhận là điểm đến an toàn. Tuy nhiên, theo phân tích của ông Mauro Gasparotti, để thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nội địa, tạo nền tảng để vực dậy ngành du lịch và bất động sản du lịch sau đại dịch thì bên cạnh nghỉ dưỡng đơn thuần, còn nghỉ dưỡng chữa bệnh, điều dưỡng, thẩm mỹ… Việc thúc đẩy những hướng đi mới sẽ là cứu cánh thị trường, nhằm hút lại lượng lớn khách trong nước bấy lâu nay vẫn phải tìm kiếm các dịch vụ này ở nước ngoài.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com