Vắng từ đất thổ cư của người dân
Dạo quanh địa bàn huyện Mê Linh (TP.Hà Nội), cảm nhận đầu tiên của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản về không khí của thị trường địa ốc nơi đây là sự trầm lắng, không biển hiệu, tờ rơi, bảng rao bán nhà, đất. Theo chia sẻ của một số người dân sở tại, lý do là vì các chủ đất đã chán trong việc “câu khách”, vì chẳng có ai hỏi mua.
Trong vai người có nhu cầu mua đất, phóng viên tìm đến xã Văn Khê, là địa phương gần UBND huyện Mê Linh. Tại đây, phóng viên được môi giới tên Hợi giới thiệu một số lô đất rao bán "theo kênh riêng". Với vị trí đẹp, nằm gần đường lớn, ngõ ô tô vào tận nơi, giá chỉ dao động 6-10 triệu đồng/m2, những lô đẹp, vị trí gần UBND huyện cũng chỉ có giá trên dưới 10 triệu đồng/m2, nhưng đều khó tìm người mua.
Lý do, theo nhiều người sở tại, là vì Mê Linh xa trung tâm Hà Nội, lại trái đường, cơ sở hạ tầng cũng ở mức độ vừa phải.
Nhiều dự án bất động sản tại mê Linh hiện chỉ là bãi đất trống.
“Vắng lắm anh ạ. Tôi có rao bán cho bà chị mảnh đất khoảng hơn 50 m2, có sổ đỏ, giá 5 triệu đồng/m2 từ năm ngoái đến giờ và giới thiệu không biết bao nhiêu người, nhưng vẫn không có ai ngó ngàng”, Hợi cho biết.
Tìm hiểu của phóng viên Đầu tư Bất động sản tại thị trấn Chi Đông, Quang Minh, xã Vĩnh Sơn…, tình trạng cũng không khá hơn là mấy. Duy chỉ có khu Quang Minh có giá cao hơn chút, bởi gần tuyến đường Võ Văn Kiệt (tuyến đường vào nội đô Hà Nội), nhưng cũng vắng khách.
Đến dự án cũng “treo niêu”
Không chỉ đất trong khu dân cư, tình trạng hẩm hiu cũng diễn ra tại những dự án như Minh Giang Đầm Và (ở xã Tiền Phong), Cienco 5, Rose Valley…
Đây là các dự án từng làm mưa, làm gió trên thị trường bất động sản phía Bắc Hà Nội một thời, nhưng hiện đang trở thành những khu đô thị ma, hoặc những cánh đồng cỏ hoang vắng.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, toàn huyện Mê Linh hiện có khoảng 50 dự án bất động sản, tập trung tại các xã ven Đại lộ Võ Văn Kiệt như Tiền Phong, Tráng Việt, Thanh Lâm, Đại Thịnh, thị trấn Quang Minh. Trong đó, có khoảng 20 dự án lớn, quy mô từ vài chục đến vài trăm héc-ta, tập trung nhiều nhất tại xã Tiền Phong.
Đa số các dự án này hiện nay đều không triển khai được hoặc triển khai dang dở và gần như không có hạ tầng. Tình trạng hoang hóa xảy ra phổ biến đến nỗi có thể gọi Mê Linh là đại đô thị hoang.
Không chỉ tại Tiên Phong, tình trạng dự án hoang còn xuất hiện tại nhiều xã khác của huyện Mê Linh, đơn cử như một dự án tại xã Chi Đông. Theo thông tin quy hoạch, dự án này có quy mô 68 ha, tổng vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2004 và chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 gồm 620 lô biệt thự, liền kề có diện tích từ 150 - 450 m2 với quy mô dân số khoảng 10.000 dân. Giai đoạn 2 gồm 4 tòa nhà cao tầng kết hợp văn phòng sẽ triển khai vào cuối năm 2016 và hoàn thành năm 2017. Tuy nhiên, cho đến nay, khu đô thị này vẫn chỉ là một bãi đất hoang, cây bụi mọc um tùm.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Đôi, nhân viên bảo vệ tại công trường dự án hơn 10 năm nay cho biết: “Thời gian trước có một số người dân có đất ở đây để lại thông tin số điện thoại cho chúng tôi, để có ai muốn mua thì thông tin giúp, hoặc cho họ số điện thoại liên hệ. Tuy nhiên, mấy năm nay chẳng thấy ai hỏi mua, mà người bán họ cũng không để lại số điện thoại nữa”.
Ông Đôi cho biết thêm, hy hưu lắm, cách đây khoảng 1 tháng có người một giao dịch được thực hiện ở vị trí gần dự án với giá 4 triệu đồng/m2.
Gõ cửa Ban quản lý dự án này, cũng trong cảnh “nhà rộng người thưa”, chúng tôi được một chị tự giới thiệu là kế toán cho biết, khu đất dự án này chủ đầu tư đã bán hết cho khách hàng từ lâu. Chủ đầu tư đầu tư cơ sở hạ tầng, còn khách hàng tự xây nhà.
“Cơn mê ngủ” của thị trường bất động sản Mê Linh kéo dài 8 năm nay được nhiều nhà đầu tư kẹt hàng kỳ vọng sẽ tỉnh giấc trong thời gian tới khi dự án xây dựng cầu Hồng Hà được triển khai,rút ngắn khoảng cách từ Mê Linh về trung tâm Thành phố.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com