Nhà đầu tư kẹt vốn
Anh Đỗ Duy Tuấn, một nhà đầu tư tại Đà Nẵng chia sẻ, cuối năm 2018, thấy giá đất lên cao, anh và vợ quyết định bán ngôi nhà của mình tại quận Hải Châu với giá 6,8 tỷ đồng để đầu tư vào một số dự án tại Đà Nẵng. Theo đó, vợ chồng anh quyết định “xuống tiền” 1 lô đất nền tại dự án Eco Charm với giá 3,2 tỷ đồng và 1 căn nhà phố tại dự án Sunrie Bay với giá hơn 3 tỷ đồng. Anh Tuấn dự định khi nào giá bán cao hơn chút nữa thì sẽ “lướt sóng” kiếm lời.
Tuy vậy, sau hơn 10 tháng, giá giao dịch các sản phẩm này không những không lên như kỳ vọng, mà ngày càng giảm sâu khiến anh Tuấn hết sức lo lắng. Mặc dù đã chấp nhận bán cắt lỗ hơn 500 triệu đồng so với khi mua vào, nhưng đến nay anh vẫn không thể “đẩy” đi được 2 lô đất do tình hình thị trường quá ảm đạm.
Chị Trần Thị Kim Thanh, một khách hàng đến từ Hội An, Quảng Nam cũng trong tình trạng tương tự. Năm 2017, chị Thanh sau khi gom góp được một số tiền từ tiết kiệm và vay ngân hàng đã quyết định đầu tư 2 lô đất nền dự án khu đô thị 7B mở rộng của Công ty Bách Đạt An tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, sau khi đã đóng hơn 95% giá trị lô đất theo hợp đồng, đến nay sau hơn 2 năm, chị Thanh vẫn chưa thể nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 2 lô đất nền của mình do dự án bị vướng pháp lý. Không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chị Thanh không thể tiến hành xây dựng nhà ở để định cư, cũng như chuyển nhượng lại để thu hồi vốn.
Những diễn biến vừa qua của thị trường Đà Nẵng, Quảng Nam khiến khách hàng lưỡng lự và cân nhắc khi xuống tiền đầu tư bất động sản
“Tại thời điểm tôi đặt mua sản phẩm dự án 7B mở rộng, giá bất động sản vẫn còn rất thấp. Trong 2 năm vừa qua, giá đất trên địa bàn Đà Nẵng - Quảng Nam đã tăng gấp 2, gấp 3 lần so với giá ban đầu. Với số tiền như vậy, tại thời điểm hiện nay chúng tôi không còn cơ hội đi mua đất chỗ khác để định cư”, chị Thanh cho biết.
Theo ông Hồ Công Tình, Giám đốc Đầu tư - Đối ngoại, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển bất động sản Đông Phong, những lùm xùm về mặt pháp lý của một số dự án trên địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam thời gian qua đã khiến khách hàng mất niềm tin và trở nên cẩn trọng hơn khi đầu tư bất động sản.
“Nhà đầu tư chưa vội đầu tư ngay mà vẫn đang xem xét các diễn biến của thị trường khu vực trước khi đưa ra quyết định đầu tư ở đâu. Có một số khách hàng khác thì bị chôn vốn tại các dự án chưa đầy đủ pháp lý, nên dòng tiền từ đó cũng bị nghẽn lại. Cộng thêm việc các ngân hàng siết chặt cho vay đầu tư bất động sản cũng đã tác động đến tình hình chung của thị trường bất động sản Đà Nẵng, Quảng Nam”, ông Tình cho biết.
Cần cú huých về kinh tế
Đánh giá về những diễn biến của thị trường bất động sản khu vực Đà Nẵng gần đây, ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Bất động sản Trường Gia Phát cho rằng, giai đoạn 2009-2014 là giai đoạn thị trường bất động sản cả nước rơi vào đóng băng, đó cũng là thời điểm nền kinh tế đất nước đang trải qua giai đoạn khó khăn do chịu tác động chung của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Các lĩnh vực du lịch, xuất khẩu, tài chính - ngân hàng đều bị thiệt hại và đã tác động trực tiếp đến ngành kinh doanh bất động sản. Trong khi đó, giai đoạn này mặc dù thị trường bất động sản khu vực Đà Nẵng - Quảng Nam chững lại nhưng dư địa để phát triển thì vẫn còn rất nhiều, kinh tế - xã hội nhìn chung đang có sự tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, thị trường xáo động, nhiều khu vực tăng phi mã, nhiều dự án ma xuất hiện khiến rủi ro hiện hữu với các khách hàng, nhà đầu tư. Đó là lý do khiến khách hàng e dè trong quyết định xuống tiền.
“Dòng tiền đầu tư đang bị đứng lại khiến các giao dịch giảm. Trong khi đó, Đà Nẵng và Quảng Nam hiện nay có quá ít dự án tốt để nhà đầu tư lựa chọn, đồng thời lại phải cạnh tranh quyết liệt với các thị trường mới nổi khác tại khu vực như Phú Yên, Bình Thuận, Bình Định, Quảng Bình... Để đưa thị trường sôi động trở lại, trước hết là phải khơi thông được dòng tiền đầu tư. Mà điều này phụ thuộc vào các chính sách của cơ quan chức năng trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về pháp lý cho các dự án đang mắc phải trên địa bàn”, ông Tuấn Anh cho biết.
Về phần mình, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Phó tổng giám đốc Furama Resort Danang lại cho rằng, sự phát triển mạnh của bất động sản Đà Nẵng giai đoạn 2016 - 2018 có ảnh hưởng rất lớn từ nhóm các nhà đầu tư lớn từ Hà Nội, TP. HCM. Hiện nay, khi giá bất động sản Đà Nẵng đã lên ở ngưỡng “chạm trần”, nên không còn hấp dẫn những nhà đầu tư này nữa và họ đã rút lui khỏi thị trường Đà Nẵng. Do vậy, sẽ rất khó để thị trường Đà Nẵng có thể trở lại giai đoạn “thăng hoa” như trước đây.
“Du lịch Đà Nẵng hiện nay phát triển khá tốt. Nhưng đây chỉ là một khía cạnh trong sự tăng trưởng về bất động sản. Đà Nẵng giờ cần một cú huých thực sự về tăng trưởng kinh tế để vượt lên hẳn mặt bằng chung hiện nay, xây dựng môi trường đầu tư thật tốt, vươn lên trở thành một trung tâm lớn về du lịch, về tài chính, về thương mại hay giáo dục... của khu vực, giống như Singapore hay Hồng Kông… Khi đó, Đà Nẵng mới có thể hút được người giàu, người có tiền đến sinh sống và làm việc. Làm được như vậy, giá trị bất động sản Đà Nẵng sẽ tăng lên và không còn phụ thuộc vào một nhóm nhà đầu tư nào nữa. Đó mới là cách khơi mở dòng tiền đầu tư thực sự bền vững cho bất động sản Đà Nẵng”, ông Quỳnh nhận định.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com