Sai phạm tràn lan
Đầu năm 2017, thị trường bất động sản TP.HCM, nhất là phân khúc đất nền, sốt nóng sốt cục bộ ở nhiều địa phương, khiến giá đất tăng vọt. Chính điều này đã đẩy thị trường bất động sản Long An nóng theo, bởi Long An có 2 mặt giáp TP.HCM.
Điều đáng nói là, trong bối cảnh đó, rất nhiều dự án tại Long An đã tranh thủ mở bán khi chưa đủ cơ sở pháp lý. Chẳng hạn, Dự án Riverside tại huyện Bến Lức được bán từ năm 2017, nhưng tới tháng 3/2019, dự án này mới được tỉnh Long An công bố đủ điều kiện mở bán.
Trường hợp khác là các dự án Hưng Thịnh Cát Tường và Thiên Phúc Hoàng Gia do Công ty cổ phần Bất động sản Thiên Phúc thực hiện trong năm 2017 và 2018 tại huyện Đức Hòa. Dù chưa xong bất cứ thủ tục pháp lý nào, nhưng chủ đầu tư vẫn triển khai xây dựng hạ tầng rồi chào bán rầm rộ. Kết quả là, năm 2018, hàng trăm khách hàng đã phát hiện mình bị lừa khi mua phải dự án “ma” và gửi đơn khiếu kiện.
Gần đây, khi quỹ đất bán dự án đã cạn, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã tìm cách lấy các dự án nhà ở dành cho công nhân ở các khu công nghiệp rồi chào bán như dự án địa ốc thương mại.
Ví dụ điển hình là Dự án Khu dân cư Cầu Tràm thuộc khu tái định cư tại chỗ cho công nhân Khu công nghiệp Cầu Tràm (tại huyện Cần Đước). Dự án do Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Xây dựng và Xuất nhập khẩu Trung Thành làm chủ đầu tư, sau đó công ty này giao cho Công ty cổ phần BNC Land làm đơn vị phát triển dự án và đổi tên thành Dự án BNC Dragon để bán với giá cao.
Đau đầu giải quyết
Trước tình trạng sai phạm trong quản lý đất đai, để quá nhiều dự án “ma” xuất hiện, mới đây, UBND tỉnh Long An ra quân xử lý.
Ông Nguyễn Minh Hùng, quyền Giám đốc Sở Xây dựng Long An cho biết, sau khi rà soát, tỉnh đã có kết luận nhiều doanh nghiệp sai phạm trong việc thực hiện dự án bất động sản. Chẳng hạn, Công ty Chung Phú đã xây dựng khu nhà ở chuyên gia (diện tích trên 5 ha) ở Khu công nghiệp Đức Hòa III - Việt Hóa, tại vị trí không thuộc phần diện tích được cấp phép chuyển đổi.
Một dự án sai phạm nghiêm trọng khác tại Khu công nghiệp Đức Hòa III - Hồng Đạt (tại xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa) là dự án do Công ty cổ phần Hồng Đạt - Long An làm chủ đầu tư. Tháng 2/2016, gần 70 ha trong khu công nghiệp này được phép chuyển đổi thành Khu dân cư và nhà ở chuyên gia.
Trong khi chưa có quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500), chưa có giấy phép xây dựng, chưa đảm bảo các điều kiện về kinh doanh bất động sản, nhưng Công ty cổ phần Hồng Đạt - Long An đã thi công xong hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu dân cư và tiến hành phân lô, bán nền.
Đến nay, Công ty cổ phần Hồng Đạt - Long An đã bán tổng cộng 2.500 lô nền cho khách hàng theo hình thức ký hợp đồng nguyên tắc và đã có 65 hộ dân xây dựng nhà ở. Trong khi đó, khu dân cư này hiện vẫn chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội (trường học, chợ, hệ thống xử lý nước thải…).
Tháng 3/2019, Thanh tra Sở Xây dựng Long An đã có quyết định xử phạt Công ty cổ phần Hồng Đạt - Long An về hành vi xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư không có giấy phép xây dựng.
“Sở Xây dựng tiếp tục đề xuất UBND tỉnh Long An xử phạt doanh nghiệp này về hành vi kinh doanh bất động sản khi chưa đủ điều kiện”, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết.
Còn tại Dự án Khu dân cư Cầu Tràm, chủ đầu tư là Công ty Trung Thành được cấp phép điều chỉnh giảm hơn 16,7 ha đất để đầu tư khu dân cư. Trong khi UBND tỉnh chưa cấp quyết định chủ trương đầu tư, chưa lập quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) và Công ty Trung Thành chưa thực hiện các nghĩa vụ về thủ tục đất đai, xây dựng, môi trường, chưa có giấy phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật của cơ quan có thẩm quyền cấp…, song công ty này đã ký hợp đồng cho Công ty cổ phần Bất động sản BNC làm đại lý độc quyền để bán nền đất ra thị trường. Nhiều khách hàng bị Công ty BNC “giam vốn” với tổng số tiền rất lớn.
Sở Xây dựng Long An đã đề xuất UBND tỉnh xử phạt hành chính Công ty Trung Thành về hành vi kinh doanh bất động sản khi chưa đủ điều kiện.