Đây là nhận định của PwC trong báo cáo triển vọng thị trường bất động sản năm 2020, đồng thời cũng là quan điểm của nhiều tổ chức kinh tế lớn khác khi nhìn vào lĩnh vực này trong thời gian tới.
Bối cảnh thay đổi
Một số xu hướng lớn trên toàn cầu sẽ thay đổi môi trường hoạt động của doanh nghiệp bất động sản, định hình hướng đi của lĩnh vực này trong những năm tới. Trong đó, yếu tố đầu tiên cần nhắc tới là sự mở rộng không ngừng của các thành phố mang tới những hệ quả phức tạp.
Bước sang năm 2020, thế giới sẽ chứng kiến các cuộc di dân tới những thành phố lớn theo đà leo dốc. Các thành phố sẽ không ngừng mở rộng tại các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh ở châu Á, châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latin. Ngay cả các nền kinh tế phát triển tại phương Tây cũng chứng kiến các cuộc di dân này, nhưng với tốc độ chậm hơn.
Để đáp ứng sự mở rộng về quy mô của các thành phố, hoạt động xây dựng trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng gấp đôi lên mức 15.000 tỷ USD vào năm 2025, so với 8.700 tỷ USD năm 2012. Trong đó, các thị trường mới nổi tại châu Á sẽ có bước phát triển nhanh nhất. Tới năm 2025, sẽ có 37 đại đô thị (megacities) so với con số 23 hiện tại và 12 trong số này nằm tại các thị trường mới nổi.
Bên cạnh vấn đề di dân, những thay đổi nhân khẩu học cũng tác động tới nhu cầu trên thị trường bất động sản. Sự bùng nổ của tầng lớp trung lưu đô thị tại châu Á, châu Phi và Nam Mỹ sẽ khiến nhu cầu với nhà ở gia tăng. Trong khi đó, dân số già tại các nền kinh tế phát triển tạo ra những nhu cầu đặc biệt với bất động sản. Như vậy, sự thay đổi nhân khẩu học tạo ra những xu hướng mới và khiến thị trường bất động sản có sự phân hóa mạnh mẽ hơn nữa.
6 dự báo cho 2020
Thứ nhất, hoạt động đầu tư bất động sản trên toàn cầu sẽ diễn ra theo hướng bền vững hơn, dẫn tới nhiều cơ hội cho sự phát triển của doanh nghiệp bất động sản, nhất là tại các nền kinh tế đang phát triển. Động lực chính xuất phát từ tăng trưởng dân số toàn cầu và GDP/người tiếp tục được cải thiện.
Thứ hai, các thành phố có tốc độ tăng trưởng nhanh tạo ra hàng loạt cơ hội, cùng với đó là rủi ro. Theo đó, thị trường bất động sản tại các nền kinh tế phát triển mang tới cơ hội với rủi ro thấp - lợi nhuận thấp, trong khi tại các nền kinh tế mới nổi, lợi nhuận cao hơn, đi kèm rủi ro lớn hơn. Dù vậy, đà tăng tốc của các nền kinh tế đang phát triển sẽ tạo lực hấp dẫn lớn với dòng vốn đầu tư vào bất động sản.
Thứ ba, những sáng tạo công nghệ và chiến lược phát triển bền vững là yếu tố chính định hình xu thế và tạo nên giá trị của bất động sản. Tất cả tòa nhà mới xây dựng đều cần đáp ứng các xếp hạng về phát triển bền vững, trong khi công nghệ sẽ thâm nhập sâu hơn nữa vào các hoạt động xây dựng, môi giới, kinh doanh bất động sản, khiến một số phương thức truyền thống biến mất.
Thứ tư, việc hợp tác với nhà quản lý sẽ ngày càng trở nên quan trọng. Theo đó, chủ doanh nghiệp bất động sản, cộng đồng đầu tư, nhà phát triển bất động sản cần hợp tác chặt chẽ hơn với nhà quản lý để kiểm soát các rủi ro có thể xảy ra từ các yếu tố phi kinh tế.
Thứ năm, sự cạnh tranh thu hút dòng vốn trở nên gay gắn hơn giữa các thị trường trên toàn cầu. Cộng đồng đầu tư sẽ phải cân nhắc kỹ càng hơn việc rót vốn vào các loại tài sản có tốc độ tăng trưởng cao tại thị trường mới nổi, hay đầu tư trọng điểm vào một số lĩnh vực phục vụ nhu cầu nghỉ hưu tại nền kinh tế phát triển.
Thứ sáu, hàng loạt mối đe dọa mới xuất hiện. Trong đó phải kể tới biến đổi khí hậu, xu hướng gia tăng của những bất ổn địa chính trị trên toàn cầu và thói quen tiêu dùng thay đổi.