Bất chấp số ca mắc COVID-19 tăng cao, nhiều nước vẫn dỡ bỏ biện pháp phòng dịch

0:00 / 0:00
0:00
Tuy số ca mắc COVID-19 hàng ngày vẫn tiếp tục tăng cao, nhưng một số quốc gia đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế. Động thái này giúp người dân dần trở lại cuộc sống bình thường và khôi phục lại nền kinh tế.
Đức sẽ dỡ bỏ các hạn chế về phòng chống dịch COVID-19 từ ngày 20/3. Ảnh: EURACTIV Đức sẽ dỡ bỏ các hạn chế về phòng chống dịch COVID-19 từ ngày 20/3. Ảnh: EURACTIV

Chính phủ Đức bảo vệ quyết định sẽ dỡ bỏ các hạn chế về phòng chống dịch COVID-19 vào cuối tuần này (20/3) ngay cả khi số ca mắc COVID-19 tại nước này đạt mức cao kỷ lục khi có đến gần 295.000 trường hợp vào ngày 17/3.

Phát biểu tại cuộc họp với 16 thống đốc bang của Đức, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói: “Hiện chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới của đại dịch. Theo đó, giống như các quốc gia láng giềng, thì chúng ta có thể dỡ bỏ hầu hết các biện pháp về phòng chống dịch”

Theo đó, việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng và hạn chế số lượng khán giả đến sân vận động sẽ được dỡ bỏ. Tuy nhiên, các bang sẽ căn cứ vào tình hình dịch bệnh cụ thể của địa phương mình để có những hạn chế về phòng dịch riêng.

Giống như Đức, một số quốc gia khác như: Anh, Áo, Hà Lan, Italy, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản … cũng đang lập kỷ lục về số ca mắc COVID-19 trong ngày do sự xuất hiện của dòng biến phụ BA.2 dễ lây lan hơn cả BA.1 (dạng phổ biến của biến thể Omicron) nhưng đều có kế hoạch dỡ bỏ hoặc đã dỡ bỏ các hạn chế COVID-19.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nói: “Do số ca nhiễm đã giảm so với thời kỳ đỉnh dịch và nhờ vào sự nỗ lực của người dân cũng như nhân viên y tế trong việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Dựa trên tình hình như vậy và đề nghị của từng thống đốc, chúng ta sẽ dỡ bỏ tất cả các hạn chế dịch COVID-19 tại Tokyo và 17 tỉnh thành khác kể từ ngày 21/3."

Giải thích cho động thái dỡ bỏ hạn chế COVID-19, chính phủ nhiều nước cho biết, việc tiêm chủng với tỉ lệ cao là chìa khóa để có thể mở cửa lại nền kinh tế và biên giới. Mặc dù số ca mắc cao kỷ lục, nhưng tỉ lệ nhập viện và tử vong đều xuống ở mức thấp nhất. Hầu hết các trường hợp tử vong đều nằm trong nhóm những người cao tuổi chưa được tiêm phòng.

Xuất phát từ điều này, một số nước như Nhật Bản, Israel, Mỹ, Italy… đã tiêm hoặc thảo luận liều vắc xin thứ tư cho những người cao tuổi. Những nghiên cứu khoa học cho thấy, liều thứ tư giúp tăng miễn dịch, giảm mắc bệnh và bệnh nặng ở người được tiêm.

Tuy vậy, trước động thái nhiều nước đồng loạt dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch, các chuyên gia y tế cảnh báo, không thể xem nhẹ nguy cơ tái bùng phát làn sóng lây nhiễm với biến thể phụ BA.2 của Omicron (còn gọi là “Omicron tàng hình”) được đánh giá có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn.

Do đó, điều quan trọng là các nước này cần phải tiếp tục củng cố hệ thống y tế và người dân được khuyến cáo nên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cơ bản như sát khuẩn, đeo khẩu trang, cố gắng tránh tụ tập đông người, tiêm phòng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 cũng như mũi tăng cường.

Ngoài ra, chính quyền mỗi nước căn cứ vào tình hình dịch bệnh cụ thể có thể linh hoạt duy trì một phần các quy định trong các biện pháp phòng dịch trọng điểm nếu thấy cần thiết.


Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục