Bất động sản Đà Nẵng dần lấy lại phong độ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tương tự Hà Nội hay TP.HCM, thị trường địa ốc Đà Nẵng đang hình thành xu hướng "ly tâm" khi mở rộng không gian phát triển về phía Tây Bắc, Đông Nam Thành phố.
Dọc 2 bờ sông Cổ Cò đã hình thành hàng trăm dự án Dọc 2 bờ sông Cổ Cò đã hình thành hàng trăm dự án

Trong công bố tiêu điểm thị trường bất động sản Đà Nẵng nửa đầu năm 2022, CBRE Việt Nam nhận định, thị trường này đang dần lấy lại phong độ khi hầu hết phân khúc được dự báo khởi sắc cả về nguồn cung và giá bán.

Đơn cử, ở phân khúc khách sạn 4-5 sao, Đà Nẵng có thêm 10 dự án với 2.442 phòng, nâng tổng nguồn cung lên gần 18.000 phòng với 91 dự án. Tới năm 2024, địa phương này dự kiến có tổng cộng 99 dự án khách sạn 4-5 sao, tổng nguồn cung đạt hơn 21.000 phòng với hàng loạt thương hiệu mới được ra mắt như Mandarin Oriental, Le Méridien, Wink Hotels, Lyf by The Ascott Limited…

Với phân khúc căn hộ, trong gần 3 năm qua, nguồn cung không tăng quá mạnh nên không xuất hiện tình trạng dư cung, giúp ổn định tỷ lệ hấp thụ. Dự báo giai đoạn 2023-2024, sẽ có khoảng 5.600 căn hộ từ 10 dự án được tung ra thị trường, trong đó căn hộ hạng sang vẫn chiếm ưu thế, nên mặt bằng giá sơ cấp dự báo tăng khoảng 12%.

Còn theo báo cáo của DKRA Vietnam, trong 6 tháng đầu năm 2022, phân khúc đất nền tại Đà Nẵng và các khu vực phụ cận ghi nhận khoảng 11 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường 1.556 nền, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước (khoảng 936 nền). Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt khoảng 60% (tương ứng 940 nền), tăng 65% cùng kỳ (571 nền).

Mặt bằng giá đất nền sơ cấp ghi nhận mức tăng trung bình khoảng 18%, giá bán thứ cấp tăng từ 5-15%. Cụ thể, thị trường đất nền Đà Nẵng ghi nhận 5 dự án mở bán (trong đó có 1 dự án mới và 4 dự án thuộc giai đoạn tiếp theo), cung cấp ra thị trường 799 sản phẩm, tăng 3,7 lần cùng kỳ, tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt 71% (khoảng 570 sản phẩm).

Nguồn cung mới tăng đáng kể, nhưng chủ yếu tập trung tại quận Ngũ Hành Sơn, chiếm 55% nguồn cung mới toàn Đà Nẵng. Lượng tiêu thụ tăng 6 lần, đến từ 3 dự án mới mở bán ở quận Ngũ Hành Sơn và quận Cẩm Lệ.

Mức giá thứ cấp tại Đà Nẵng tăng 5-11% so với thời điểm cuối năm 2021, tập trung tại các dự án có pháp lý hoàn chỉnh và hạ tầng triển khai đồng bộ. Tuy nhiên, thanh khoản thứ cấp khá thấp chủ yếu do mặt bằng giá neo cao và bị cạnh tranh với các thị trường lân cận như Quy Nhơn, Nha Trang, Thừa Thiên Huế.

Ở phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, thị trường đón nhận thêm khoảng khoảng 103 căn từ 3 dự án mới, gấp 6,8 lần cùng kỳ (15 căn). Tỷ lệ tiêu thụ đạt 54% (tương đương 56 căn), gấp 28 lần cùng kỳ. Lượng tiêu thụ trong kỳ hầu hết tập trung vào những dự án được phát triển bởi các chủ đầu tư lớn, uy tín và có giá bán dao động từ 15-30 tỷ đồng/căn.

Theo ông Nguyễn Tấn Việt, Tổng Giám đốc Ecoreal, sau dịch, tâm lý khách hàng đã ổn định hơn, nên dòng tiền có xu hướng đổ vào bất động sản nhiều hơn. Do đó, thị trường bất động sản Đà Nẵng dự báo sẽ khởi sắc hơn trong những tháng cuối năm 2022.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam đánh giá, thị trường bất động sản Đà Nẵng đang có những bước chuyển đáng chú ý sau dịch với việc dần hình thành xu hướng “ly tâm”.

Bà Dung cho biết, trong giai đoạn tới, Đà Nẵng sẽ mở rộng không gian phát triển về phía Tây Bắc và Đông Nam Thành phố, hướng tới hình thành các khu đô thị vệ tinh. Trong đó, khu vực Tây Bắc là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cũng là điểm giao của các nút giao thông trọng điểm, tạo kết nối thuận tiện giữa trung tâm Thành phố và các khu vực lận cận. Nhiều chủ đầu tư đã đổ bộ về đây phát triển các dự án khu đô thị, khu nghỉ dưỡng phức hợp nhằm đón đầu làn sóng dịch chuyển của một bộ phận cư dân chất lượng cao, trong đó phải kể đến nhóm chuyên gia nước ngoài làm việc tại các cụm/khu công nghiệp.

Còn phía Đông Nam sở hữu kết nối liên vùng với khu vực Quảng Nam, có thể hình thành dải đô thị - du lịch ven biển. Do đó, khu vực này được định hướng sẽ phát triển các khu đô thị du lịch - sinh thái, nhất là vị trí dọc ven sông Cổ Cò nhằm khai thác lợi thế cảnh quan. Điểm hạn chế của 2 khu vực này là thiếu hệ thống tiện ích phụ trợ, cũng như cần cải thiện hơn về hạ tầng (khơi thông dòng sông Cổ Cò) để tối ưu hóa tiềm năng phát triển.

Việt Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục