Cụ thể, ở phân khúc quan trọng nhất là nhà ở, cả năm 2018, thị trường chung cư để bán vẫn giữ mức mở bán cao, với khoảng 30.000 căn mở bán mới.
Trong đó, phân khúc trung cấp vẫn chiếm chủ đạo và dẫn dắt thị trường. Tỷ trọng của phân khúc này tiếp tục tăng từ 63% (năm 2017) lên 70% (năm 2018). Thị trường quý IV có sự đột khởi với nguồn cung lớn từ hai dự án lớn của Vinhomes là VinCity Ocean Park (Long Biên) và VinCity Sportia (Nam Từ Liêm).
Ở mảng thị trường quan trọng này, chỉ có 2% nguồn cung mở bán mới đến từ khu vực 4 quận trung tâm. Nguồn cung mới đến từ các quận, huyện ngoài trung tâm với bán kính trên 10 km ngày càng lớn và chiếm chủ đạo.
Đặc biệt, năm qua ghi nhận 20% nguồn cung mới từ các huyện như: Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm, các khu vực này được dự báo sẽ là những “ngôi sao mới”, không chỉ với phân khúc nhà ở mà cả với phân khúc khác.
Cũng trong xu hướng này, phân khúc nhà ở gắn liền với đất đang cho thấy sự dịch chuyển nguồn cung khi trong số 1.167 căn được mở bán trong quý IV đến từ khu Tây (từ 2 dự án mở bán lần đầu là liền kề Ngân Hà và FLC Premier Parc). Thanh khoản thị trường phân khúc này cũng rất tốt khi lượng giao dịch thành công đạt 2.700 căn so với 2.606 căn mở bán. Sự dịch chuyển này sẽ tiếp tục được thể hiện rõ nét trong thời gian tới với các dự án đến từ khu vực Gia Lâm, Đại Mỗ, Tây Mỗ, Đông Anh.
Các phân khúc như văn phòng, mặt bằng bán lẻ và khách sạn cũng đang thể hiện xu hướng chuộng vùng ven. Cụ thể, thị trường văn phòng tiếp tục ghi nhận một năm sáng sủa với tỷ lệ hấp thụ đạt 100.000 m2, mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Cả năm chỉ có thêm 2 dự án mới và đều đến từ khu Tây.
Thị trường mặt bằng bán lẻ cũng không nằm ngoài xu hướng khi khu Đống Đa, Ba Đình và phía Tây tiếp tục mang đến nguồn cung lớn, chiếm đến hơn 60% nguồn cung toàn thị trường.
Các dự án khách sạn mới tại Đống Đa, Hà Đông sẽ phản ánh rõ nét hơn việc dịch chuyển này, đó là nguồn cung mới từ các dự án như Novotel Thái Hà (Đống Đa), Wyndham Garden Hà Nội (Hà Đông).
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội cho rằng: Xu hướng ly tâm đang được thể hiện rõ rệt ở thị trường Thủ đô. Đây cũng là xu hướng đô thị hóa tại Việt Nam khi mà người dân và khách thuê chấp nhận mua/thuê xa hơn để có được mật độ thấp.
Thời gian tới, nguồn cung tương lai chủ yếu đến từ các dự án đô thị lớn, siêu lớn ở ngoại ô. Không chỉ phía Tây, các dự án sẽ “vượt sông” và dịch chuyển sang cả phía Đông bởi khu vực này có khả năng kết nối tốt”.