Cú huých hạ tầng
Mới đây, UBND TP. HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương bổ sung quy hoạch xây dựng cầu thay thế phà Cát Lái trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP. HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Theo đề xuất, cầu Cát Lái có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 4 km (riêng cầu khoảng 3,4 km), thiết kế là loại cầu dây văng có tĩnh không 55 m, tối thiểu 4 làn xe.
Điểm đầu dự án kết nối với nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2, TP. HCM) và điểm cuối cách bến phà hiện hữu khoảng 1,2 km thuộc xã Phú Hữu, đô thị Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Dự án có tổng kinh phí đầu tư tạm tính hơn 5.700 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay và lợi nhuận đầu tư). Trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 1.225 tỷ đồng.
Thông tin này không chỉ có ý nghĩa với người dân Đồng Nai mà còn được giới kinh doanh địa ốc đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ, quận 2 và Nhơn Trạch lâu nay chỉ cách nhau con sông Sài Gòn, nhưng việc đi lại khá khó khăn với phương tiện đi lại chủ yếu bằng phà qua sông. Tuy nhiên, một khi cầu Cái Lái được xây dựng, khoảng cách đi lại giữa Đồng Nai với TP. HCM sẽ rất thuận lợi.
Trước đó, nhiều công trình hạ tầng khác ở Đồng Nai được khởi động, trong đó điểm nhấn là sau nhiều lần bàn luận, cuối cùng sân bay Long Thành đã chính thức được chốt việc triển khai, khiến giá đất tại khu vực quanh sân bay Long Thành tăng mạnh. Ngoài ra, từ sau khi tuyến đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây chính thức đưa vào sử dụng đã rút ngắn khoảng cách giữa TP. HCM và Đồng Nai chỉ còn 15 phút đi xe và Đồng Nai trở thành trung tâm của cả vùng Đông Nam Bộ.
Ngoài ra, cũng mới đây, nhằm phục vụ cho việc phát triển giao thông, kinh tế của Đồng Nai, Bộ Giao thông - Vận tải đã chấp thuận đề xuất của UBND tỉnh Đồng Nai về việc kết nối tuyến đường Hương Lộ 2 (tuyến đường kết nối với dự án Khu đô thị Long Hưng) vào Quốc lộ 51 và kết nối Hương lộ 2 với đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây. Theo phân tích của giới chuyên môn, với hệ thống hạ tầng phát triển mạnh tại Đồng Nai thời gian qua, khu vực này đang trở thành “tâm điểm” thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là với nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.
Bất động sản “ăn theo”
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 200 dự án bất động sản, trong đó có nhiều dự án bất động sản có vốn đầu tư “khủng” từ vài trăm triệu USD trở lên, như: dự án Waterfront City, Aqua City ở xã Long Hưng(TP. Biên Hòa), dự án Hoa Sen Đại Phước ở xã Đại Phước, Khu đô thị mới Đông Sài Gòn, Khu đô thị mới Phước An, Khu đô thị mới Nhơn Trạch, Khu dân cư xã Vĩnh Thanh, dự án Sunflower City, dự án khu dân cư thương mại xã Long Tân - Phú Hội (huyện Nhơn Trạch)…
Tuy nhiên, theo phân tích của giới kinh doanh bất động sản, thời gian gần đây, trước sự sôi động của thị trường TP. HCM và sự khởi động mạnh của nhiều công trình hạ tầng, thị trường bất động sản Đồng Nai còn được giới đầu tư quan tâm nhiều hơn. Theo một phân tích mới đây của Công ty Chứng khoán FPTS, sự xuất hiện của sân bay Long Thành đang giúp thị trường bất động sản Đồng Nai chuyển biến tích cực hơn do các đánh giá Đồng Nai có vị thế tiếp giáp quận 9, Thủ Đức, Bình Dương và là cửa ngõ tiến ra biển nên được hỗ trợ nhiều về cơ sở hạ tầng theo định hướng phát triển về phía Đông của TP. HCM.
Bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty EXIMRS, đơn vị phân phối độc quyền một dự án thành phần trong dự án Khu đô thị Long Hưng, cho rằng, lợi thế lớn của thị trường bất động sản Đồng Nai là sự bứt phá về hạ tầng và giá “mềm”.
“Trong xu thế giãn dân, Đồng Nai được xem là “sân sau” của TP. HCM. Giá bất động sản của Đồng Nai hiện còn khá thấp, trong khi đó, với nhiều dự án có vị trí thuận lợi, cách TP. HCM chỉ một con sông, nhiều người làm việc ở TP. HCM vẫn có thể sinh sống ở Đồng Nai”, bà Tú nói và tiết lộ, thời gian gần đây, thị trường bất động sản Đồng Nai đang có làn sóng ngầm về săn quỹ đất nhằm đón lõng xu hướng thị trường, đặc biệt là với phân khúc đất nền đang rục rịch chuyển động tăng giá.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com